Ngày 4-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) tiếp tục phiên họp thứ 35 với sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng. Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ QH đã nghe Chính phủ trình dự án Luật Hợp tác xã (HTX) (sửa đổi) và cho ý kiến về dự án luật này.
Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật HTX (sửa đổi) so với Luật HTX năm 2003 có những điểm mới là: Quy định rõ hơn về bản chất tổ chức hợp tác xã; Bảo đảm của Nhà nước đối với HTX, liên hiệp HTX (Điều 5); Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng tham gia HTX, liên hiệp HTX; Một số quy định sửa đổi, bổ sung về thủ tục hành chính; Sửa đổi, bổ sung một số quy định về tổ chức, quản lý HTX, liên hiệp HTX; Bổ sung quy định về tài chính HTX, liên hiệp HTX (Điều 64); Thay giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh bằng giấy chứng nhận đăng ký HTX, liên hiệp HTX để phù hợp với những cải cách thủ tục hành chính hiện nay, tiến tới tích hợp việc đăng ký thành lập HTX, liên hiệp HTX và cấp mã số thuế; Quy định cụ thể hơn cơ cấu tổ chức, chức năng, quyền, nhiệm vụ và tài chính của liên minh HTX (Điều 78-80); Quy định rõ hơn về hệ thống cơ quan quản lý nhà nước đối với HTX, liên hiệp HTX; Thống nhất tên gọi một số thuật ngữ trong tổ chức HTX, liên hiệp HTX.
Cũng theo Tờ trình của Chính phủ, trong quá trình xây dựng dự thảo luật nổi lên ba vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau cần xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ QH, gồm: Bản chất tổ chức HTX; Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển HTX; HTX được thành lập công ty, góp vốn, mua cổ phiếu.
Thẩm tra dự án Luật HTX (sửa đổi), Ủy ban Kinh tế của QH nhận xét, dự án Luật (sửa đổi) đã được cơ quan soạn thảo chuẩn bị khá kỹ lưỡng, công phu; hồ sơ, tài liệu liên quan được cung cấp đầy đủ theo đúng quy định của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Dự thảo luật trình lần này đã tiếp thu các ý kiến đóng góp cho nên, về cơ bản đã có nhiều quy định cụ thể, rõ ràng hơn.
Ủy ban Kinh tế của QH cũng tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật HTX (sửa đổi) nhằm bảo đảm thực hiện quản lý Nhà nước về HTX có hiệu quả; hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế HTX phát triển lành mạnh, bền vững, đúng với bản chất và mục đích thành lập. Từ đó, đóng góp tốt hơn vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Ủy ban Thường vụ QH cho rằng, Luật HTX năm 2003 mặc dù về cơ bản đã thể chế hóa và phù hợp các yêu cầu, quan điểm phát triển kinh tế tập thể theo Nghị quyết Trung ương V (khóa IX) nhưng vẫn còn một số hạn chế về tính chất phục vụ xã viên, các quy định về chính sách ưu đãi, hỗ trợ, quản lý Nhà nước, thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật còn thiếu. Công tác quản lý Nhà nước đối với mô hình này còn nhiều bất cập. Hệ thống quản lý Nhà nước chưa xác định rõ và tổ chức thống nhất với một đầu mối.
Thảo luận dự án Luật HTX, phần lớn ý kiến đồng tình với Tờ trình của Chính phủ là cần quy định rõ hơn bản chất của HTX là phục vụ xã viên trên nền tảng hợp tác và tán thành với việc quy định bản chất và các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của HTX/liên hiệp HTX như trong dự thảo luật.
Một số ý kiến cho rằng, Luật HTX (sửa đổi) cần làm rõ ba yếu tố, đó là: việc sở hữu đồng vốn và hình thức góp vốn; cách tổ chức sản xuất và quản lý; cách phân phối. Giải quyết ba vấn đề này thì HTX mới phát triển được.
Về chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển HTX, liên hiệp HTX (Điều 6). Qua thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng, dù HTX hoạt động dưới hình thức nào, thì kinh tế HTX cũng bao gồm những người yếu thế là chủ yếu. Nhiều quốc gia trên thế giới đều có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển đặc thù. Vì vậy, về nguyên tắc cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ đối với các HTX. Tuy nhiên, chính sách ưu đãi, hỗ trợ phải phù hợp nguồn lực quốc gia cũng như các cam kết quốc tế, không thực hiện một cách đánh đồng, tràn lan, tránh hiện tượng lợi dụng danh nghĩa HTX để hưởng lợi. Do đó, chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển HTX, liên hiệp HTX cần có những tiêu chí cụ thể như quy mô, tính chất của từng loại hình, phạm vi ngành, lĩnh vực, địa bàn được hưởng chính sách này, v.v.
Về nội dung HTX có được thành lập công ty, góp vốn, mua cổ phần hay không, qua thảo luận vẫn còn ý kiến khác nhau. Một số ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ việc có cho phép HTX, liên hiệp HTX thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc mua cổ phần của công ty khác hay không? Vì dự thảo luật không quy định cụ thể về việc HTX có quyền thành lập doanh nghiệp trực thuộc hay không nhưng vẫn đề cập khái niệm doanh nghiệp trực thuộc HTX tại các quy định về thủ tục chia tách HTX (Điểm a, Khoản 2, Điều 55 và Điểm c, Khoản 2, Điều 73).
Về vấn đề này, có ý kiến đề nghị không nên cho phép HTX thành lập công ty, góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp khác nhằm bảo đảm HTX được thành lập là để phục vụ nhu cầu của thành viên, tránh rủi ro cho HTX. Ngoài ra, nếu cho phép mua cổ phần của các doanh nghiệp khác nhưng khi chia cổ tức trong HTX phải căn cứ theo mức độ sử dụng dịch vụ thì cũng sẽ không hợp lý, dễ gây nên xung đột về lợi ích giữa việc HTX đầu tư sinh lời và mục tiêu phục vụ thành viên.
Một số ý kiến phân tích, nếu đã xem HTX là tổ chức kinh tế tự chủ, bình đẳng với các loại hình kinh tế khác trong cơ chế thị trường thì không thể không cho phép HTX thành lập công ty trực thuộc hoặc góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp khác. Thực tế hiện nay đã có các doanh nghiệp trực thuộc HTX. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu để có quy định rõ ràng hơn (thí dụ về ngành nghề, phạm vi hoạt động kinh doanh), tránh tình trạng những công ty này (bao gồm công ty trực thuộc hoặc góp vốn) hoạt động trái với mục đích thành lập và bản chất của HTX.
Có ý kiến lại cho rằng, nếu cho phép HTX thành lập công ty, góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp khác có thể làm cho HTX xa rời bản chất và mục đích hoạt động là để phục vụ các thành viên trên cơ sở tài sản chung không chia; đồng thời, tăng thêm rủi ro cho hoạt động HTX.
Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ QH, cơ quan chủ trì soạn thảo, chủ trì thẩm tra tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo, để trình QH cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ VIII, QH khóa XII.
Ý kiến ()