Cần thiết đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa
Sản phẩm bún của cơ sở chị Bế Thị Lan Anh (huyện Đình Lập) chưa có nhãn hiệu đang bị làm giả nguồn gốc xuất xứ trên thị trường |
Những năm gần đây, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa được các tổ chức, cá nhân trong tỉnh quan tâm thực hiện. Từ đầu năm 2015 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Lạng Sơn đã tư vấn về thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho các tổ chức, cá nhân được 94 nhãn hiệu, 1 chỉ dẫn địa lý, 1 trường hợp chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp, 5 sáng chế và 4 kiểu dáng công nghiệp. Tính đến hiện tại, toàn tỉnh đã có trên 500 nhãn hiệu sản phẩm, dịch vụ được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ.
Trên thực tế còn rất nhiều sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sản xuất ra nhưng chưa được đăng ký bảo hộ. Trường hợp cơ sở sản xuất bún khô của anh Chu Văn Thuận, chị Bế Thị Lan Anh, thôn Bình Chương I, xã Đình Lập, huyện Đình Lập là một ví dụ. Cơ sở đã sản xuất bún khô từ năm 2013. Do chưa quan tâm xây dựng, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu nên bún khô của cơ sở bị một số tư thương mua về gắn mác giả nguồn gốc xuất xứ bán ra thị trường. Chị Bế Thị Lan Anh, chủ cơ sở kể: “Trên thị trường có rất nhiều sản phẩm bún khô nhất là bún khô làm từ ngô do cơ sở tôi sản xuất ra nhưng mang tên người khác, địa chỉ nơi khác. Giá bán bún khô có nhãn mác chênh rất nhiều so với giá bán của cơ sở tôi từ 15 – 20 nghìn đồng/kg”.
Không riêng trường hợp trên, những năm qua, trên địa bàn tỉnh có khá nhiều cơ sở bị mất thương hiệu bởi chưa chú trọng xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm, thậm chí có những sản phẩm đã có nhãn hiệu nhưng cũng bị trà trộn, giả nguồn gốc, giả thương hiệu như rau an toàn Nà Chuông, chè Thái Bình (Đình Lập), hồng không hạt Bảo Lâm, na dai Chi Lăng… Điển hình là vụ Công ty TNHH Thành Long, thành phố Lạng Sơn (sản xuất bánh kẹo) bị làm giả nhãn mác, bao bì vào năm 2002. Năm 2016, Công ty TNHH Một thành viên xe điện DK Việt Nhật cũng phải thu hồi trên 300 xe điện 18A gắn thương thiệu giả DK Bike. Việc này làm cho công ty không những tốn kém chi phí cho việc rà soát thị trường và thu hồi sản phẩm giả nhãn hiệu DK Bike mà còn bị ảnh hưởng đến thương hiệu, chất lượng sản phẩm trên thị trường. Mặc dù theo quy định, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu không phải là thủ tục bắt buộc nhưng việc làm này lại rất cần thiết và là cơ sở để xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu. Tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sẽ được độc quyền sử dụng nhãn hiệu đó cho hàng hóa, dịch vụ của mình. Khi xảy ra trường hợp bị “đánh cắp” hoặc tranh chấp, chủ sở hữu có quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu làm căn cứ chứng minh quyền của mình mà không cần chứng cứ nào khác. Nói như vậy có thể thấy, các cơ sở sản xuất kinh doanh chưa đăng ký bảo hộ nhãn hiệu như trường hợp cơ sở bún khô của chị Bế Thị Lan Anh (Đình Lập) thì không có cơ sở để giải quyết tranh chấp. Bà Nguyễn Minh Hà, Trưởng Phòng Quản lý công nghệ và Quản lý chuyên ngành, Sở KH&CN cho biết: Để thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, tổ chức, cá nhân đến Sở KH&CN để được tư vấn quá trình thực hiện. Tổ chức, cá nhân cần nộp đơn đăng ký nhãn hiệu. Khi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký thì lúc đó, cơ sở, cá nhân đã làm thủ tục tục đăng ký được ghi nhận là chủ của nhãn hiệu, thương hiệu và văn bằng được bảo hộ.
Nhãn hiệu sẽ đồng hành và phát triển cùng doanh nghiệp, tổ chức, cơ sở kinh doanh. Để bảo vệ quyền và lợi ích của mình, các tổ chức, cá nhân không nên lơ là với việc này mà cần quan tâm, nhanh chóng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Đăng ký sớm ngày nào, hàng hóa, sản phẩm làm ra được bảo hộ sớm ngày đó.
Ý kiến ()