Cần thiết phải tăng cường hoạt động của các Hiệp hội Du lịch Việt Nam
Việc hỗ trợ xây dựng năng lực cho các Hiệp hội du lịch Việt Nam trong bối cảnh hiện nay đang rất cần thiết. Bởi các Hiệp hội sẽ phát huy vai trò quan trọng trong cơ chế thị trường và hội nhập ngày càng sâu rộng.
Ngày 21/4/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định NĐ45/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội. Việc hình thành các Hiệp hội nói chung trong đó có Hiệp hội du lịch Việt Nam là xuất phát từ nhu cầu khách quan của các doanh nghiệp, từ yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý và phát triển du lịch của nước ta.
Trong đó, còn phải kể đến hoạt động của Dự án EU (Liên minh châu Âu) đã từ lâu đồng hành với du lịch Việt Nam trong nhiều lĩnh vực trong đó có hoạt động hỗ trợ xây dựng năng lực cho Hiệp hội du lịch Việt Nam (VITA).
Vai trò của Hiệp hội ngày càng được phát huy
Theo ông Nguyễn Quang Lân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam kiêm Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, một trong các cam kết quan trọng khi Việt Nam gia nhập WTO là Nhà nước sẽ không can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Vì thế, vai trò của các Hiệp hội càng được nâng cao. Thực tế cũng chứng minh, phần đông các trường hợp tranh chấp, dàn xếp trong thương mại quốc tế là do các Hiệp hội đứng ra thực hiện cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước.
Cũng theo ông Lân, trong cơ chế thị trường để cạnh tranh, tồn tại và phát triển được, doanh nghiệp phải giải quyết tốt mối quan hệ đan xen giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài. Trong mối quan hệ này, hiệp hội đóng vai trò trung gian tích cực góp phần thỏa mãn nhu cầu bảo vệ quyền, lợi ích của các doanh nghiệp thành viên hiệp hội. Bởi thế, với chức năng gắn kết và cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý, Hiệp hội ngày càng trở nên quan trọng. Xét về bản chất, Hiệp hội có vai trò quan trọng, nhất là việc tạo ra một môi trường và một cơ chế để có thể liên kết một cách chặt chẽ các doanh nghiệp để đảm bảo hiệu quả lợi ích chung của các doanh nghiệp và quốc gia.
Từ đó cho thấy sự ra đời của các Hiệp hội là xu thế tất yếu vẫn mang tính khách quan cho cơ quan quản lý Nhà nước trong việc xây dựng và ban hành cơ chế chính sách khuyến khích phát triển các ngành, lĩnh vực hoạt động của hội.
Như phân tích của ông Hans Farnhammer, đại diện EU tại Việt Nam, việc Việt Nam trở thành thành viên của WTO đã làm thay đổi vai trò của các Hiệp hội doanh nghiệp. Hiệp hội sẽ nhận được rất nhiều đề nghị từ các thành viên là làm thế nào để tận dụng được cơ hội từ WTO bởi vì các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam không đủ năng lực theo dõi, thực hiện tất cả các cam kết của WTO.
Còn theo chuyên gia quốc tế về các Tổ chức Du lịch của Dự án EU, ông Jim Flannery, các Hiệp hội Du lịch tại Việt Nam hiện nay còn 3 vấn đề bất cập, đó là: việc thiếu kinh phí trầm trọng, công tác điều phối còn yếu và không có kênh thông tin liên lạc rõ ràng.
Hoạt động du lịch đón khách quốc tế của Việt Nam đang đối mặt sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Để có thể thành công, cần tăng cường năng lực của các tổ chức thuộc cả khu vực công và tư. Về nội dung này, chuyên gia Jim Flannery đã đưa ra một loạt các khuyến nghị bao gồm thống nhất về sự phân chia trách nhiệm rõ ràng giữa các tổ chức liên quan, tránh sự chồng chéo trong các hoạt động; tái thiết lập nhóm các hiệp hội du lịch địa phương tại 7 vùng du lịch (như đã quy định tại Chiến lược Phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030); nhất trí về mục tiêu và kế hoạch hoạt động thường niên, duy trì nguồn kinh phí hoạt động thực tế cho công tác tiếp thị quốc tế. Ngoài ra, cũng cần thiết phải rà soát và củng cố pháp luật về du lịch có trách nhiệm và xác định VITA là cơ quan ngôn luận duy nhất cho toàn ngành. Ông Jim Flannery cũng khuyến nghị, để nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động, VITA nên được xác định là cơ quan ngôn luận duy nhất của toàn ngành và là nơi tiếp nhận các vấn đề du lịch chung của ngành. Các vấn đề mang tính đặc thù sẽ do các Hiệp hội phù hợp tiếp nhận.
