Cần thêm nhiều ý tưởng sáng tạo mới trong ứng phó biến đổi khí hậu
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh điều này tại cuộc tiếp ông Nitin Kapoor, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Astra Zeneca, sáng 14/8.
Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng đánh giá cao và gửi lời cảm ơn Astra Zeneca đã có những sự hỗ trợ quý giá, kịp thời đối với Việt Nam trong phòng, chống dịch COVID-19, góp phần vào nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh trên toàn thế giới.
Cám ơn Phó Thủ tướng dành thời gian tiếp, ông Nitin Kapoor đã báo cáo về một số chương trình, dự án hợp tác đang triển khai tại Việt Nam nhằm tăng cường khả năng tiếp cận thuốc của bệnh nhân, phát triển hệ thống y tế bền vững, cải thiện sức khoẻ cộng đồng, nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc, sinh phẩm.
Bên cạnh đó, Astra Zeneca cũng đang tích cực làm việc với các cơ quan, đối tác của Việt Nam để triển khai dự án trồng rừng và khôi phục cảnh quan với kinh phí đầu tư 50 triệu USD, nhằm trồng 22,5 triệu cây xanh trên 30.500 ha, tạo điều kiện phát triển đa dạng sinh học và bổ sung nguồn sinh kế bền vững cho hơn 17.000 hộ dân.
“Astra Zeneca nhận thức rất rõ mối quan hệ chặt chẽ giữa biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường với sức khoẻ con người”, ông Nitin Kapoor cho biết và mong muốn dự án trồng rừng và khôi phục cảnh quan tại Việt Nam sẽ là dự án thí điểm trong kế hoạch hành động của Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, qua đó lan tỏa, khích lệ các tổ chức, doanh nghiệp khác cùng hành động vì các mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu.
Tập đoàn này cũng đặt mục tiêu giảm 98% lượng khí thải carbon trong các hoạt động của tập đoàn trên toàn cầu vào năm 2026 so với mức cơ sở năm 2015, năm 2030, giảm một nửa dấu chân carbon của toàn bộ chuỗi giá trị.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà bày tỏ ấn tượng về các hoạt động hợp tác mà Astra Zeneca đang triển khai tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực vaccine, thuốc sinh học, góp phần chủ động chuẩn bị phòng, chống dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai.
Ủng hộ những cam kết của Astra Zeneca về giảm phát thải, tiến tới loại bỏ carbon trong mọi hoạt động của tập đoàn, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, kinh nghiệm trong phòng, chống COVID-19 cho thấy cả thế giới chỉ có thể đẩy lùi, chấm dứt đại dịch nếu các quốc gia đều bình đẳng trong tiếp cận vaccine. Tương tự, các mục tiêu trong ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính cũng không thể đạt được nếu có những quốc gia đứng ngoài.
Phó Thủ tướng khẳng định, công nghệ chính là vaccine ứng phó với biến đổi khí hậu. Các nước đang phát triển như Việt Nam rất cần được hỗ trợ, tiếp cận với các giải pháp khác nhau để giảm phát thải khí nhà kính.
Các doanh nghiệp có lực lượng nghiên cứu khoa học mạnh như Astra Zeneca giữ vai trò quan trọng đối với các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu như giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng “0” (Net Zero) hay chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) khi tham gia vào các dự án nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất nhiên liệu mới (hdrogen xanh, amoniac xanh), xây dựng hệ thống truyền tải thông minh hay các thiết bị lưu trữ điện, năng lượng lớn.
“Sức khoẻ con người có mối quan hệ rất chặt chẽ với sức khoẻ môi trường. Do vậy, việc phục hồi, bảo vệ môi trường thiên nhiên… là giải pháp hết sức quan trọng để phòng ngừa, giảm gánh nặng chi phí bệnh tật liên quan đến ô nhiễm môi trường nước, không khí, rác thải cho người dân và xã hội”, Phó Thủ tướng nói.
Trao đổi về dự án trồng 22,5 triệu cây xanh của Astra Zeneca, Phó Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) phối hợp chặt chẽ với Astra Zeneca triển khai dự án đạt kết quả tốt nhất.
“Một trong những thách thức lớn nhất khi ứng phó với biến đổi khí hậu là thiếu ý tưởng cũng như các cam kết hành động, giải pháp khả thi. Vì vậy, tôi mong muốn dự án sẽ là một ý tưởng sáng tạo mới trong ứng phó với biến đổi khí hậu”, Phó Thủ tướng nói và mong muốn Astra Zeneca tham gia vào những dự án trong lộ trình thực hiện Net Zero, JETP tại Việt Nam mang tính chất thí điểm, thử nghiệm cho cơ chế toàn cầu.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng cũng đã trao đổi về các kiến nghị của Tập đoàn Astra Zeneca liên quan đến hài hòa hóa quy định của Việt Nam với các tiêu chuẩn và thực tiễn quốc tế trong sản xuất, thử nghiệm lâm sàng, cấp phép lưu hành thuốc, sinh phẩm, quản lý tín chỉ carbon rừng…
Ý kiến ()