Cần tạo điểm nhấn cho các phong trào của thanh niên
Vừa qua, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phát động một số phong trào trong từng đối tượng thanh niên. Đây là một khâu quan trọng nhằm cụ thể hóa các phong trào lớn đã được Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X phát động. Tìm được những phong trào thanh niên với nội dung phù hợp trong giai đoạn hiện nay là vấn đề quan trọng của công tác đoàn, nhưng quan trọng hơn là cần triển khai hiệu quả các phong trào này trong thực tế cuộc sống, làm việc của thanh niên.
Động lực cho các phong trào thanh niên
Phong trào “Sáng tạo trẻ” được các cấp bộ Đoàn triển khai thực hiện từ năm 2004 đã thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia, tạo môi trường để các bạn trẻ phát huy khả năng sáng tạo, làm chủ khoa học công nghệ trong công tác, học tập và lao động sản xuất. Năm nay, với phương châm “Mỗi đoàn viên, thanh niên một ý tưởng sáng tạo; mỗi Chi đoàn là một hộp thư sáng kiến; mỗi cơ sở Đoàn là một vườn ươm sáng tạo”, phong trào “Sáng tạo trẻ” được triển khai cụ thể trong từng đối tượng đoàn viên, thanh niên. Trong đó, thanh niên công chức, viên chức tập trung đề xuất các sáng kiến, giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả công việc, cải cách hành chính, xây dựng phương pháp làm việc khoa học, hiệu quả; đảm nhận các đề tài nghiên cứu khoa học, các chuyên đề trong các lĩnh vực công tác. Thanh niên trường học tập trung nghiên cứu các sáng kiến, sáng tạo trong việc đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng học tập. Nghiên cứu và tập sự nghiên cứu khoa học, chú trọng nghiên cứu các đề tài khoa học kỹ thuật có tính ứng dụng thực tiễn cao trong cán bộ, giảng viên trẻ và sinh viên…
Bên cạnh đó, T.Ư Đoàn đã triển khai phong trào Thi đua “4 nhất” trong khối thanh niên công nhân và lao động trẻ nhằm phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ trong lao động, sản xuất, kinh doanh góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ của địa phương, đơn vị. Việc triển khai phong trào thi đua bám sát các nội dung định hướng sau: Chất lượng cao nhất, Sáng tạo nhất, Tiết kiệm nhất, An toàn nhất.
Cùng với đó, BCH T.Ư Đoàn cũng triển khai phong trào “Ba trách nhiệm” trong Thanh niên công chức, viên chức nhằm tạo môi trường để đoàn viên, thanh niên là cán bộ, công chức, viên chức phấn đấu, rèn luyện; phát huy vai trò, trách nhiệm trong triển khai nhiệm vụ chuyên môn, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trẻ năng động, sáng tạo, giỏi nghề, trong sạch, yêu nước…
Cần những giải pháp phù hợp
Trong thực tế hoạt động của tổ chức đoàn, không phải phong trào, chương trình nào được phát động cũng phát huy hiệu quả rõ nét trong thực tế cuộc sống. Nguyên nhân chính dẫn đến hạn chế nêu trên là cùng với nội dung, tiêu chí chưa phù hợp thì phương thức triển khai chưa hợp lý, hời hợt, quyết tâm của các cơ sở đoàn chưa cao, đội ngũ cán bộ đoàn chưa thật sự tâm huyết, chưa quyết liệt với phong trào.
Để triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua vừa được phát động, trước hết, các cấp bộ Đoàn cần tập trung rút kinh nghiệm từ thực tế triển khai các chương trình hành động của đoàn trong nhiều năm qua. Thẳng thắn nhìn nhận, phân tích những yếu kém để đề ra những phương hướng khắc phục hiệu quả. Mỗi người cán bộ đoàn cần nhận thức rằng, các phong trào là bộ mặt, là chất lượng của tổ chức đoàn và họ chính là nhân tố quan trọng để mỗi hoạt động của đoàn ngày càng trở nên thiết thực hơn. Ở những nơi, những đối tượng, khu vực có công tác đoàn và phong trào thanh niên chưa thật sự hiệu quả, như thanh niên công nhân và lao động trẻ thì việc triển khai phong trào cần được quan tâm, đầu tư công sức, nguồn lực nhiều hơn.
