Cần tăng cường vệ sinh môi trường tại các chợ trên địa bàn thành phố
(LSO) – Thời gian gần đây, các cấp và ban quản lý các chợ đã quan tâm đầu tư nâng cấp, phát triển hệ thống chợ. Tuy vậy, công tác vệ sinh môi trường tại một số chợ, đặc biệt là tại một số chợ lớn trên địa bàn thành phố Lạng Sơn vẫn còn nhiều nỗi lo. Điều này càng quan ngại hơn trong tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona đang diễn biến phức tạp.
Tại chợ Giếng Vuông (phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn) hiện có trên 500 hộ kinh doanh, buôn bán. Các mặt hàng buôn bán tại chợ chủ yếu là hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm chín, rau, củ quả và quần áo các loại… Do đặc thù về mặt hàng buôn bán về thực phẩm tươi sống (hải sản, thịt lợn, các sản phẩm gia cầm…), nước rửa, chất thải vẫn tràn ra hệ thống đường trong khu chợ. Đặc biệt là ở khu giết mổ gia cầm và khu bán hải sản tươi sống, nhiều người bán gà, vịt, cá đổ nước rửa ra ngay nền chợ.
Một số khu vực kinh doanh tại chợ Giếng Vuông vẫn xả nước thải ra ngay trên đường trong khu vực chợ
Bà Vũ Mai Nhung, Trưởng Ban Quản lý chợ Giếng Vuông cho biết: Ban luôn tuyên truyền bà con kinh doanh trong chợ cần đảm bảo giữ gìn vệ sinh môi trường chung. Cùng với đó phối hợp cùng đơn vị thu gom rác thải và cơ quan thú y, y tế trên địa bàn thực hiện phun thuốc tiêu độc khử trùng theo đúng quy định. Cụ thể gần nhất vào ngày 30/1 (mùng 6 Tết Canh Tý), ban quản lý đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố tổ chức phun thuốc khử trùng tại khu vực buôn bán gia súc, gia cầm. Tuy vậy, một phần do đặc thù mặt hàng buôn bán tại chợ, cùng với ý thức của người bán hàng còn kém nên vệ sinh môi trường tại một số khu vực trong chợ vẫn chưa đảm bảo.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 5 chợ lớn gồm: Giếng Vuông, Đông Kinh, Bờ Sông, Chi Lăng, Kỳ Lừa và khoảng 10 chợ tự phát tại các khu dân cư. Tại các chợ này, ban quản lý các chợ đã có hợp đồng thu gom rác thải với Công ty TNHH Huy Hoàng nhưng về xử lý nước thải khu vực bán hàng tươi sống, hàng thực phẩm đều chưa có, người bán hàng hầu như xả trực tiếp xuống cống – đây là nguy cơ lớn để một số loại virus lây bệnh. Mặt khác, tại các chợ, khu bán hàng gia súc, gia cầm, thủy hải sản đều không có khu giết mổ riêng, không có khu thu gom, xử lý chất thải. Hạn chế này không chỉ khiến môi trường chợ bị ô nhiễm mà còn có nguy cơ lây lan các loại vi khuẩn lây bệnh khác.
Theo bác sỹ Đào Đình Cường, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lạng Sơn, trong tình hình dịch bệnh do virus corona đang diễn biến phức tạp, ngành y tế đã khuyến cáo người dân không nên tập trung những nơi đông người. Thời điểm này, công tác phòng, chống dịch bệnh do virus corona đang được các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh triển khai quyết liệt, đồng bộ. Trong đó, công tác khử trùng tại những nơi tập trung đông người như trường học, các chợ… đã được quan tâm và thực hiện.
Tuy vậy, tại các chợ, việc phun thuốc khử trùng chỉ hiệu quả khi các hộ kinh doanh cùng chung sức giữ gìn vệ sinh môi trường chung; đặc biệt là việc xả nước thải, chất thải phải đúng nơi, đúng quy định. Nhưng qua khảo sát thực tế thì công tác đảm bảo vệ sinh môi trường tại các chợ vẫn chưa được các hộ kinh doanh quan tâm.
Hiện nay, Sở Y tế Lạng Sơn, UBND thành phố Lạng Sơn, đã có văn bản gửi ban quản lý các chợ trên địa bàn về việc tăng cường triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona. Theo đó, ban quản lý các chợ cần tăng cường tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh và quan tâm xử lý môi trường tại các chợ. Cụ thể là các hộ kinh doanh cần thực hiện vệ sinh sạch sẽ khu vực kinh doanh thực phẩm và lối đi hay không gian xung quanh quầy hàng của mình, không xả thải ra môi trường, không sử dụng chất diệt khuẩn, chất tiêu độc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có thời hạn sử dụng…
Với thực tế công tác vệ sinh môi trường như hiện nay, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền đến các hộ kinh doanh để các chủ hộ kinh doanh tự giác hơn nữa trong vệ sinh, giữ gìn môi trường khu vực kinh doanh, buôn bán trong chợ.
Ý kiến ()