Cần tạo lập môi trường bền vững
Đoàn khách du lịch tham quan nhà trưng bày Bảo tàng cách mạng Khởi nghĩa Bắc Sơn |
Lạng Sơn được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch. Trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có chủ trương, giải pháp kêu gọi xúc tiến đầu tư. Ban Chỉ đạo phát triển Du lịch (BCĐPTDL) tỉnh đã xây dựng nhiều văn bản định hướng chỉ đạo công tác phát triển du lịch. Thông qua các kế hoạch, đề án, chương trình hợp tác phát triển du lịch phù hợp với điều kiện của địa phương nên hoạt động du lịch đã đạt kết quả quan trọng. Cụ thể: năm 2015, tổng lượng khách du lịch đạt 2,3 triệu lượt người; năm 2016, đạt 2,5 triệu lượt người; năm 2017 ước đạt 2,64 triệu lượt người, đạt 102% so với năm 2016; trong đó, khách quốc tế đạt 380.000 lượt người, khách nội địa 2.260.000 lượt người; tổng doanh thu xã hội ước đạt 910 tỷ đồng, tăng 5,8% so với năm 2016. Kết quả trên phản ánh những nỗ lực của tỉnh, ngành chức năng trong chỉ đạo công tác phát triển du lịch; sự phối hợp của các cấp, ngành trong việc xây dựng kế hoạch, quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn; phối hợp tổ chức tốt các sự kiện văn hóa – du lịch; tạo điều kiện môi trường du lịch thông thoáng làm tiền đề thu hút khách du lịch.
Bên cạnh kết quả đạt được, phát triển du lịch của tỉnh chưa thực sự ngang tầm với tiềm năng là địa bàn có lợi thế phát triển du lịch trên nhiều góc độ như: du lịch xuyên biên giới; du lịch nội địa với nhiều tour khác nhau như: thăm quan thắng cảnh khu Nhất, Nhị, Tam Thanh – Thành Nhà Mạc; khu du lịch sinh thái núi Mẫu Sơn, du lịch cộng đồng gắn kết các điểm di tích cách mạng, di tích lịch sử… Thực hiện NQ số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh cần tiếp tục tạo lập môi trường bền vững cho phát triển du lịch. Bên cạnh những việc đã làm như: ban hành các văn bản chỉ đạo, ngành chức năng cần phối hợp các cấp, các ngành có liên quan tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số: 42-NQ/TU ngày 21 tháng 6 năm 2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch Khu vực Mẫu Sơn thành điểm du lịch quốc gia; xây dựng đề án thí điểm mô hình Khu hợp tác du lịch quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn, Việt Nam) và Hữu Nghị Quan (Quảng Tây, Trung Quốc); có quy định về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh; thực hiện ký kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh trong cụm qua miền di sản Việt Bắc và các tỉnh, thành trong cả nước. Tiếp tục huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia đầu tư khai thác tiềm năng di lich; ban hành chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược đầu tư các khu du lịch nổi tiếng; phát triển du lịch gắn kết với bảo vệ môi trường sinh thái; quan tâm đầu tư khai thác du lịch cộng đồng Hữu Liên (Hữu Lũng); du lịch tuyến khu di tích cách mạng Chi Lăng, Bình Gia, Bắc Sơn; lập đề án phát triển Khu di tích chiến thắng Chi Lăng, đề án phát triển khu di tích cấp quốc gia đặc biệt ATK Bắc Sơn.
Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở VHTTDL cho biết: Để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và chiếm tỷ trọng 10% trong GDP từ năm 2020 trở đi, thời gian tới, ngành tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng chương trình, đề án nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch; tích cực kêu gọi, tìm kiếm nhà đầu tư; trao đổi, hợp tác phát triển du lịch biên giới. Ngành tập trung xây dựng Đề án phát triển sản phẩm du lịch tâm linh tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2017 – 2022; đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội Đền Kỳ Cùng – Đền Tả Phủ” thành phố Lạng Sơn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; đề án Bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa hoa đào và tổ chức Lễ hội hoa đào Lạng Sơn giai đoạn 2017 – 2020 và những năm tiếp theo…
Ý kiến ()