Trong nhiều phong trào vừa được T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh triển khai, có những vấn đề đã được phát động, có những nội dung mới. Để khắc phục “bệnh thành tích” vẫn còn tồn tại ở một số đơn vị, tập thể và cá nhân, để các phong trào có sức sống thật sự, các cấp bộ đoàn cả nước cần tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả trong đoàn viên, thanh niên công nhân và lao động trẻ việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Có cơ chế khuyến khích đoàn viên, thanh niên công nhân đề xuất các ý tưởng, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa công tác quản lý sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào quá trình sản xuất, kinh doanh. Tổ chức các hình thức hỗ trợ sáng kiến, ý tưởng sáng tạo của tuổi trẻ; tìm kiếm nguồn lực để xây dựng các quỹ, câu lạc bộ hỗ trợ sáng kiến, ý tưởng sáng tạo, các giải thưởng; duy trì, nâng cao chất lượng các hoạt động thi đua, thao diễn, luyện tay nghề, các cuộc thi tay nghề, thi thợ giỏi.
Cần tham mưu, đề xuất với các doanh nghiệp tổ chức các hình thức học tập, tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên công nhân và lao động trẻ tự học tập nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ, tin học. Tổ chức các đội hình sinh viên tình nguyện dạy ngoại ngữ cho thanh niên công nhân và lao động trẻ tại các khu nhà trọ, các khu chế xuất, khu công nghiệp. Tổ chức cho đoàn viên, thanh niên và lao động trẻ đăng ký, đảm nhận những khâu khó, việc mới, những phần việc thanh niên, công trình thanh niên gắn liền với nhiệm vụ chính trị, chuyên môn tại địa phương, đơn vị, góp phần hoàn thành chỉ tiêu, mục tiêu, tăng doanh thu, thu nhập cho người lao động. Thường xuyên biểu dương, tôn vinh những gương thanh niên công nhân và lao động trẻ tiêu biểu; định kỳ tổ chức các hoạt động tôn vinh “Người thợ trẻ giỏi”, liên hoan thanh niên tiên tiến, Festival “Sáng tạo trẻ” tại các địa phương, đơn vị.
Tham mưu lãnh đạo đơn vị tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ đoàn viên, thanh niên nghiên cứu khoa học. Khuyến khích đoàn viên, thanh niên đảm nhận các đề tài nghiên cứu khoa học, xây dựng các chuyên đề trong từng lĩnh vực; đăng ký thực hiện các công trình, phần việc thanh niên gắn với nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn của ngành, cơ quan, đơn vị. Hỗ trợ các bạn trẻ nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, phương pháp quản lý, cải cách thủ tục hành chính trong triển khai nhiệm vụ được giao.
Để các phong trào liên tục “vận động”, không hình thức, hời hợt, các cấp bộ đoàn cần tổ chức các đợt thi đua cao điểm trong triển khai công việc, tạo động lực để đoàn viên, thanh niên phát huy khả năng sáng tạo, đề xuất các sáng kiến cải tiến quy trình làm việc, rút ngắn thời gian triển khai và nâng cao chất lượng công việc; hiến kế các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác chuyên môn, hiệu quả hoạt động các phong trào Đoàn, Hội tại đơn vị.
Hồ Xuân Trường, Bí thư Đoàn khối Doanh nghiệp T.Ư:
Việc triển khai các phong trào cần gắn liền với những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể và nhất là cần phù hợp khả năng, đặc điểm của từng đơn vị Đoàn cơ sở. Cần tránh hiện tượng đăng ký chỉ tiêu thật nhiều nhưng không quyết tâm thực hiện, dẫn đến kiểu làm việc hình thức, không thực chất…
Nguyễn Đức Tiến (Huyện đoàn Phúc Thọ – Hà Nội):
Để các phong trào thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia, vai trò của người cán bộ đoàn cơ sở là rất quan trọng. Cần tuyên truyền, động viên tuổi trẻ hiểu và sẵn sàng tham gia thực hiện, cống hiến. Muốn vậy, mỗi người cán bộ đoàn cần thật sự tâm huyết với công tác đoàn, gắn bó với thanh niên… Sự hời hợt, thụ động của cán bộ đoàn các cấp sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến các phong trào và chất lượng của tổ chức Đoàn.
Trần Quang Tường, Bí thư Thành đoàn Hải Phòng:
Một trong những yếu tố quan trọng làm nên sự thành công trong các phong trào của tổ chức Đoàn là hướng về thanh niên, giúp thanh niên khắc phục khó khăn, chủ động vươn lên trong cuộc sống. Bên cạnh đó, mỗi bạn trẻ cần hiểu rằng, tham gia cống hiến trong các hoạt động Đoàn là quá trình rèn luyện, học hỏi nhiều kỹ năng quan trọng cho cuộc sống sau này… Tuy nhiên, đây cũng là điều mà tổ chức Đoàn các cấp cần chú trọng hơn nữa trong công tác tuyên truyền và định hướng thanh niên…
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()