Những đóng góp bước đầu của các Hiệp hội Du lịch địa phương
Kết quả đáng ghi nhận của ngành Du lịch Việt Nam trong suốt thời gian qua có một phần đóng góp không nhỏ của các Hiệp hội du lịch địa phương nói riêng và VITA nói chung.
Đơn cử, theo Báo cáo của Hiệp hội Du lịch Hà Nội, đơn vị này đã triển khai, thực hiện các nhiệm vụ do Tổng cục Du lịch, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hà Nội chỉ đạo, tổ chức. Trọng tâm công việc mà Hiệp hội Du lịch Hà Nội đã tập trung, đẩy mạnh triển khai là tăng cường liên kết các thành viên Hiệp hội cùng chia sẻ, tháo gỡ khó khăn về giá thuê đất, vấn đề môi trường, thị trường khách cũng như kinh nghiệm trong hoạt động, kinh doanh. Đặc biệt, Hiệp hội đã tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp Lữ hành với các doanh nghiệp Khách sạn, các khu làng nghề, các khu nghỉ dưỡng du lịch. Hiệp hội đã trực tiếp hỗ trợ về nghiệp vụ cho nhiều doanh nghiệp, nhiều khu du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, maketing cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Hiệp hội Du lịch Hà Nội cũng đẩy mạnh liên kết với các địa phương trong nước: Ký kết Biên bản hợp tác giữa các Hiệp hội, giữa các thành viên của Hiệp hội với các doanh nghiệp tại các tỉnh, TP trong cả nước: TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Bình Định, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Hải Dương, Ninh Bình…
Trong khi đó, báo cáo của Hiệp hội Du lịch Bình Thuận cho thấy, đối với các hoạt động trọng tâm, Hiệp hội Du lịch đều hoàn thành nhiệm vụ và kế hoạch đề ra như công tác tổ chức và hỗ trợ hội viên, công tác hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, công tác quảng bá xúc tiến hình ảnh điểm đến và công tác phát triển cộng đồng. Với sự hỗ trợ của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, sự giúp đỡ và tạo điều kiện của lãnh đạo địa phương cũng như các sở, ban, ngành trong tỉnh, Hiệp hội Du lịch Bình Thuận đã trở thành chỗ dựa tin cậy cho các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh. Hiệp hội đã làm tốt việc tăng cường hoạt động xúc tiến du lịch, phát triển thị trường, đẩy mạnh hợp tác kinh doanh để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch, giúp các doanh nghiệp có thêm điều kiện quảng bá, thu hút khách du lịch.
Hay như Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh luôn chú trọng nâng cao năng lực hoạt động của Hiệp hội một cách toàn diện trong đó lưu ý cụ thể hơn nhóm công việc đó là nâng cao năng lực quản trị và định hướng chiến lược, năng lực phục vụ và hỗ trợ hội viên, năng lực xây dựng và phát triển cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có sự vận hành và phối hợp đều tay giữa các Chi hội trực thuộc, giải pháp xây dựng năng lực tài chính để đảm bảo sự phát triển bền vững của Hiệp hội và năng lực vận động chính sách góp phần tạo hành lang pháp lý ngày càng thuận lợi cho doanh nghiệp. Không chỉ chú trọng tới công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, Hiệp hội còn quan tâm tới công tác phát triển hội viên, các chi hội cũng như tổ chức sinh hoạt Hội và các chi hội trực thuộc; tích cực thực hiện Chương trình kích cầu du lịch nội địa; thúc đẩy liên kết hợp tác với các địa phương và phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố…
Hoạt động của một số Hiệp hội Du lịch trong nước nói trên đã từng bước chứng minh sự đóng góp thiết thực của Hiệp hội và sự cần thiết phải tăng cường năng lực, vai trò của Hiệp hội trong bối cảnh hiện nay. Hơn bao giờ hết, việc củng cố, nâng cao năng lực của các Hiệp hội cũng chính là một trong những giải pháp sống còn để phát triển du lịch.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()