Cẩn thận "thủng ví" khi được mời rút tiền mặt từ thẻ tín dụng
Hết mạo danh thương hiệu ngân hàng, gửi đường link giả để lấy mật khẩu, hack tài khoản chiếm đoạt tiền, mới đây, các đối tượng lừa đảo lại nghĩ ra chiêu mới khi mời rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, với cùng mục đích chiếm đoạt tiền của nạn nhân.
Một số ngân hàng vừa tiếp tục cảnh báo nhiều thủ đoạn lừa đảo mới trong đó có chào mời rút tiền mặt từ thẻ tín dụng. Cụ thể, theo Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), kẻ gian sử dụng SIM rác điện thoại, nhóm mạng xã hội Facebook, Zalo hoặc website nhắn tin khách hàng giới thiệu là nhân viên ngân hàng, công ty tài chính để mời chào, hỗ trợ dịch vụ phát hành thẻ tín dụng và rút tiền mặt. Kẻ gian cũng có thể tư vấn cho chủ thẻ chuyển đổi giao dịch thành khoản trả góp với mức phí, lãi suất thấp. Sau khi chủ thẻ đồng ý sẽ yêu cầu cung cấp thông tin thẻ như số CVV, số thẻ, mã OTP… rồi thực hiện giao dịch trực tuyến bằng thông tin khách hàng vừa cung cấp để chiếm đoạt tiền.
“Sacombank không có dịch vụ rút tiền mặt qua bất kỳ kênh giao dịch, đơn vị nào khác ngoài giao dịch rút tiền ATM hoặc POS tại các chi nhánh, phòng giao dịch. Do đó, khuyến cáo khách hàng không cung cấp thông tin cá nhân, không làm theo yêu cầu từ các cuộc gọi chào mời, hỗ trợ rút tiền mặt từ thẻ tín dụng”, ngân hàng này khuyến cáo.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) cũng cảnh báo đối tượng lừa đảo dùng thủ đoạn tiếp cận, chào mời hỗ trợ khách hàng rút tiền mặt từ thẻ tín dụng hoặc nâng hạn mức thẻ tín dụng, yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin thẻ; đồng thời thông báo khách hàng sẽ nhận được 1 mã hợp đồng gửi đến số điện thoại (thực tế đây là mã OTP của giao dịch trừ tiền từ thẻ tín dụng). Nếu khách hàng cung cấp mã số này, đối tượng lừa đảo sẽ chiếm đoạt tiền qua các giao dịch thanh toán mua sắm online, ví điện tử…
Việc mời chào rút tiền mặt qua thẻ tín dụng dù mới nhưng đã tương đối phổ biến. Trong quá trình theo dõi, tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (Trung tâm VNCERT/CC) – Cục An toàn thông tin ghi nhận nhiều phản ánh liên quan tới việc giả mạo hệ thống các ngân hàng gọi điện khách hàng hỗ trợ rút tiền mặt qua thẻ tín dụng với lãi suất 0%, hoặc lãi suất thấp với mục đích lừa đảo, đánh cắp thông tin người dùng nhằm chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, kẻ lừa đảo gọi điện, nhắn tin mời chào dịch vụ rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, dễ dàng đáo hạn hằng tháng hoặc chuyển trả góp với phí, lãi suất thấp. Sau khi khách hàng đồng ý, đối tượng yêu cầu chủ thẻ cung cấp thông tin của thẻ tín dụng vật lý hoặc thông tin thẻ (bao gồm số thẻ và mã CVV, thậm chí kẻ gian còn tạo niềm tin cho khách hàng bằng cách yêu cầu che đi mã CVV trước khi cung cấp thông tin), hình ảnh CMND/CCCD, mã hợp đồng gửi đến số điện thoại nếu cần (thực chất là mã OTP của giao dịch trừ tiền từ thẻ tín dụng) và số tiền cần rút.
Hiện nay hầu hết các website thương mại điện tử đều chấp nhận cho khách hàng sử dụng mã CVV/CVC khi thanh toán online thay cho mã pin. Chỉ cần nhập 4 thông tin là số thẻ tín dụng, thời hạn hết hiệu lực của thẻ, họ tên chủ thẻ và mã CVV/CVC là có thể thực hiện giao dịch. Do đó, nếu khách hàng để lộ dãy số thẻ tín dụng và mã CVV/CVC cho người khác biết thì nguy cơ bị mất tiền là rất cao do họ có thể lợi dụng những thông tin này để thực hiện các giao dịch bất chính thông qua thanh toán, mua hàng online. Không những thế việc để lộ số CVV/CVC còn là “cơ hội vàng” để các tin tặc tiếp cận và thực hiện chiếm đoạt toàn bộ hạn mức thẻ qua các giao dịch thanh toán trực tuyến hoặc lợi dụng thông tin thẻ vào mục đích bất hợp pháp mà khách hàng không hề hay biết.
Trung tâm VNCERT/CC khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức phòng ngừa, cảnh giác. Khi nhận được các cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo cần lưu lại căng bằng chứng (tin nhắn hoặc ghi âm cuộc gọi) thực hiện phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao để yêu cầu xử lý; bên cạnh đó cung cấp các bằng chứng đã có tới các cơ quan chức năng của Bộ Công an nơi gần nhất đề nghị xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Về phía pháp luật, hiện nay, đối với quy định về mức xử phạt dành cho hành vi lừa đảo qua mạng thì tại Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định, ngoài bị xử phạt hành chính, người thực hiện hành vi lừa đảo rút tiền thẻ tín dụng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội. Mức phạt tù có thể lên tới 20 năm, thậm chí là tù chung thân. Còn đối với người bị hại, khi bị lừa đảo rút tiền thẻ tín dụng, người bị hại cần làm đơn tố giác gửi đến Cơ quan điều tra nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú).
Ngoài việc trình báo trực tiếp với cơ quan có thẩm quyền, người bị hại còn có thể thông tin, trình báo lừa đảo qua đường dây nóng của Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an).
Nguồn:https://cand.com.vn/tai-chinh-40/can-than-thung-vi-khi-duoc-moi-rut-tien-mat-tu-the-tin-dung-i686262/
Ý kiến ()