Cùng dự, có các đồng chí: Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng; các đồng chí đại diện lãnh đạo Văn phòng T.Ư Đảng, các ban Đảng T.Ư, Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan T.Ư.
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nghe Ban Tuyên giáo T.Ư báo cáo kết quả ba năm thực hiện Nghị quyết số 27; nghe các đại biểu phát biểu ý kiến. Các đồng chí: Đinh Thế Huynh, Nguyễn Thiện Nhân thông báo những nội dung trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết; giải đáp và phát biểu ý kiến về một số vấn đề mà Hội nghị quan tâm.
Báo cáo của Ban Tuyên giáo T.Ư do đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực trình bày, nêu rõ: Sau ba năm thực hiện nghị quyết, một số kết quả đạt được bước đầu là, các bộ đã từng bước hoàn thiện và hướng dẫn thực hiện hệ thống văn bản pháp luật, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, phát huy vai trò của trí thức trong hoạt động khoa học, công nghệ và văn học, nghệ thuật. Công tác thi đua khen thưởng, khuyến khích, tôn vinh trí thức có thành tích trong hoạt động báo chí, văn học, nghệ thuật, khoa học và phát triển công nghệ được quan tâm. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với trí thức có một số chuyển biến. Các bộ, ngành và địa phương có nhiều hình thức, quy chế cung cấp thông tin để trí thức nắm vững chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhận thức của các cấp ủy đảng về vai trò của đội ngũ trí thức từng bước được nâng cao; các cấp ủy quan tâm, tạo điều kiện cho trí thức phát huy tài năng và lắng nghe ý kiến của trí thức về những vấn đề lớn trong phát triển kinh tế – xã hội…
Tuy nhiên, báo cáo cũng nêu rõ những khuyết điểm, yếu kém. Đó là việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 27 trong cả nước còn chậm; nhiều bộ, ngành, địa phương chưa triển khai, chưa có chương trình hành động. Công tác tuyên truyền chưa được chú ý đúng mức. Cơ chế chính sách đào tạo, sử dụng, đãi ngộ trí thức nhiều hạn chế, yếu kém và bất cập chưa được khắc phục; chưa tạo điều kiện thuận lợi để họ chủ động nghiên cứu, sáng tạo và cống hiến hết mình cho đất nước. Cơ chế quản lý các hoạt động khoa học và công nghệ còn nhiều yếu kém, đây là vấn đề bức xúc cần tháo gỡ.
Đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan, liên hiệp hội phát biểu ý kiến khẳng định, Nghị quyết số 27 có giá trị và ý nghĩa quan trọng đối với việc xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Đồng tình với báo cáo của Ban Tuyên giáo T.Ư, các đại biểu nhấn mạnh, nghị quyết đã khẳng định rõ vai trò, vị trí của đội ngũ trí thức, nhưng triển khai còn chậm, nhất là việc thể chế hóa thành cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho trí thức phát triển bằng chính tài năng của mình. Nghị quyết đề cập những vấn đề lớn, nhưng trong chỉ đạo tổ chức thực hiện chưa tạo được sự thống nhất, đồng bộ giữa các ban, bộ, ngành. Các cấp ủy, cơ quan đơn vị cần chủ động hơn trong công tác tư tưởng, để nắm rõ nguyện vọng và những vấn đề trí thức quan tâm. Cần sớm ban hành chính sách ưu đãi cụ thể, chính sách thu hút tập hợp trí thức, khắc phục tình trạng hành chính hóa chế độ đãi ngộ đối với trí thức. Cần đẩy mạnh sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan từ việc xây dựng đến triển khai tổ chức thực hiện nghị quyết; xây dựng môi trường hiện thực để phát huy tài năng trí tuệ của đội ngũ trí thức. Việc đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ trí thức trong đồng bào các dân tộc thiểu số, hiện còn nhiều hạn chế. Một số đại biểu lo ngại về tình trạng hẫng hụt đội ngũ cán bộ khoa học cơ bản, nhất là khoa học xã hội. Trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết cần tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện và chấn chỉnh kịp thời những nơi làm yếu, hoặc chưa quan tâm đúng mức.
