Cần thiết lập Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố
Việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố là cần thiết, để tham mưu, điều hòa phối hợp liên ngành công tác phòng, chống khủng bố. Ngày 21-5, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật phòng, chống khủng bố.
– Việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố là cần thiết, để tham mưu, điều hòa phối hợp liên ngành công tác phòng, chống khủng bố. Ngày 21-5, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật phòng, chống khủng bố.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng và an ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa, khủng bố chủ yếu là hoạt động có tổ chức, có động cơ chính trị và là hành vi đặc biệt nguy hiểm nên vấn đề giải quyết hết sức nhạy cảm, phải bảo đảm các yêu cầu chính trị, pháp luật và đối ngoại. Công tác phòng, chống khủng bố là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó phòng ngừa khủng bố là nhiệm vụ chính và phải thực hiện thường xuyên, liên tục. Khi khủng bố xảy ra thì việc đấu tranh giải quyết có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều địa phương. Do đó, cần thiết phải có Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố.
Trong thực tiễn, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đã có 11 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm và được Chính phủ, Bộ Công an đánh giá hoạt động có hiệu quả. Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cũng thành lập các cơ quan để thực hiện chức năng chỉ đạo chống khủng bố theo hướng này.
Tuy nhiên, để phù hợp với thực tiễn phòng, chống khủng bố và không làm phát sinh thêm tổ chức, lực lượng mới thì trong Luật này cần quy định rõ việc thành lập các Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố theo hướng: Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia do Chính phủ thành lập. Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố cấp tỉnh do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập. Việc lồng ghép với Ban chỉ đạo Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm (nay là Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ) trong giai đoạn nhất định do Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Đối với bộ, ngành trung ương, chỉ khi thực sự cần thiết theo chức năng, nhiệm vụ được giao thì bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ mới thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố thuộc bộ, ngành mình. Tất cả các ban chỉ đạo đều hoạt động kiêm nhiệm. Còn thành phần của ban chỉ đạo của cấp nào thì để cấp đó quyết định. Việc quy định như vậy vừa bảo đảm tính linh hoạt, vừa phù hợp với thẩm quyền của Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ và của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã được pháp luật quy định.
Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia và cấp tỉnh do Bộ Công an và cơ quan công an cấp tỉnh đảm nhiệm là thống nhất với chức năng, nhiệm vụ đã được pháp luật quy định và phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Về lực lượng chuyên trách thực hiện phòng, chống khủng bố, nhiều ý kiến cho rằng, không nên thành lập lực lượng chuyên trách, mà nên giữ phương thức tổ chức như hiện nay là giao nhiệm vụ cho một số đơn vị để huấn luyện, đồng thời tăng cường trang bị, phương tiện, vũ khí cho các lực lượng hiện có để sẵn sàng làm nhiệm vụ, vì nếu thành lập lực lượng chuyên trách sẽ phát sinh thêm bộ máy gây tốn kém, không phù hợp với tình hình thực tế. Bên cạnh đó, một số ý kiến nhất trí thành lập lực lượng chuyên trách nhưng đề nghị cần tính toán quy mô cho phù hợp, chỉ cần lực lượng chuyên trách làm nhiệm vụ tham mưu tác chiến chống khủng bố, còn lực lượng trực tiếp hoặc tham gia giải quyết khủng bố là lực lượng hiện có được giao nhiệm vụ và tăng cường năng lực. Ý kiến khác cho rằng, tham mưu tác chiến chống khủng bố là trách nhiệm của nhiều lực lượng, đơn vị đang thực hiện mà không phải là nhiệm vụ của riêng cơ quan, lực lượng, đơn vị cụ thể nào. Theo đại biểu Trần Văn Độ (An Giang), Ban chỉ đạo, không nên thành lập ban ở các bộ ngành, bộ nào cần lập thì lập, không cần thì thôi. Vì ở Trung ương đã có, và ở tỉnh cũng có và các cơ quan có liên quan phải tham gia. Nên chỉ có ban chỉ đạo ở Trung ương và các tỉnh.
UBTVQH đề xuất lực lượng chống khủng bố gồm hai thành phần chính là các đơn vị thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng được giao nhiệm vụ chống khủng bố và các lực lượng khác được huy động tham gia chống khủng bố. Theo đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định), vai trò của quân đội là lực lượng đảm bảo ý chí vũ khí, chỉ huy tác chiến, kỷ luật, điều luật đang quy định chung chung và quan hệ Bộ Quốc phòng và Bộ Công an chưa rõ.
Mặt khác, việc phối hợp giữa các lực lượng chức năng trên biên giới vẫn chưa được quy định rõ. Các tổ chức khủng bố, thường xâm nhậm vào nội địa qua đường biên giới và các cửa khẩu. Theo đại biểu Nguyễn Hoài Phương (Tây Ninh), quy định về trách nhiệm của Bộ Quốc phòng tại Điều 41 của dự thảo Luật phòng, chống khủng bố, liên quan đến các loại tội phạm khủng bố, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2009 quy định tại ba điều: Điều 84, Điều 230A, Điều 230B và một số quy định trong Pháp lệnh Điều tra hình sự đều quy định thẩm quyền điều tra ban đầu của BĐBP. Khoản 3 quy định chỉ đạo cơ quan Hải quan phối hợp với các đơn vị Công an nhân dân, BĐBP và các cơ quan khác có liên quan thực hiện các biện pháp phòng, chống khủng bố trong hoạt động kiểm soát hàng hóa, phương tiện nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh.
Do đó, các văn bản quy phạm pháp luật quy định về chức năng, nhiệm vụ của BĐBP như: Pháp lệnh BĐBP, Luật Biên giới quốc gia, Pháp lệnh Xuất nhập cảnh, cư trú của người nước ngoài… Đặc biệt, từ thực tiễn của công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, quản lý cửa khẩu, cho thấy đối tượng buôn lậu thông qua các cửa khẩu do BĐBP quản lý, kiểm soát ngoài hàng hóa, phương tiện, còn bao gồm cả con người, đây là một trong những yếu tố cấu thành nên tổ chức, hoặc là đối tượng hay còn gọi là đối tượng khủng bố.
Từ một số căn cứ nêu trên, đề nghị điều 42 cần bổ sung thêm một khoản đó là: chỉ đạo cơ quan hải quan phối hợp với BĐBP và các cơ quan chức năng có liên quan thực hiện các biện pháp phòng, chống khủng bố trong hoạt động kiểm soát người xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh tại các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng, BĐBP quản lý.
Theo Nhandan
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()