Cần thay đổi từ nhận thức
LSO-Lạng Sơn nằm trong tốp 10 tỉnh có tỉnh lệ chênh lệch giới tính cao nhất trong cả nước (117,3 bé trai/100 bé gái). Để giải quyết tình trạng này cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tuyên truyền, tạo sự chuyển biến về nhận thức được xem là giải pháp hàng đầu.
Giờ học tại Trường Mầm non xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn |
Chênh lệch ngày càng tăng
Theo thống kê của Chi cục Dân số tỉnh, từ năm 2010 đến nay, chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn Lạng Sơn tăng liên tục. Nếu như năm 2010 tỷ lệ 106 bé trai/100 bé gái thì đến nay con số này tăng lên 117,3 bé trai/100 bé gái. Và Lạng Sơn đang trở thành tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh cao hơn nhiều so với bình quân của cả nước (112,7/100). Tình trạng này vẫn đang tiếp tục và có thể nhận thấy rõ nét trong các trường học, bệnh viện.
Ở Trường Mầm non xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh thể hiện rõ rệt ở tỷ lệ bé trai, bé gái trong mỗi lớp học. Cô Mông Thị Nhung, giáo viên chủ nhiệm lớp 5 tuổi A chia sẻ: Hầu hết các lớp học ở trường này đều có số lượng bé trai đông hơn bé gái. Lớp 5 tuổi A có 27 bé trai và 21 bé gái. Vì các con còn nhỏ nên cũng chưa thấy ảnh hưởng gì lớn. Trong quá trình lên lớp, tổ chức trò chơi, hoạt động cho trẻ, các cô giáo luôn để ý bố trí bé trai vào các nhóm trò chơi phù hợp như: xây dựng, lắp ráp…
Đưa vợ vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh chờ sinh đứa con thứ hai, anh Nguyễn Văn Sỹ, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng kể: Tôi đưa vợ vào đây được 2 ngày rồi. Tôi thấy các sản phụ đẻ bé trai nhiều hơn bé gái. Vợ chồng tôi có con gái đầu lòng được 8 tuổi rồi. Bé rất ngoan nên giờ sắp có đứa con thứ hai, trai hay gái chúng tôi đều rất vui. Chỉ mong mẹ tròn con vuông.
Trên thực tế, không phải ai cũng có được suy nghĩ tiến bộ như vợ chồng anh Sỹ. Suy nghĩ “trọng nam kinh nữ”, “con gái là con người ta” vẫn hiện hữu trong nhiều gia đình. Thậm chí có nhiều gia đình đã có 3, 4 cô con gái rồi nhưng vẫn cố gắng “phấn đấu” đẻ cố thêm một cậu con trai để “nối dõi tông đường”. Cùng với đó, các ấn phẩm văn hóa tuyên truyền, hướng dẫn việc lựa chọn giới tính thai nhi như “bí quyết sinh con trai”… hiện nay khá phổ biến. Đây chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu của những nhận thức lệch lạc, dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng gia tăng như hiện nay.
Tăng cường truyền thông thay đổi nhận thức
Theo các chuyên gia, việc mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dân tới sự chênh lệch lớn về phân bố dân cư giữa các vùng miền, khiến có nơi thiếu nơi thừa lao động. Một số ngành nghề đặc thù của nữ giới sẽ bị thiếu lao động như: y tá, hộ lý, nuôi dạy trẻ, giữ trẻ, giúp việc nhà… Hậu quả kế tiếp đó là mất cân bằng trong đời sống, trong nhu cầu tâm sinh lý và dự kiến khoảng 20 năm nữa sẽ có khoảng 4 triệu đàn ông Việt Nam không lấy được vợ. Và đây cũng là nguy cơ tiềm ẩn sự gia tăng nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em gái cũng như hoạt động mại dâm; đàn ông có thể dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức như hiếp dâm…
Vấn đề này, ông Nguyễn Quang Bằng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh cho biết: Mất cân bằng giới tính khi sinh đang là một trong những vấn đề nóng và nan giải đối với công tác dân số – kế hoạch hóa gia đình và thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Để giảm thiểu tình trạng này cần triển khai nhiều giải pháp như: có chính sách ưu tiên dành cho nữ giới; khen thưởng biểu dương những gia đình chỉ có 1 hoặc 2 con gái; tăng chế tài xử phạt đối với hành vi lựa chọn giới tính thai nhi… Tuy nhiên, trước tiên cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi nhằm hạn chế và đi đến những loại trừ lựa chọn giới tính thai nhi. Đối tượng được ưu tiên tuyên truyền là phụ nữ và các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, đặc biệt đã có 2 con gái.
NGỌC HIẾU
Ý kiến ()