Phát biểu ý kiến kết luận đợt công tác và chỉ đạo hội nghị, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Cùng với các nghị quyết chuyên đề về xây dựng giai cấp công nhân; về nông nghiệp, nông thôn, nông dân, Đảng ta ban hành Nghị quyết số 27 là việc làm hết sức cần thiết, nhất là trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Nghị quyết có ý nghĩa hết sức quan trọng, nội dung sâu sắc, thiết thực, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo của Đảng đối với việc xây dựng đội ngũ trí thức và phát huy tài năng trí tuệ của trí thức. Ba năm qua, các cấp ủy Đảng, cơ quan, đơn vị đã khẩn trương triển khai quán triệt, học tập, xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết. Các nội dung nghị quyết được cụ thể hóa và phát huy tác dụng. Đó là chuyển biến bước đầu. Song, việc triển khai thực hiện nghị quyết còn chậm, nhất là khâu cụ thể hóa, thể chế hóa nghị quyết. Đã qua ba năm, nhưng mới có 12 trong số 23 ban, bộ, ngành và 24 trong số 63 tỉnh ủy, thành ủy tổ chức quán triệt nghị quyết; chỉ có 6 trong số 23 ban, bộ, ngành và 17 trong số 63 tỉnh ủy, thành ủy xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết… Nhiều đề án Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công chưa được triển khai nghiêm túc; nhiều nội dung quan trọng của nghị quyết chưa được thể chế hóa; vai trò và chức năng sáng tạo của đội ngũ trí thức vẫn chưa được phát huy tốt. Đây là nghị quyết lớn, cơ bản có nhiều nội dung quan trọng, đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ, bài bản, chu đáo. Các cơ quan cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, để chỉ đạo quyết liệt việc triển khai thực hiện một cách tích cực và có hiệu quả năm giải pháp cơ bản mà nghị quyết đã đề ra.
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong thời gian tới, phải tiếp tục đẩy mạnh việc quán triệt, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 27 với tinh thần quyết liệt hơn, cao hơn, hiệu quả hơn. Trước hết là tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt quan điểm, mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ và các giải pháp đã nêu trong nghị quyết. Phải nêu bật được quan điểm chỉ đạo trong nghị quyết, khẳng định trí thức Việt Nam là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng kinh tế tri thức, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững. Xây dựng đội ngũ trí thức là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, trong đó trách nhiệm của Đảng và Nhà nước giữ vai trò quyết định. Trí thức có vinh dự và bổn phận trước Tổ quốc và dân tộc, không ngừng phấn đấu nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực chuyên môn, đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Các ban, bộ, ngành, các tỉnh ủy, thành ủy xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết hoặc bổ sung, điều chỉnh chương trình hành động phù hợp tình hình. Phải chỉ đạo quyết liệt để biến nghị quyết thành hiện thực.
Đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu các cơ quan đẩy nhanh việc xây dựng các đề án, thể chế hóa những nội dung nghị quyết, nhất là về cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn, tạo động lực tinh thần và vật chất, tạo điều kiện cho trí thức phát huy tài năng và xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng phát triển toàn diện. Có cơ chế tiếp thu ý kiến của trí thức, mở rộng dân chủ, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi, tập hợp và thu hút trí thức trong nước và ngoài nước cống hiến cho đất nước. Có cơ chế, chính sách phát hiện, đào tạo bồi dưỡng trí thức, nhất là trí thức trẻ, trí thức người dân tộc thiểu số; trọng dụng nhân tài. Đó là những việc quan trọng nhất. Trong thời gian tới, cần tập trung triển khai một số đề án lớn, như đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục và đào tạo; đào tạo và bồi dưỡng các chuyên gia đầu ngành của quốc gia; đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ; chiến lược phát triển kinh tế tri thức…
Đồng chí Tổng Bí thư giao Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì phối hợp Văn phòng T.Ư Đảng xây dựng kế hoạch kiểm tra, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện nghị quyết; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan để sớm ban hành các văn bản cụ thể hóa nghị quyết. Sau hội nghị này, các bộ, ban, ngành, các địa phương cần chủ động chọn một số việc làm được, tiến hành làm ngay, sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Ý kiến ()