Cần tăng kinh phí cho phòng thí nghiệm khoa học
Ông Chu Xuân Tiến, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ cho biết: Kinh phí dành cho hoạt động của phòng thí nghiệm rất hạn hẹp Năm 2015, kinh phí dành cho hoạt động của phòng thí nghiệm chỉ vào khoảng 100 triệu đồng. Cụ thể, chi phí dành cho việc duy trì bộ giống trong phòng thí nghiệm là 30 triệu đồng, chi phí cho việc bảo dưỡng máy cất nước, nồi hấp vô trùng là 10 triệu đồng, một số chi phí khác như mua hóa chất vi lượng, hóa chất đa lượng, ga đun môi trường nuôi cấy mô… là 55 triệu đồng.
Theo lãnh đạo Trung tâm, kinh phí dành cho phòng thí nghiệm tại các Viện nghiên cứu hoặc của một số tỉnh đều không dưới 1 tỷ đồng mỗi năm. Với 100 triệu đồng/năm cho hoạt động chi thường xuyên của phòng thí nghiệm thì chưa đủ để thay thế linh kiện hay sửa chữa máy móc phục vụ nghiên cứu.
Nuôi cấy mô tại phòng thí nghiệm khoa học của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh. Ảnh: MINH ĐỨC
Thực tế, phòng thí nghiệm có một số hệ thống máy móc đặc biệt quan trọng như bộ lọc, nồi hấp, bộ chưng cất nước cất, nhưng hiện tại cả 3 hệ thống máy này đều đã cũ. Mặc dù máy móc đã lạc hậu và thường xuyên hỏng, phải sửa chữa nhưng do chưa có kinh phí để đầu tư mua máy mới nên vẫn cứ phải sử dụng.
Ông Chu Xuân Tiến tâm sự: bất cứ thí nghiệm thuộc đề tài khoa học nào cũng phải sử dụng nước cất, đặc biệt là những đề tài nghiên cứu về cây trồng. Trong nghiên cứu, nước cất sử dụng để pha chế hóa chất. Do vậy, hệ thống máy chưng cất nước cất đặc biệt quan trọng và phòng thí nghiệm nào cũng phải có. Máy chưng cất nước cất hiện tại của phòng thí nghiệm của Trung tâm đã quá cũ, nhưng không có kinh phí nên chưa thể mua máy mới (để mua máy mới thì phải có ít nhất 200 triệu đồng và số tiền này cũng chỉ mua được máy công suất nhỏ).
Kỹ sư Lâm Mai Tùng, cán bộ phụ trách phòng thí nghiệm tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ cho biết: do kinh phí hạn hẹp nên cán bộ phòng thí nghiệm đều cố gắng tận dụng tối đa các thiết bị phục vụ nghiên cứu (sử dụng lại nhiều lần), trong khi đó, theo đúng quy định một số thiết bị chỉ được sử dụng một lần.
Không chỉ phòng thí nghiệm chưa được đầu tư, hiện Trung tâm cũng chưa có “nhà hấp mô” – tức là nhà kính phục vụ cho việc đưa cây trồng ra làm quen với môi trường tự nhiên sau quá trình nuôi cấy mô. Những hạn chế này phần nào đã ảnh hưởng đến hiệu quả nghiên cứu khoa học.
Tìm hiểu được biết, hiện tại, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh đã cố gắng thực hiện cơ chế tự chủ. Tuy vậy, do việc tìm nguồn thu qua các sản phẩm nghiên cứu còn ít nên chưa có nguồn để chi đầu tư phòng thí nghiệm. Trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, Trung tâm vẫn phải xoay xở trong khoản kinh phí gần 1,5 tỷ đồng được cấp hàng năm.
Mỗi năm có khoảng 10 đề tài nghiên cứu khoa học được thực hiện tại phòng thí nghiệm khoa học này, trong đó, có những đề tài đã và đang phục vụ hiệu quả việc sản xuất như: đề tài nhân giống khoai tây sạch bệnh bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào hay một số loại cây trồng khác. Trên thực tế, với nguồn nhân lực hiện tại, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Lạng Sơn đã có thể thực hiện những thí nghiệm khó như: sản xuất dung môi sinh học, sản xuất một số loại chế phẩm sinh học… Nhưng do thiếu kinh phí cộng với thiếu đồng bộ về thiết bị nên hoạt động nghiên cứu bị hạn chế.
Để nâng cao hiệu quả nghiên cứu các đề tài khoa học, thời gian tới, ngành khoa học tỉnh cần nhanh chóng có phương án nhằm tăng kinh phí đầu tư cho phòng thí nghiệm khoa học.
Ý kiến ()