Cần thêm những cụm công nghiệp
LSO-Thời gian qua, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Lạng Sơn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, do thiếu nhiều điều kiện về cơ sở hạ tầng, đặc biệt thiếu mặt bằng sản xuất nên tốc độ phát triển còn chậm so với cả nước.
Sản xuất chiếu trúc tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại H&T |
Ông Đoàn Bá Nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Nếu như năm 2006, Lạng Sơn chỉ có khoảng trên 500 doanh nghiệp, thì đến nay đã tăng lên hơn 2.000 doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã có bước tiến vượt bậc và có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Điều này nghĩa là cần có thêm quỹ đất, mặt bằng sạch để doanh nghiệp đầu tư xây dựng trụ sở, nhà xưởng… Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp chưa có hoặc chưa đủ mặt bằng nên hoạt động sản xuất còn rời rạc, chắp vá thiếu đồng bộ.
Để tạo mặt bằng cho doanh nghiệp sản xuất, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 525/QĐ-UBND ngày 8/4/2011 về xây dựng và phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2011-2020, xét đến năm 2025. Theo quy hoạch, tỉnh sẽ hình thành 2 khu Công nghiệp Đồng Bành và Hồng Phong cùng một số cụm công nghiệp khác với tổng diện tích gần 1.400 ha, được phân bố trên địa bàn thành phố Lạng Sơn và các huyện: Hữu Lũng, Cao Lộc, Lộc Bình, Văn Lãng, Bình Gia, Bắc Sơn.
Mặc dù vậy, đến nay việc phát triển các khu/cụm công nghiệp theo quy hoạch còn khá chậm. Từ năm 2007 đến nay, chỉ có duy nhất cụm công nghiệp địa phương số 2 tại huyện Cao Lộc đã hoàn thành đưa vào khai thác với quy mô diện tích 13,1 ha và đã lấp đầy với 14 dự án. Còn lại một số cụm công nghiệp khác đã có quy hoạch chi tiết và quyết định thành lập như: cụm công nghiệp thị trấn Hữu Lũng, cụm công nghiệp Hợp Thành… nhưng vẫn chỉ dừng trên giấy tờ. Điều này phần nào hạn chế sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn.
Bà Trần Thị Hồng Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại H&T chia sẻ: Theo mức độ phát triển, từ năm 2014 đến nay, công ty có nhu cầu mở rộng quy mô nhà xưởng lên gấp đôi, từ 2.000 m2 lên 4.000 m2 nhưng vẫn chưa thực hiện được do không tìm được mặt bằng. Do vậy, dây chuyển sản xuất chiếu trúc của công ty không thể lắp đặt đồng bộ. Nếu có đủ mặt bằng để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, công ty sẽ tạo thêm việc làm cho hơn 100 lao động phổ thông và nâng sản lượng lên 60.000 sản phẩm/năm.
Ngày 31/12/2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2476/QĐ-UBND phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch các cụm công nghiệp trong Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2011 – 2020, xem xét đến năm 2025. Với quan điểm phát triển khu, cụm công nghiệp đồng bộ với sự phát triển kết cấu hạ tầng cơ sở và các ngành lĩnh vực có liên quan theo hướng hiện đại, tầm nhìn dài hạn phù hợp quy hoạch phát triển kinh – tế xã hội của tỉnh.
Ông Đình Kỳ Giang, Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công thương cho biết: Thời gian tới, tỉnh chủ trương sử dụng linh hoạt các nguồn vốn địa phương, trung ương, vốn ODA và các nguồn khác để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật. Đặc biệt, tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng, thủ tục hành chính cho doanh nghiệp khi đầu tư vào các cụm công nghiệp; triển khai hình thức đầu tư theo mô hình PPP (hợp tác công tư) để thu hút đầu tư.
Trong giai đoạn kinh tế đất nước đang hội nhập mạnh mẽ với thế giới, việc tạo điều kiện thuận lợi, thu hút đầu tư và khích lệ doanh nghiệp phát triển là vô cùng quan trọng. Hy vọng rằng Lạng Sơn sẽ nhanh chóng khắc phục được những khó khăn của một tỉnh miền núi biên giới, tạo đủ mặt bằng sạch giúp doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.
ANH DŨNG
Ý kiến ()