Cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp
Kể từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã có những thay đổi sâu sắc và toàn diện. Đời sống và thu nhập của người dân không ngừng được cải thiện, diện mạo kinh tế - xã hội nông thôn có những thay đổi căn bản.
Một số kết quả tích cực
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do biến động thị trường, thiên tai, dịch bệnh, nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn tiếp tục phát triển. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2014, trong mức tăng 5,18% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,96%, cao hơn mức 2,07% của cùng kỳ năm 2013.
Cần tăng cường ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp (Nguồn: vov.vn) |
Nét nổi bật của sản xuất nông nghiệp là hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với công nghiệp chế biến, làm cho các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế ngày càng cao, không những đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, mà còn mở rộng xuất khẩu trên thị trường thế giới. Giá trị kim ngạch xuất khẩu các loại nông, lâm, thủy sản liên tục tăng. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản trong tháng 8 ước đạt 2,47 tỉ USD, đưa giá trị xuất của toàn ngành 8 tháng năm 2014 lên 20,22 tỉ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2013 – một con số đầy ấn tượng.
Đạt được những kết quả trên là do trong những năm qua chúng ta đã tích cực áp dụng tiến bộ khoa học – công nghệ tiên tiến vào quá trình sản xuất nông nghiệp. Không chỉ công nghệ sinh học mà cơ giới hóa cũng được áp dụng rộng rãi vào sản xuất nông nghiệp. Tỷ lệ sử dụng máy móc vào các công việc như làm đất, tưới tiêu, tuốt lúa ngày càng tăng; công nghệ sau thu hoạch, công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp cũng được phát triển mạnh. Nhiều đơn vị chế biến nông sản phẩm đã sử dụng công nghệ và trang thiết bị hiện đại trong sản xuất; đồng thời, liên kết với nông dân thực hiện sản xuất “trọn gói”, theo quy trình từ nuôi trồng đến chế biến và xuất khẩu. Do đó, đã góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, tạo thêm nhiều việc làm và cải thiện đời sống của người lao động ở nông thôn.
Cùng với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn được đổi mới và phát triển phù hợp với yêu cầu phát triển của nền nông nghiệp hàng hóa. Kinh tế hộ phát huy mạnh mẽ vai trò kinh tế của mình. Nét mới trong phát triển kinh tế trang trại là loại hình sản xuất ngày càng đa dạng và có sự chuyển dịch về cơ cấu theo hướng giảm tỷ trọng các trang trại trồng cây hằng năm và cây lâu năm, tăng tỷ trọng các loại trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sản xuất kinh doanh tổng hợp.
Những bất cập cần sớm khắc phục
Tuy vậy, việc ứng dụng những thành tựu khoa học – công nghệ vào quá trình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp còn chậm. Hầu hết các loại cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh thấp. Năng suất cây trồng thường mới đạt khoảng 70% mức bình quân chung của thế giới. Công tác nghiên cứu, chuyển giao khoa học – kỹ thuật, công nghệ mới còn nhiều bất cập. Hệ thống quản lý thủy nông, thú y, bảo vệ thực vật, cung ứng giống, vật tư chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa nông nghiệp. Công tác bảo quản sau thu hoạch, bao bì, nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu vẫn chưa đáp ứng theo tiêu chuẩn quốc tế trong quá trình hội nhập;
Thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gia nhập WTO nông dân có nhiều cơ hội. Thị trường rộng mở, nông sản xuất khẩu sẽ chịu mức thuế thấp nhất, hàng rào phi thuế quan được bãi bỏ. Những biến động về nhu cầu thị trường nông sản thế giới trong những năm gần đây tăng cao, có lợi cho nông nghiệp, nông dân ở nước ta. Chẳng hạn, thời gian qua giá gạo xuất khẩu của nước ta không cao, nhưng tháng 8 năm 2014, kim ngạch xuất khẩu gạo đã tăng ở mức cao, ở mức 10,6%. Những tiềm năng và lợi thế của nông nghiệp nước ta có thể trở thành khả năng hiện thực nếu có chiến lược và chính sách thích hợp. Những tiến bộ khoa học công nghệ trong nông nghiệp đặc biệt là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, nông dân có cơ hội tiếp cận: giống, bảo vệ thực vật, bảo quản, chế biến, tiêu thụ… Đầu tư nước ngoài ngày càng gia tăng nhất là kết cấu hạ tầng, công nghiệp chế biến nông lâm, thủy sản, trồng rừng. Nông dân với tư cách là người tiêu dùng được hưởng lợi từ hàng hóa dịch vụ giá rẻ.
