Cần thận trọng trong đổi mới thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học
Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) vừa phê duyệt đề án “Ðổi mới thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp sư phạm hệ chính quy giai đoạn 2018-2020”. Theo đề án, tổng kinh phí thực hiện là hơn 749 tỷ đồng nhằm tổ chức kỳ thi THPT quốc gia đến năm 2020 bảo đảm khách quan, công bằng, lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT làm căn cứ sử dụng trong tuyển sinh đại học… |
Thi THPT quốc gia trên máy tính từ năm 2021? Theo đề án trên, việc thi THPT quốc gia gồm 5 bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên và bài thi tổ hợp khoa học xã hội. Ðối với câu hỏi thi sẽ xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa đủ lớn, nâng cao độ phân hóa của đề thi đáp ứng yêu cầu tổ chức kỳ thi THPT quốc gia theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Tổng kinh phí thực hiện đề án là hơn 749 tỷ đồng, gồm: Năm 2018 là hơn 344 tỷ đồng, năm 2019 hơn 203 tỷ đồng và năm 2020 hơn 201 tỷ đồng. Việc đầu tư được chú trọng vào công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa phục vụ ra đề thi với tổng số tiền là hơn 266 tỷ đồng. Trong đó, năm 2018 dự kiến đầu tư hơn 84,7 tỷ đồng cho việc xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa với tổng cộng sẽ có 126 nghìn câu hỏi thô; sau khi thẩm định kỹ thuật câu hỏi thi sẽ chọn lọc còn khoảng 70.560 câu; số tổ hợp câu hỏi thử nghiệm là 1.544; số đề thi chuẩn hóa là 756… Cùng với đầu tư xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa thì đề án cũng chú trọng việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ tổ chức thi và tuyển sinh, đồng thời xây dựng và đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng trung tâm tổ chức thi vệ tinh quốc gia với tổng kinh phí là 317 tỷ đồng (trong đó riêng năm 2018 kinh phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ tổ chức thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp sư phạm là 153 tỷ đồng). Các hoạt động đầu tư chủ yếu gồm: phần mềm quản lý ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, phần mềm phục vụ xây dựng câu hỏi thi chuẩn hóa kết hợp chấm thi, ôn luyện thi trực tuyến; thiết bị công nghệ thông tin và thiết bị bảo mật phục vụ phòng máy chủ; hệ thống phần cứng, phần mềm giám sát thi… Ðối với công tác tuyển sinh cũng chú trọng đầu tư vào phần mềm như: Năm 2018 đầu tư công tác tuyển sinh hơn 23 tỷ đồng, trong đó có tám tỷ đồng cho phần mềm tuyển sinh điều chỉnh và tám tỷ đồng phần mềm hỗ trợ xét tuyển trực tuyến. Năm 2019 chi phí cho công tác tuyển sinh hơn 14,2 tỷ đồng, trong đó vận hành và nâng cấp phần mềm là bảy tỷ đồng. Năm 2020 vận hành, nâng cấp phần mềm tuyển sinh sáu tỷ đồng… Cùng với việc tổ chức thi, tuyển sinh trong ba năm, đề án của Bộ GD và ÐT cũng xác định từng bước xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa chất lượng và đủ số lượng, đáp ứng yêu cầu tổ chức thi THPT quốc gia trên máy tính từ năm 2021. Việc chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật và các phần mềm cũng được triển khai chuẩn bị cho thi trên máy tính từ năm 2021 nếu điều kiện cho phép; xây dựng hệ thống 24 trung tâm tổ chức thi vệ tinh quốc gia… Theo tính toán của Bộ GD và ÐT, việc tổ chức thi THPT quốc gia từ năm 2021 trên máy tính tại các trung tâm trên giúp thí sinh ở các tỉnh, thành phố lân cận có thể dễ dàng tham gia dự thi, giảm đến mức thấp nhất chi phí ăn, ở, đi lại mà vẫn bảo đảm quá trình thi diễn ra an toàn, minh bạch và hiệu