Cần tăng cường quản lý, kiểm soát các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm
– Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 500 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. 100% cơ sở giết mổ này có quy mô nhỏ lẻ, phân tán tại các khu dân cư. Chính vì vậy, việc quản lý, kiểm soát hoạt động giết mổ còn gặp nhiều khó khăn.
Trong tháng 5/2022, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thành lập đoàn kiểm tra một số cơ sở kinh doanh giết mổ gia súc, gia cầm. Theo đó, đoàn đã phối hợp với chính quyền cơ sở và một số cơ quan liên quan kiểm tra đột xuất 24 cơ sở tại các huyện: Bình Gia, Hữu Lũng, Văn Lãng, Bắc Sơn và thành phố Lạng Sơn. Qua kiểm tra, cả 24 cơ sở giết mổ đều vi phạm một số quy định theo Luật Thú y. Trong đó, có 6 cơ sở vi phạm nghiêm trọng về đảm bảo vệ sinh thú y trong giết mổ. Các vi phạm chủ yếu là không có giấy chứng nhận hoạt động giết mổ, giấy khám sức khỏe của người thực hiện giết mổ, không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, không đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực giết mổ…
Cán bộ Trung tâm DVNN thành phố Lạng Sơn kiểm tra vệ sinh thú y đối với gia cầm sống bán tại chợ Giếng Vuông
Qua tìm hiểu thực tiễn cho thấy, công tác quản lý, kiểm soát hoạt động của các cơ sở giết mổ trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Như trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, theo danh sách của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) thành phố, trên địa bàn có 56 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Nhưng trên thực tế, qua rà soát của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, trên địa bàn thành phố có từ 80 đến 100 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đang hoạt động. Theo chị Lộc Thị Hoa Quỳnh, Trưởng bộ phận Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm DVNN thành phố, các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, phân tán nhiều nơi, cùng đó, nhiều cơ sở giết mổ kiểu gia đình tự phát, có cơ sở giết mổ ngay trong các điểm “chợ cóc”, có cơ sở hoạt động theo mùa vụ…., vì vậy, trung tâm rất khó nắm bắt, quản lý.
Tương tự, tại huyện Cao Lộc, theo báo cáo của Trung tâm DVNN huyện thì hiện trên địa bàn toàn huyện có 19 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, cũng theo rà soát của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, thực tế số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện Cao Lộc gấp khoảng 2 lần số cơ sở mà Trung tâm DVNN huyện cung cấp. Ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm DVNN huyện Cao Lộc cho biết: Các điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ không được chính quyền địa phương cho phép hoạt động, vì vậy, họ thường hoạt động “chui”, hoạt động về ban đêm. Cùng với đó, những điểm giết mổ này không có địa điểm cố định nên rất khó nắm bắt để quản lý và thực hiện kiểm tra.
Ngoài 2 địa bàn trên, tại địa bàn các huyện khác việc quản lý, kiểm soát các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm cũng đang gặp không ít khó khăn. Qua trao đổi với lãnh đạo trung tâm DVNN một số huyện khác, được biết, 100% các cơ sở giết mổ nằm xen kẽ trong khu dân cư, mang tính chất hộ gia đình nên không thể kiểm soát triệt để. Ngoài ra, việc chưa có khu giết mổ tập trung tại các huyện, thành phố để đưa các cơ sở giết mổ vào một điểm cũng khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, ở một số nơi, chính quyền cơ sở chưa thật sự quan tâm đến công tác quản lý cơ sở giết mổ và kiểm tra các cơ sở giết mổ.
Cán bộ phụ trách chăn nuôi và thú y, Trung tâm DVNN thành phố Lạng Sơn phun khử trùng khu vực buôn bán sản phẩm gia súc tại chợ Giếng Vuông
Trao đổi về vấn đề nay, ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Hiện nay, theo Luật Thú y quy định, các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ được giao cho UBND các xã, phường, thị trấn quản lý. Vì vậy, để kiểm soát các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, chính quyền cơ sở cần quan tâm hơn nữa đến hoạt động quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm.
Cùng với đó, trung tâm DVNN các huyện và thành phố cần chủ động phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức thống kê, cập nhật các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm để theo dõi, quản lý. Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác kiểm dịch, kiểm soát vệ sinh thú y tại các cơ sở giết mổ; tiếp tục phối hợp với ban quản lý các chợ thường xuyên tổ chức kiểm tra điều kiện về vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các điểm giết mổ gia cầm ngay tại các chợ; tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định mới về hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm cho các chủ cơ sở giết mổ và yêu cầu các chủ cơ sở cam kết chấp hành nghiêm quy định về việc giết mổ gia súc, gia cầm…
Và về lâu về dài, các ngành liên quan, chính quyền các huyện, thành phố cần quan tâm việc quy hoạch, tạo quỹ đất để xây dựng khu giết mổ tập trung tại các huyện và thành phố. Từ đó, việc quản lý, kiểm soát các cơ sở giết mổ sẽ thuận tiện hơn.
Ý kiến ()