Tuy được hưởng lợi từ WTO, nhưng những khó khăn thách thức quả là không nhỏ. Nền tảng của nông nghiệp nước ta là hộ nông dân nhỏ lẻ, thu nhập thấp, công nghệ và phương pháp canh tác lạc hậu, giá thành nông sản phẩm thường cao hơn các nước khác, chất lượng sản phẩm thua kém các nước trong khu vực, chi phí sản xuất cao hơn do phải khắc phục những giới hạn của tự nhiên với những giải pháp tăng sản lượng như luân canh tăng vụ: bơm nước, phân bón, thuốc trừ sâu, phòng chống dịch bệnh. Các tiến bộ khoa học – công nghệ chưa được áp dụng một cách phổ biến vì các giống mới du nhập giá đắt do phải thực hiện bảo hộ trí tuệ, nông dân nghèo không thể áp dụng. Hàng hóa nông sản nước ta về cơ bản sản xuất mang tính tự nhiên, chưa có tác động nhiều của khoa học công nghệ: giống, bảo quản sau thu hoạch, chế biến, phần lớn chưa có nhãn hiệu, thương hiệu, xuất thô chưa qua chế biến do đó phải bán giá thấp, khó khăn lớn nhất đối với nông sản xuất khẩu nước ta là hàng rào phi thuế quan: dư lượng kháng sinh, an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ… những vấn đề này nông dân nước ta chưa được hướng dẫn và quen làm. Việc giảm thuế nhập khẩu làm cho sản phẩm trong nước cạnh tranh khó khăn ngay trên sân nhà đang bị lấn sân vì nông sản các nước chất lượng cao hơn, giá thấp hơn.
Tăng cường ứng dụng khoa học – công nghệ tiên tiến
Để góp phần thúc đẩy nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục có bước phát triển mới, tận dụng được những lợi thế trong tiến trình hội nhập, cần ứng dụng rộng rãi hơn nữa những thành tựu của khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Để xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả và bền vững, có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, góp phần xây dựng nông thôn giàu đẹp, dân chủ, công bằng, văn minh…, cần tăng cường ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.
Tập trung cải tạo cây trồng, vật nuôi, tạo và nhân nhanh các giống có năng suất, chất lượng và giá trị cao bằng tăng cường hơn nữa năng lực nghiên cứu trong nước, kết hợp với chuyển giao công nghệ từ nước ngoài để chọn được những giống có hiệu quả cao nhất. Đưa nhanh công nghệ mới vào tất cả các khâu: sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng thí điểm một số khu công nghệ cao dựa vào công nghệ sinh học, công nghệ thông tin. Đây là nơi tập trung những tiến bộ khoa học – công nghệ mới, những sáng tạo mới, với cách thức tổ chức quản lý hiện đại dựa vào tri thức mới. Sau đó, nhân rộng để tạo bước chuyển biến đột phá trong sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tri thức.
Để làm được điều đó, trước hết cần đổi mới cơ chế, chính sách quản lý đối với khoa học, kỹ thuật và công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân theo hướng: Tổ chức, huy động lực lượng cán bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ về nông thôn, cùng với bà con nông dân, các doanh nghiệp, các tổ chức khuyến nông, các tổ chức chính trị, xã hội giải quyết các vấn đề về giống, công nghệ chế biến, công nghệ sau thu hoạch, phát triển công nghiệp và dịch vụ, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ cũng như các cơ quan chuyển giao, ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ ở nông thôn được bảo đảm thỏa đáng về lợi ích, được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Khuyến khích việc ký kết hợp đồng giữa các cơ quan khoa học, kỹ thuật và công nghệ với các chủ thể trong nông nghiệp. Bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, hữu cơ giữa khoa học, kỹ thuật và công nghệ với sản xuất, kinh doanh bằng các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội ở nông thôn.
Tăng cường hướng dẫn để người nông dân hiểu được rằng, mình cần làm gì, cần tìm ai, cần đầu tư bao nhiêu vốn và vật tư, trang thiết bị để đổi mới công nghệ, đổi mới cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao hơn, thu nhập cao hơn. Điều đó cũng có nghĩa là cần nâng cao nhận thức của người lao động nông nghiệp về ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là yêu cầu to lớn và mang tầm chiến lược trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh phí, trợ giá, ưu đãi tín dụng, miễn giảm thuế… cho các hộ nông dân, chủ trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất.
Theo CPV
Ý kiến ()