Cần tháo gỡ khó khăn sau sáp nhập các đơn vị sự nghiệp văn hóa
LSO- Thực hiện Quyết định số 2532/QĐ-UBND, ngày 26/12/2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, từ tháng 3/2018, các đơn vị sự nghiệp văn hóa, thể thao thuộc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã tiến hành sáp nhập. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập, các đơn vị còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành.
Theo đề án này, Sở VHTTDL đã thực hiện sáp nhập Ban Quản lý Khu du lịch Mẫu Sơn (BQLKDLMS) vào Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch (TTTTXTDL) và giữ nguyên tên gọi là TTTTXTDL; sáp nhập Trung tâm Văn hóa tỉnh và Đoàn Nghệ thuật Ca – Múa – kịch thành Trung tâm Văn hóa, Nghệ thuật (TTVHNT) tỉnh; giải thể Ban Quản lý di tích (BQLDT) và tổ chức lại Bảo tàng tỉnh.
Thực hiện sáp nhập, có đơn vị lại quay về nơi từng tách ra. Chẳng hạn BQLDT tỉnh vốn được phát triển từ Ban Di tích (thuộc Bảo tàng tỉnh). Theo bà Hà Thị Lư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, việc sáp nhập nhằm tinh giản bộ máy của ngành là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập, bảo tàng còn gặp phải nhiều khó khăn như: diện tích, không gian trụ sở làm việc chật chội, cơ sở vật chất xuống cấp không đảm bảo được tiêu chuẩn quy định làm việc; bên cạnh đó, nguồn kinh phí cấp cho hoạt động nghiệp vụ eo hẹp chưa đáp ứng được yêu cầu của các hoạt động chuyên môn. Đặc biệt, khó khăn hiện nay không chỉ của Bảo tàng mà của các đơn vị sự nghiệp trong ngành văn hóa nói chung đó là khi tiếp nhận 10 cán bộ từ BQLDT, việc chi trả lương cho các cán bộ, viên chức làm công tác chuyên môn hợp đồng lâu năm của đơn vị rất khó khăn.
Sau sáp nhập, cán bộ, chuyên viên của Bảo tàng tỉnh làm việc trong không gian khá chật chội
Với ông Đỗ Văn Toàn, Giám Đốc TTVHNT tỉnh, câu chuyện sáp nhập ít nhiều gặp phải những vướng mắc, bởi sau khi sáp nhập thì số cán bộ, viên chức của trung tâm tăng lên tới gần 70 biên chế, trong khi đó chiếm đa phần là đội ngũ làm trong lĩnh vực nghệ thuật, biểu diễn. Đáng nói là trong số cán bộ này, nhiều người đã qua tuổi nghề nhưng chưa tới tuổi nghỉ hưu (từ 40 – 50 tuổi), để thực hiện nhiệm vụ, họ vẫn phải ra sân khấu; trong khi các tiết mục biểu diễn nghệ thuật đòi hỏi sự mới mẻ, trẻ trung thì việc này đã hạn chế “luồng gió mới” cho các tiết mục văn hóa, văn nghệ cũng như gây khó khăn trong việc thu hút nhân tài trẻ đến với trung tâm khi không còn chỉ tiêu biên chế. “Chúng tôi rất mong tỉnh sẽ có cơ chế, chính sách đặc thù của ngành về đội ngũ cán bộ đã qua tuổi nghề nhưng chưa tới tuổi hưu trong lĩnh vực nghệ thuật” – Ông Toàn bày tỏ. Bên cạnh những vướng mắc về giải quyết biên chế, một vấn đề nữa cũng khiến ông Toàn trăn trở, đó là: trang thiết bị, âm thanh, ánh sáng, đạo cụ của trung tâm còn thiếu và cũ; trụ sở làm việc xuống cấp, đáng lưu ý là sau khi sáp nhập, do số cán bộ, viên chức quá đông, đơn vị vẫn phải hoạt động tại 2 trụ sở riêng gây ra nhiều bất hợp lý trong việc điều hành, giải quyết công việc chung.
Không gặp phải những khó khăn như hai đơn vị trên, vì trước khi sáp nhập, BQLKDLMS và TTTTXTDL đã cùng chung công đoàn cơ sở sự nghiệp du lịch, cùng một chi bộ và đoàn thanh niên nên công tác chỉ đạo, kiện toàn nhân sự được diễn ra đồng bộ và nhanh chóng; bên cạnh đó, chức năng nhiệm vụ của hai đơn vị cũng tương đồng nên công tác sáp nhập hầu như không gặp phải khó khăn. Tuy nhiên, trụ sở làm việc chính của trung tâm nằm ngay dưới phần cầu thang của sân vận động Đông Kinh, mỗi khi có sự kiện diễn ra trong sân thường tạo ra tiếng ồn lớn gây cản trở trong công việc của các cán bộ làm tại trung tâm, đặc biệt là trong công tác tư vấn thông tin, hỗ trợ khách du lịch trong và ngoài nước.
Thực hiện sáp nhập là việc làm cần thiết, giúp giảm mạnh đầu mối, khắc phục chồng chéo, nâng cao hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành văn hóa. Tuy nhiên, để thực hiện tốt được chủ trương này và tháo gỡ khó khăn, rất mong sự quan tâm hơn nữa từ các cấp, các ngành và của tỉnh.
TUYẾT MAI
Ý kiến ()