quả. Còn đó những băn khoăn Ðề án đổi mới thi, tuyển sinh được phê duyệt gây nên những băn khoăn trong các chuyên gia giáo dục. Bởi trong Công văn 4464/BGDÐT – QLCL ngày 25-9-2017 gửi các cơ sở GD và ÐT trên cả nước, lãnh đạo Bộ GD và ÐT cho biết, chủ trương của ngành là từ năm 2018 đến 2020 việc tổ chức thi, các bài thi, môn thi được giữ ổn định như năm 2017. Từ năm 2021 trở đi các bài thi, môn thi được thiết kế phù hợp với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; nếu điều kiện cho phép có thể tổ chức cho thí sinh làm bài thi trên máy tính. Như vậy, việc giữ ổn định thi như năm 2017 thì có cần thiết phải đầu tư lớn để đổi mới thi THPT quốc gia trong ba năm 2018 đến 2020 hay không? Ðáng chú ý, khi thi trắc nghiệm, các đề thi được lấy từ ngân hàng câu hỏi. Như vậy, khi câu hỏi chuẩn hóa trong ngân hàng câu hỏi chưa sử dụng thì vẫn có thể được lưu trữ cho những năm sau. Trong khi đó, sau năm 2020 cách thức thi có thể khác, ngân hàng câu hỏi có thể không phù hợp thì việc đầu tư lớn chỉ để bổ sung vào ngân hàng câu hỏi liệu có hợp lý? Ðáng chú ý, từ khi thực hiện thi THPT quốc gia năm 2015 đến nay, Bộ GD và ÐT đều khẳng định hệ thống công nghệ thông tin bảo đảm tốt. Như vậy, trong ba năm 2018 đến 2020 chỉ cần bổ sung một phần đầu tư công nghệ thông tin đã có từ những năm trước thì liệu có cần phải đầu tư quá lớn? Nhất là trong bối cảnh chưa rõ ràng về phương thức thi sau năm 2020 như thế nào, dẫn đến lo ngại về việc lãng phí đầu tư. Lý giải về những vấn đề trên, TS Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ GD và ÐT) cho biết: Việc xây dựng đề án đổi mới thi, tuyển sinh nằm trong chương trình hành động thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD và ÐT. Ðề án vừa bảo đảm tính ổn định, vừa chuẩn bị điều kiện để có thể thi trên máy tính từ năm 2021 nếu điều kiện cho phép. Nếu muốn thi trên máy tính từ năm 2021 thì các phần mềm phải triển khai đầu tư xây dựng từ bây giờ bởi thi trên máy tính có rủi ro cao so với thi trên giấy. Mặt khác, đề án đầu tư công nghệ, nhất là phần mềm không chỉ phục vụ cho thi THPT quốc gia mà còn phục vụ thi đánh giá cấp chứng chỉ, thi năng lực ngoại ngữ, sử dụng đánh giá cấp chứng chỉ cho đào tạo bồi dưỡng giáo viên phục vụ cho chương trình sách giáo khoa mới. Về đề thi, năm 2017 nội dung kiến thức trong chương trình lớp 12, nhưng năm 2018 có thêm kiến thức lớp 11, năm 2019, 2020 kiến thức cả bậc trung học cho nên ngân hàng câu hỏi cần bổ sung, làm từng năm một và những câu đã sử dụng hoặc tương đồng phải loại khỏi ngân hàng câu hỏi. Thí dụ năm 2017, có khoảng 20 nghìn câu hỏi chuẩn hóa nhưng sau quá trình thi phải loại trừ những câu hỏi đã dùng trong đề thi, câu hỏi tương đồng cho nên chỉ còn giữ lại được khoảng sáu nghìn câu hỏi chuẩn hóa. Nếu mục tiêu là 100 nghìn câu hỏi chuẩn hóa thì vẫn còn thiếu rất nhiều… Có thể nói, đề án đổi mới thi, tuyển sinh đã được Bộ GD và ÐT tính toán trên nhiều khía cạnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh sau năm 2020 chưa xác định được phương thức thi ra sao (phụ thuộc vào việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới); mặt khác, Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học hiện hành đang được dự thảo sửa đổi, bổ sung, trong đó nhiều ý kiến cho rằng, việc tổ chức thi, công nhận tốt nghiệp THPT nên trả về cho các địa phương thực hiện và việc tuyển sinh đại học do các trường tự chủ, thì việc xây dựng đề án đổi mới thi, tuyển sinh tập trung với đầu tư lớn là vấn đề cần thận trọng và cân nhắc kỹ lưỡng. |
Ý kiến ()