Cần tăng cường quản lý dịch vụ taxi
– Thời gian qua, tình trạng các tài xế taxi chạy xe không thông qua tổng đài, không bật đồng hồ tính tiền vẫn diễn ra khá phổ biến trên địa bàn, gây ra nhiều bất cập. Tuy nhiên, việc quản lý còn gặp nhiều khó khăn.
Người dân trên địa bàn thành phố Lạng Sơn sử dụng dịch vụ taxi
Để tìm hiểu cụ thể về vấn đề này, chúng tôi có mặt tại khu vực đường Hùng Vương, thành phố Lạng Sơn. Tại đây, có khoảng 5 – 6 xe taxi của một số hãng trên địa bàn đang đỗ bên lề đường để đợi khách. Vào vai một khách hàng cần di chuyển từ đường Hùng Vương đến thị trấn Cao Lộc, chúng tôi được một tài xế taxi chào mời lên xe. Mặc dù xe có trang bị tem mào, logo hãng, thế nhưng tài xế taxi này đã không báo đến tổng đài khi có khách và không bật đồng hồ tính tiền khi khách lên xe. Khi chúng tôi thắc mắc về điều này, tài xế khẳng định với nội dung: không báo tổng đài giúp tiết kiệm thời gian; dù không bật đồng hồ nhưng cam kết lấy cước phí như bật đồng hồ. Tuy nhiên, chúng tôi đã phải trả cho tài xế mức phí là 50.000 đồng. Thực tế, mức phí khi đặt xe qua tổng đài của một số hãng đối với quãng đường này chỉ khoảng 33.000 đến 35.000 đồng.
Trao đổi với ông Lâm Việt Hùng, Trưởng Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở Giao thông Vận tải (GTVT), được biết, tình trạng trên đã phổ biến từ lâu và gây nhiều bất cập. Như trường hợp trên, số tiền thu được từ cuốc xe sẽ được tài xế bỏ túi 100%, doanh nghiệp hoàn toàn không có doanh thu và cũng không có cơ sở để cơ quan Nhà nước thu thuế kinh doanh dịch vụ. Chưa kể, điều này đã và đang tạo điều kiện để các tài xế taxi “móc túi” khách hàng bằng cách thu phí cao.
Theo tìm hiểu, nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tình trạng trên bắt nguồn từ việc không ít người dân chưa hiểu rõ các bất lợi khi gọi xe không qua tổng đài. Cùng đó, do nhu cầu, một số người vẫn chấp nhận mức phí cao để tiết kiệm thời gian đợi xe. Anh Nguyễn Quang Huy (thành phố Lạng Sơn) cho biết: Thông thường tôi vẫn hay đặt xe qua tổng đài. Tuy nhiên, cách đây vài tuần, do vội đi công việc, tôi cùng 3 người bạn đã bắt 1 xe taxi đỗ tại gần chợ Chi Lăng để về xã Quảng Lạc. Với quãng đường 4 km chúng tôi phải trả đến 160.000 đồng.
Ngoài lý do trên, tình trạng tài xế taxi hoạt động tự do đến từ sự thiếu kiểm soát của doanh nghiệp. Hiện nay, có rất ít doanh nghiệp đầu tư lắp đặt hệ thống quản lý đối với từng đầu xe. Ông Lưu Minh Trường, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Đồng đội (taxi Đồng Đội) cho biết: Trước đây, tôi từng quản lý một số hãng taxi trên địa bàn. Tình trạng tài xế hoạt động thiếu kiểm soát gây thiệt hại rất lớn về doanh thu của doanh nghiệp cũng như thất thu thuế Nhà nước. Do đó, ngay từ khi thành lập công ty, chúng tôi đã đầu tư vốn để lắp đặt hệ thống thông minh có gắn hệ thống quản lý hành trình, chíp định vị để quản lý hoạt động của tài xế.
Mặc dù đây là một trong những giải pháp hữu hiệu, song việc thực hiện là rất khó khăn. Được biết, chi phí lắp đặt và duy trì hệ thống quản lý trong 1 năm đầu tiên đối với 1 đầu xe taxi là 3,8 triệu đồng. Trong những năm tiếp theo, các đơn vị phải nộp phí duy trì là 1,2 triệu đồng/xe/năm. Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc hãng taxi 766 (thành phố Lạng Sơn) cho biết: Hiện nay, số lượng xe hoạt động của các hãng taxi dao động từ 30 đến 120 xe. Với số lượng xe lớn như vậy, chi phí lắp đặt hệ thống trên là rất lớn. Chưa kể, do dịch COVID-19, doanh thu của các hãng bị giảm đến mức phải bù lỗ để duy trì hoạt động.
Theo thống kê của Sở GTVT, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 20 doanh nghiệp vận tải hành khách bằng taxi với trên 600 xe đang hoạt động. Theo đánh giá, để quản lý tình trạng tài xế hoạt động “chui”, chỉ riêng việc thanh tra, kiểm tra của đơn vị là chưa đủ. Từ phía doanh nghiệp cũng cần có biện pháp phải chủ động siết chặt quản lý đối với từng đầu xe taxi.
Về điều này, ông Lương Minh Trường, Phó Giám đốc hãng taxi Đồng Đội cho biết thêm: Hiện nay, cùng với xe doanh nghiệp tự đầu tư vốn, nhiều doanh nghiệp có tâm lý muốn tăng lượng xe để có thể đáp ứng nhu cầu khách hàng cũng như tăng doanh thu. Tuy nhiên, đối với các tài xế có sẵn xe, việc tuyển dụng tài xế chỉ thông qua ký cam kết hoặc hợp đồng với các điều khoản rất lỏng lẻo. Trong khi đó, tỷ lệ xe cá nhân (xe thuộc sở hữu của tài xế) của các hãng chiếm đến 75 – 80%. Từ việc hợp đồng còn lỏng lẻo, doanh nghiệp chưa thể yêu cầu tài xế bắt buộc phải lắp đặt hệ thống quản lý đối với xe cá nhân do việc lắp đặt sẽ ảnh hưởng đến kết cấu xe.
Theo đại diện một số hãng taxi, lượng khách hàng vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán thường tăng khoảng 25 – 30%. Vì vậy, để chấn chỉnh tình trạng tài xế taxi hoạt động “chui”, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần tích cực kiểm tra, kiểm soát, đề nghị đến các doanh nghiệp taxi siết chặt hoạt động quản lý. Trong đó, việc tạo dựng hợp đồng chặt chẽ, lắp đặt hệ thống quản lý đối với các xe taxi là rất cần thiết. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành quy định đối với tài xế. Bên cạnh đó, người dân cũng nên lựa chọn các hãng taxi uy tín, đặt xe theo đúng quy trình để tự bảo vệ quyền lợi bản thân cũng như góp phần chống thất thu cho Nhà nước và doanh nghiệp.
“Thời điểm này, đơn vị đang xây dựng kế hoạch thanh tra, xử lý vi phạm đối với các xe taxi hoạt động sai quy định. Bên cạnh đó, đơn vị tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra và đề nghị tất cả các doanh nghiệp taxi thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về vận tải hành khách, chủ động có biện pháp ngăn chặn tình trạng tài xế hoạt động “chui”. Đối với các trường hợp vi phạm, đơn vị kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định”. Ông Lâm Việt Hùng, Trưởng phòng quản lý vận tải, phương tiện và người lái – Sở GTVT cho biết thêm. |
Ý kiến ()