Cần thiết liên kết sản xuất kinh doanh thực phẩm sạch trên địa bàn Thủ đô
Ngày 7/6, tại huyện Phúc Thọ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội tổ chức hội thảo "Tăng cường liên kết giữa cơ sở sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh nông sản thực phẩm rõ nguồn gốc và an toàn trên địa bàn thành phố".
Các doanh nghiêp sản xuất, kinh doanh ký hợp đồng liên kết mang nông sản an toàn đến với người tiêu dùng. Ảnh: PC
Hiện, Hà Nội đã xây dựng và phát triển được 27 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, sản phẩm chế biến. Đây là tiền đề để tạo dựng thương hiệu và tăng tính cạnh tranh đối với sản phẩm quả. Đặc biệt một số vùng sản xuất rau, quả an toàn đã có nhà sơ chế quy mô lớn đảm bảo điều kiện kỹ thuật để phân loại, sơ chế, đóng gói rau trước khi đưa vào hệ thống phân phối…
Hiện nay Hà Nội có trên 152 nghìn doanh nghiệp, trong đó có khoảng hơn 1 nghìn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, phần lớn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này có quy mô vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, Hà Nội có 425 chợ, trong đó có 15 chợ hạng 1, 66 chợ hạng 2, 310 chợ hạng 3 và 34 chợ chưa được phân hạng.
Ngoài ra, còn có 24 trung tâm thương mại, 134 siêu thị và hàng nghìn các cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm chủ yếu tập trung tại các quận nội thành. Trong đó các sản phẩm an toàn, rõ xuất xứ nguồn gốc chủ yếu được tiêu thụ tại các siêu thị, cửa hàng nông sản thực phẩm an toàn, cung cấp qua các bếp ăn tập thể, bán hàng online cung cấp trực tiếp cho khách hàng…
Tuy nhiên theo khảo sát hiện nay, một lượng lớn các sản phẩm nông sản Thủ đô được các thương lái thu mua, tập kết tại các chợ đầu mối và sau đó đi tiêu thụ tại các chợ dân sinh, cửa hàng, bếp ăn tập thể.
Lượng sản phẩm nông sản thực phẩm có chứng nhận và nguồn gốc mới chỉ chiếm khoảng 20%. Các chợ đầu mối đang đóng vai trò là khâu điều phối các sản phẩm đến các thị trường tiêu thụ. Chính vì vậy, việc tăng cường liên kết giữa cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm rõ nguồn gốc và an toàn là hết sức cần thiết.
Một số hợp tác xã, chủ trang trại nuôi gia súc gia cầm, trồng rau hữu cơ cũng cam kết chỉ sản xuất ra những nông sản an toàn, không sử dụng thuốc trừ sâu, phân hóa học hay các chất cấm trong chăn nuôi…
Một số siêu thị, chuỗi sản xuất liên kết đã nêu một số quy định về đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện về giấy phép, giấy chứng nhận, đặc biệt sản phẩm động vật phải qua sơ chế và phải có hệ thống giết mổ hiện đại.
Đại diện các siêu thị, doanh nghiệp cũng chia sẻ những nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu ở các nước có thị trường lớn như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Úc… đồng thời, đảm bảo sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình đưa sản phẩm đi tiêu thụ nhằm tăng thu nhập cho nông dân…
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()