Cần thêm cơ chế hỗ trợ đưa ý tưởng, sản phẩm vào thực tiễn
(LSO) – Mặc dù trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có nhiều sản phẩm, giải pháp sáng tạo khoa học và công nghệ (KH&CN) đạt các giải cao, có giá trị ứng dụng trong thực tiễn nhưng thực tế lại chưa được tiếp tục được hoàn thiện và ứng dụng.
Tại Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 15 (năm 2018 – 2019), sản phẩm hệ thống ăn tự động trong chăn nuôi gà thả vườn do em Lý Thị Thu Huế, học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Hồng Thái, huyện Bình Gia đạt giải khuyến khích. Sản phẩm này hoàn toàn có thể hiện thực hóa với giá thành hợp lý phục vụ các hộ chăn nuôi, góp phần tiết kiệm chi phí thức ăn trong chăn nuôi. Tuy nhiên, sản phẩm đã không được đầu tư phát triển hoàn thiện, đưa vào ứng dụng trong thực tế sau khi cuộc thi kết thúc.
Ban tổ chức Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật năm 2019 chấm điểm các sản phẩm dự thi
Không riêng sản phẩm này, nhiều ý tưởng thiết thực, mang tính thực tế khác như: dự án nghiên cứu xây dựng quy trình chế tạo KIT sàng lọc sớm ung thư gan trên cơ sở ứng dụng hạt nano vàng; máy tách vỏ quả dẻ, chiết xuất Hesperidin từ vỏ quýt và tổng hợp Hesperidin làm nguyên liệu dược mỹ phẩm; gương cầu tích hợp bộ phận cảnh báo khi có sương mù… là những sản phẩm đạt giải cao tại các cuộc thi khoa học kỹ thuật và các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật, sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng nhưng đến nay hầu như vẫn chỉ dừng lại ở quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, chưa có sự phát triển sau khi tham gia các cuộc thi.
Sau 5 lần tổ chức cuộc thi sáng tạo kỹ thuật (2 năm một lần), 11 lần tổ chức cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng (của tỉnh) và cuộc thi sáng tạo kỹ thuật dành cho học sinh THPT (của ngành giáo dục và đào tạo), Lạng Sơn đã có hàng nghìn sản phẩm, giải pháp sáng tạo khoa học và công nghệ. Hầu hết các ý tưởng, giải pháp, mô hình, sản phẩm dự thi đều xuất phát từ thực tiễn cuộc sống nhằm giải quyết vấn đề trong học tập, sản xuất, đời sống. Đặc biệt, hầu như năm nào sản phẩm của tỉnh Lạng Sơn cũng đạt được giải thưởng và được đánh giá cao tại các cuộc thi cấp quốc gia, khu vực.
Tuy nhiên, từ mô hình đến thực tế lại là chặng đường rất xa. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: nguyên nhân các sản phẩm, dự án chưa được đưa vào sản xuất thành hàng hóa và ứng dụng trong thực tiễn là do: một số tác giả cho rằng sản phẩm sáng tạo chủ yếu để tham gia cuộc thi chứ chưa chú trọng đầu tư, theo đuổi lâu dài; Đối tượng tham gia các cuộc thi chủ yếu là học sinh nên thời gian đầu tư cho sản phẩm không nhiều, kinh phí hạn hẹp; kết thúc năm học, các em chuyển sang các cấp học khác. Thầy Nguyễn Mai Chung, Trường THPT Lộc Bình cho biết: Năm 2019, nhà trường có sản phẩm dụng cụ luyện tập bóng chuyền của nhóm học sinh đạt giải khuyến khích tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc năm 2019. Tuy nhiên sau cuộc thi, các thành viên của nhóm tốt nghiệp cấp học và học tập tại các trường chuyên nghiệp nên sản phẩm không được nghiên cứu, sản xuất, ứng dụng vào thực tiễn.
Ngoài ra, còn có các nguyên nhân nữa là do mức thưởng cho các giải thưởng sáng tạo của tỉnh còn thấp, mới bằng 20% mức thưởng so với mặt bằng chung của cả nước. Hơn nữa, kết quả tham gia các cuộc thi chưa gắn với công tác đánh giá, thi đua khen thưởng hằng năm nên chưa khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia. Công tác hỗ trợ tác giả tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, ứng dụng sản phẩm vào đời sống, sản xuất chưa được quan tâm đúng mức, mới chỉ dừng ở việc giới thiệu, hỗ trợ tác giả tham gia các cuộc thi ở cấp cao hơn.
Chị Hoàng Thị Hiên, chuyên viên Phòng Quản lý khoa học và Quản lý chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Nghị quyết 14/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 quy định về mức chi thực hiện hoạt động sáng kiến trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có hiệu lực, chính là điều kiện khuyến khích tác giả tiếp tục hoàn thiện ý tưởng. Sở Khoa học và Công nghệ đang đề xuất UBND tỉnh nâng mức thưởng đối với các sản phẩm đạt giải, cùng đó, với từng hạng mục đều trao các giải nhất, nhì, ba thay vì chỉ trao 1 giải nhất cho cả cuộc thi, hội thi như hiện nay.
Để sản phẩm các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật hoàn thiện, phục vụ thiết thực cho đời sống sản xuất phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, bên cạnh sự nỗ lực của các tác giả thì cần có thêm nhiều cơ chế, sự hỗ trợ từ các cấp, ngành liên quan. Mong rằng thời gian tới, sẽ có chính sách hỗ trợ thiết thực để tác giả, nhóm nghiên cứu phát triển, hiện thực hóa sản phẩm.
Ý kiến ()