Cần tăng cường quản lý
LSO-Xuất phát từ một hành vi mang ý nghĩa nhân văn nhằm tri ân các tiên tổ và các bậc tiền bối đã qua đời, tập tục cúng, đốt vàng mã trên địa bàn tỉnh đã và đang bị lạm dụng, cần phải có biện pháp quản lý, nhất là vào mùa lễ hội.
![]() |
Vàng mã được dùng nhiều cho các hoạt động thờ cúng tại các đình, đền, chùa |
Lạm dụng sinh hệ lụy
Không biết từ bao giờ, cứ mỗi dịp tết đến xuân về, đặc biệt là vào mùa lễ hội, các cửa hàng kinh doanh vàng mã lại trở nên tấp nập. Người người, nhà nhà đều “phải mua” tiền vàng, các loại đồ gia dụng để cúng, đốt “gửi” cho tổ tiên, thần thánh. Tùy vào điều kiện kinh tế khác nhau của từng gia đình mà mua số lượng ít hay nhiều.
Mắt đỏ hoe vì khói vàng mã, chị Nguyễn Thị Lan, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn nói: “Để làm lễ dâng sao giải hạn, tôi phải mất gần 1,5 triệu đồng mua quần áo, vàng bạc cho ba người thân. Biết là tốn kém, lãng phí nhưng vẫn phải cố để làm cho đầy đủ theo nghi lễ, miễn sao sang năm mới gia đình khỏe mạnh bình an”.
Vàng mã không chỉ được đốt ở nhà mà còn được đốt ở lòng đường, vỉa hè vào những ngày lễ hội. Trưa 22 tháng Giêng, đường Phai Vệ (đoạn cạnh chợ Đông Kinh), phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn mịt mù khói, tro bụi do người dân đốt vàng mã sau khi cúng lễ đón đoàn rước kiệu Lễ hội Kỳ Cùng – Tả Phủ đi qua. Người lưu thông trên đoạn đường này phải đi chậm lại để quan sát, dùng tay che mũi, phủi bụi, tro bám trên quần, áo.
Trên thực tế, nhiều người đã tiêu tốn hàng chục triệu đồng sắm vàng mã với hình dáng nhà lầu, xe hơi, điện thoại di động… để cúng cho thần thánh, tổ tiên. Việc làm này không chỉ làm ảnh hưởng đến kinh tế của gia đình mà còn gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.
Trước tiên là sự lãng phí tiền của, công sức lao động, tài nguyên rừng (tre, giấy). Trong quá trình cúng, đốt vàng mã, sự thiếu ý thức của người dân làm tro bụi phát tán ra môi trường xung quanh, ảnh hưởng không nhỏ đến vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị. Kèm theo đó là sự mất an toàn, dễ gây cháy nổ, hoả hoạn. Nhiều phương tiện truyền thông đang hằng ngày, hằng giờ đưa tin về các vụ cháy công trình dân sinh, công trình công cộng và cả cháy rừng gây thiệt hại về người và tài sản lên đến hàng tỷ đồng, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ việc người dân thiếu ý thức, bất cẩn trong việc đốt vàng mã gây ra.
Mặt khác một bộ phận người dân còn vô ý đổ tro giấy tiền, vàng mã còn đang cháy nóng vào các thùng rác công cộng (chế tạo bằng vật liệu composite không chịu được nhiệt độ cao) gây hư hại tài sản công cũng là một thực trạng đáng lo ngại.
Cần tăng cường quản lý
Thực tế trên cho thấy, hiện tượng cúng, đốt vàng mã thái quá đã và đang gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với xã hội, các gia đình, địa phương. Thế nhưng, việc tiêu thụ vàng mã vẫn đang diễn ra sôi động ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Tất bật đóng gói hàng cho khách, một hộ kinh doanh hàng mã trên đường Bắc Sơn cho biết: Tháng Giêng và tháng Chạp hằng năm là 2 thời điểm cửa hàng đông khách nhất vì phần lớn mọi người đều làm lễ cầu an, cầu tài, cầu lộc, tạ lễ… Tháng trước tết, cửa hàng đã tiêu thụ gần 100 kg giấy tiền, vàng mã các loại. Tháng này phải nhập nhiều hơn vì theo thông lệ, nhu cầu mua vàng mã sẽ tăng trong dịp đầu năm mới.
Theo quan sát của chúng tôi, một đoạn đường Bắc Sơn (từ vườn hoa 17/10 đến cổng đền Tả Phủ) đã có đến hơn 10 cửa hàng có bán đồ vàng mã. Và hàng nào cũng đông khách. Đó là chưa kể những cơ sở trực tiếp sản xuất vàng mã cũng ở cách đó không xa. Qua đó có thể thấy hằng năm, tỉnh ta tiêu thụ một số lượng lớn giấy tiền, vàng mã. Nếu như số tiền đem đốt ra tro đó được sử dụng cho công tác an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo thì nhiều người nghèo, người hoạn nạn sẽ có cuộc sống tốt hơn…
Trao đổi về vấn đề này, Thượng tọa Thích Quảng Truyền, Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, Trụ trì Chùa Thành cho biết: “Đạo Phật không khuyến khích việc cúng, đốt vàng mã. Để đáp ứng nhu cầu tâm linh của khách thập phương, nhà chùa cũng bố trí một nơi hóa vàng riêng, bên ngoài khu thờ tự. Tuy nhiên, nhà chùa khuyên các phật tử và nhân dân nên bài trừ hủ tục đó để tránh lãng phí tiền của cũng như hạn chế được các nguy cơ cháy nổ, đảm bảo vệ sinh môi trường”.
Lễ hội Xuân Xứ Lạng là thời điểm nhân dân và du khách thập phương tập trung đông đến các đình, đền, chùa để hành lễ. Vì thế, hơn lúc nào hết, công tác quản lý lễ hội cần được tăng cường, trong đó chú trọng các biện pháp hạn chế việc đốt vàng mã trong khu vực di tích để đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, hỏa hoạn.
Tại điểm C, điều 18, Nghị định 75/2010/NĐ-CP của Chính phủ (12/7/2010) quy định mức phạt tiền từ 500.000 – 1.000.000 đồng đối với hành vi đốt đồ mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử – văn hoá, nơi công cộng khác. Gần đây nhất, trong Thông tư số 15/2015/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch có hiệu lực từ 5/2/2016 cũng nhấn mạnh: “thắp hương, đốt vàng mã theo quy định của Ban tổ chức lễ hội, Ban quản lý di tích”.
Thiết nghĩ, với hệ thống văn bản pháp luật hiện có, các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể cần tăng cường vận động tuyên truyền, kịp thời khen thưởng, động viên đối với các nhân tố điển hình có cách làm hay, hiệu quả. Qua đó, thay đổi nhận thức, tiến tới thay đổi, giảm thiểu, xoá bỏ những hành vi lạm dụng tập tục cúng, đốt, rải vàng mã, tạo nền tảng, động lực để xây dựng một Xứ Lạng “Xanh, sạch, đẹp”, văn minh, thân thiện trong mắt bạn bè và du khách gần xa.
NGỌC HIẾU
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()