Can thiệp và gây chia rẽ đang làm cản trở kế hoạch hòa bình ở Xy-ri
Cộng đồng quốc tế đang nỗ lực thúc đẩy các bên ở Xy-ri thực hiện cam kết chấm dứt bạo lực nhằm dọn đường cho các cuộc đàm phán hòa bình. Nhưng, bất đồng giữa chính quyền Đa-mát và phe đối lập, cùng những toan tính gây chia rẽ và can thiệp của các thế lực bên ngoài đang cản trở việc thực hiện kế hoạch hòa bình ở quốc gia Trung Đông này.Chấp thuận kế hoạch hòa bình sáu điểm của Đặc phái viên chung của LHQ và Liên đoàn A-rập (AL) C.An-nan, Bộ Quốc phòng Xy-ri nêu rõ, sau khi hoàn tất những chiến dịch chống các nhóm khủng bố vũ trang và thực thi pháp luật trên khắp lãnh thổ, Xy-ri quyết định dừng các chiến dịch này kể từ sáng 12-4. Để chứng tỏ thiện chí đối với kế hoạch hòa bình của ông An-nan, quân đội Chính phủ Xy-ri đã bắt đầu rút khỏi một số tỉnh và trả tự do cho một số người biểu tình bị bắt. Tuy nhiên, Xy-ri vẫn để ngỏ phương án "tiếp tục trực chiến" để đáp trả bất cứ cuộc tiến công nào của các nhóm khủng bố....
Chấp thuận kế hoạch hòa bình sáu điểm của Đặc phái viên chung của LHQ và Liên đoàn A-rập (AL) C.An-nan, Bộ Quốc phòng Xy-ri nêu rõ, sau khi hoàn tất những chiến dịch chống các nhóm khủng bố vũ trang và thực thi pháp luật trên khắp lãnh thổ, Xy-ri quyết định dừng các chiến dịch này kể từ sáng 12-4. Để chứng tỏ thiện chí đối với kế hoạch hòa bình của ông An-nan, quân đội Chính phủ Xy-ri đã bắt đầu rút khỏi một số tỉnh và trả tự do cho một số người biểu tình bị bắt. Tuy nhiên, Xy-ri vẫn để ngỏ phương án “tiếp tục trực chiến” để đáp trả bất cứ cuộc tiến công nào của các nhóm khủng bố. Ông An-nan cũng thông báo đã nhận được văn bản cam kết từ Chính phủ Xy-ri về việc ngừng các chiến dịch quân sự và nhà ngoại giao kỳ cựu này sẽ tiếp tục làm việc với chính quyền Đa-mát và phe đối lập để bảo đảm kế hoạch hòa bình sáu điểm được thực thi đầy đủ.
Nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế như I-ran, Trung Quốc, Nga, AL cho rằng, kế hoạch của ông C.An-nan là “cơ hội cuối cùng” nhằm giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng Xy-ri và hối thúc các bên biến cam kết thành hành động cụ thể. Để kế hoạch thành công, Nga nhấn mạnh việc phe đối lập ở Xy-ri cũng phải tôn trọng thỏa thuận. Bộ trưởng Ngoại giao Nga X.La-vrốp hối thúc ông An-nan gia tăng sức ép yêu cầu lực lượng đối lập ở Xy-ri thực hiện thỏa thuận ngừng bắn, đồng thời cho rằng, cần đẩy nhanh tiến trình triển khai phái bộ giám sát của LHQ tới Xy-ri.
Trong khi đó, những bất đồng giữa chính phủ và lực lượng đối lập ở Xy-ri về các điều kiện ngừng bắn khiến việc thực hiện kế hoạch hòa bình của Đặc phái viên C.An-nan gặp không ít trắc trở. Phe nổi dậy bác bỏ yêu cầu của Chính phủ Xy-ri đòi lực lượng này có “sự bảo đảm bằng văn bản” về việc hạ vũ khí và không lợi dụng việc lực lượng chính phủ rút quân để thừa thế tiến công. Thực tế, ngay sau thời điểm bắt đầu thực hiện thời hạn chót thực thi kế hoạch hòa bình, xung đột giữa các phe phái ở Xy-ri tiếp diễn, gây nhiều thương vong. Tuy Chính phủ Xy-ri sau đó đã “hạ cấp độ” trong yêu cầu đối với phe đối lập khi nói rằng, Đa-mát chỉ cần nhận được sự bảo đảm của ông An-nan trong vấn đề này, song trong bối cảnh hiện nay, đây là một “sứ mệnh” không dễ dàng đối với nhà ngoại giao này. Bởi trong khi Chính phủ Xy-ri đồng ý ngừng bắn, các phe nhóm đối lập lại chưa tìm được tiếng nói chung trong việc thực hiện thỏa thuận.
Theo các nhà phân tích, một “cơn sóng ngầm” khác ngáng trở kế hoạch hòa bình của Đặc phái viên C.An-nan là thái độ thiếu thiện chí của phương Tây. Sự can thiệp từ bên ngoài vào Xy-ri ngày càng diễn ra nghiêm trọng. Bề ngoài tỏ ra ủng hộ kế hoạch hòa bình, song thực chất các nước phương Tây và vùng Vịnh luôn muốn lật đổ chế độ của Tổng thống Xy-ri B.Át-xát. Phương Tây luôn bày tỏ nghi ngờ đối với việc thực thi thỏa thuận hòa bình của Chính phủ Xy-ri. Nhà trắng đe dọa, Oa-sinh-tơn chưa nhận được bằng chứng nào về việc rút quân của Đa-mát và Mỹ sẽ phải bàn với các đối tác quốc tế về “những bước tiếp theo” đối với Xy-ri. Các phái viên châu Âu cũng cho rằng, Xy-ri đã “nói dối trắng trợn” khi không tuân thủ kế hoạch hòa bình của ông An-nan. Và họ cũng kêu gọi xem xét “các biện pháp quốc tế” đối với Đa-mát. Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Chính phủ Xy-ri sử dụng “chiến lược kéo dài thời gian” và kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ “thông qua nghị quyết về các biện pháp cần thiết để bảo vệ dân thường Xy-ri” trong trường hợp Đa-mát không chấm dứt bạo lực.
Trong khi đó, Mỹ và phương Tây tiếp tục công khai hậu thuẫn các lực lượng đối lập ở Xy-ri. Với khoản viện trợ trị giá 2,5 triệu USD của Mỹ, việc tăng gấp đôi viện trợ phi quân sự của Anh và cam kết tài trợ 100 triệu USD của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) dành cho phe đối lập ở Xy-ri, lực lượng này sẽ được “tiếp sức” trong cuộc chiến nhằm lật đổ chế độ của Tổng thốngÁt-xát.
Trước những thách thức của việc thực hiện kế hoạch hòa bình ở Xy-ri, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun kêu gọi các bên tôn trọng vô điều kiện lộ trình ngừng bạo lực toàn diện tại Xy-ri. Nga khẳng định lại quan điểm phản đối mọi sự can thiệp bên ngoài vào Xy-ri, cho rằng bất cứ sự thay đổi nào phải bắt nguồn từ một tiến trình chính trị nội bộ, chứ không phải từ sức ép bên ngoài. Cộng đồng quốc tế mong muốn giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng Xy-ri và cho rằng, sự “đạo diễn” của các “bàn tay bên ngoài” sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng và đẩy quốc gia Trung Đông này vào cuộc nội chiến đẫm máu.
Theo Nhandan
Ý kiến ()