"Cần thiết phải ban hành nghị quyết về đổi mới chương trình, SGK"
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông như đã nêu trong Tờ trình và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; những mục tiêu đổi mới đề cập trong Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Theo Tờ trình của Chính phủ, chương trình, sách giáo khoa hiện hành cơ bản đã đáp ứng được những yêu cầu đổi mới theo tinh thần Nghị quyết số 40/2000/QH10 ngày 9/12/2000 của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; kế thừa và phát huy được những ưu điểm của các chương trình trước, phù hợp xu hướng quốc tế; đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn vừa qua; sách giáo khoa đã bám sát mục tiêu, cụ thể hoá được các yêu cầu của chương trình giáo dục…
Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; sự phát triển nhanh chóng của khoa học – công nghệ và khoa học giáo dục; những đòi hỏi hội nhập quốc tế, chương trình và sách giáo khoa hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập.
Do đó, phải xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa với những đổi mới căn bản, toàn diện về mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục và quản lý, thực hiện chương trình.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và thiếu nhi khẳng định vệc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối, quan điểm mới của Đảng về giáo dục phổ thông, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết 29, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 8, k hóa XI .
Nghị quyết mới của Quốc hội nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Giáo dục hiện hành và các văn bản pháp luật liên quan, tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển giáo dục hiện nay của đất nước, phù hợp với Hiến pháp mới ban hành.
Đặc biệt, đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm tạo ra sự chuyển biến căn bản về chất lượng và hiệu quả giáo dục, bảo đảm thực hiện mục tiêu của đổi mới giáo dục là chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức một chiều sang hướng phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh.
Thảo luận về cơ cấu giáo dục phổ thông, đa số các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhất trí giáo dục phổ thông kéo dài 12 năm, trong đó 9 năm cho chương trình giáo dục cơ bản (cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở) và 3 năm giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp trung học phổ thông); đồng thời tán thành một chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, sách giáo khoa giáo dục phổ thông phải diễn đạt dễ hiểu, tránh dùng những từ ngữ khó hiểu như: ứng thí, thực học, thực nghiệp…
Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước, Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông cần nêu bật các giá trị văn hóa, ứng xử của dân tộc, đặc biệt tập trung vào giáo dục lịch sử, giáo dục truyền thống cho học sinh.
Mong muốn nền giáo dục phát triển toàn diện, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị quá trình xây dựng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông phải huy động được trí tuệ của các nhà giáo, chuyên gia, nhà khoa cả nước trong quá trình biên soạn; Bộ Giáo dục và Đào tạo làm công tác thẩm định. Từ đó, lựa chọn một bộ chuẩn làm sách giáo khoa giáo dục phổ thông, còn những bộ khác tham khảo.
Cũng tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về định hướng dạy học tích hợp và dạy học phân hóa. Tuy nhiên, Tờ trình của Chính phủ cần làm rõ thêm các giải pháp khắc phục đổi mới trong cơ cấu môn học, đội ngũ giáo viên…, đặc biệt là trình độ quản lý của cán bộ giáo dục.
Nhiều ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng chương trình do nhà nước ban hành, còn sách giáo khoa giáo dục phổ thông thì nên giao các tổ chức, cá nhân, cơ sở giáo dục… có đủ điều kiện biên soạn.
Trong sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến Nghị quyết về tham gia lực lượng giữ gìn hòa bình thế giới./.
Ý kiến ()