Thứ 5, 28/11/2024 12:38 [(GMT +7)]
Cần tạo sự liên thông giữa " trường chữ" và "trường nghề"
Thứ 5, 23/09/2010 | 10:12:00 [(GMT +7)] A A
LSO- Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 và Quyết định của UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch mạng lưới đào tạo nghề đến năm 2015, tầm nhìn 2020 sẽ tạo cơ hội cho thanh niên các địa phương từ học chữ đến học nghề…
Thực trạng công tác hướng nghiệp dạy nghề tại các trường phổ thông
Trong nhiều năm qua, mặc dù công tác hướng nghiệp- dạy nghề trong các nhà trường phổ thông đã được quan tâm hơn, song do nhiều nguyên nhân, nó vẫn chưa được thực hiện đến nơi đến chốn và mang lại hiệu quả như mong muốn.
Chương trình và thời lượng chưa tương xứng với tầm quan trọng của nó. Trung bình ở bậc THPT, phân phối chương trình dành trên 80 tiết, so với tổng chương trình, nó chỉ chiếm khoảng 4%. Về nội dung, tuy đã có sự điều chỉnh cho phù hợp với tính chất “ hướng nghiệp” như các bài học lý thuyết về đặc điểm các ngành nghề; nghề nghiệp với nhu cầu xã hội và thị trường lao động ( LĐ); giới thiệu hệ thống các trường đại học, cao đẳng và trường nghề; định hướng phát triển KT- XH của đất nước và địa phương. Song vẫn rất ít những bài thực hành về “ nghề phổ thông”. Ngay việc xác định “ nghề phổ thông” cho phù hợp với từng vùng, từng địa phương cũng còn nhiều lúng túng. Các nghề được nhiều trường lựa chọn giảng dạy là lâm sinh, thêu ren, điện dân dụng, may dân dụng, nấu ăn…
Gặp gỡ nhiều học sinh lớp 9, chúng tôi được biết, động cơ tham gia môn học này của các em chỉ là để…được cộng điểm khi xét tốt nghiệp THCS và thi vào lớp 10 THPT; đối với lớp 12, việc “có điểm” nghề phổ thông rất quan trọng, vì được cộng điểm xét tốt nghiệp THPT. Do “ động cơ” học tập như vậy, nên kết quả thu được rất hạn chế. Khi học về điện dân dụng, các em ra cửa hiệu mua bảng điện đã lắp sẵn mang về nộp; khi học về mây tre đan hoặc thêu, các em về “ nhờ” ông bà, cha mẹ đan, thêu sẵn để…mang nộp. Học và trả bài theo kiểu đó, khi thực hành rất nhiều em lúng túng, thậm chí không biết làm như thế nào.
Sự “ liên thông” giữa trung tâm dạy nghề và trường học
Việc thành lập trung tâm dạy nghề cấp huyện sẽ là một “cú hích” lớn trong công tác dạy nghề cho người lao động (NLĐ) nói chung, nhất là lao động trẻ, lao động “ tiềm năng” nói riêng. Tuy vậy, qua tìm hiểu của chúng tôi, các trung tâm đã được thành lập và đi vào hoạt động như trung tâm dạy nghề của các huyện Bắc Sơn, Hữu Lũng, Chi Lăng, Lộc Bình, thì với trang thiết bị vật chất và nguồn nhân lực chỉ đáp ứng được nhu cầu học nghề cho lao động nông thôn- những người đã trực tiếp lao động sản xuất, nay có nhu cầu học để “ bổ túc” nâng cao tay nghề, hoặc chuyển đổi nghề trong khu vực nông thôn. Những nghề mà bà con có nhu cầu là kỹ thuật nông lâm nghiệp ( trồng trọt, chăn nuôi), cơ điện nông thôn… Những đối tượng này không những không phải nộp tiền học, mà còn “ được” hưởng các chế độ theo quy định của Nhà nước. Chỉ với các đối tượng như vậy, các trung tâm đã khá “ mệt”, Thư trung tâm dạy nghề huyện Chi Lăng chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu. Vì vậy, các trung tâm chưa có ý tưởng “vươn” đến đối tượng lao động “tiềm năng” là học sinh cuối cấp THCS và THPT. Mặt khác, trong giai đoạn đầu tiên này, các trung tâm chưa đủ sức hấp dẫn đối với các em học sinh.
Hãy còn sớm khi nói đến chuyện “ liên thông” giữa trường học và trường nghề tại địa phương; song các trường phổ thông cũng cần chủ động liên hệ, tạo sự gắn bó với các trung tâm dạy nghề. Ít nhất thì ở đó cũng có những “ thầy nghề”, những “ chuyên gia” về các lĩnh vực ngành nghề và thị trường lao động, họ có thể tư vấn cho học sinh về nghề nghiệp, chiến lược lao động và ngành nghề ở địa phương để học sinh có thêm các phương án lựa chọn.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()