Cần tăng cường kiềm chế tình trạng sử dụng hóa đơn để buôn lậu
LSO-Câu chuyện tổ chức, cá nhân sử dụng hóa đơn nhằm hợp thức hóa hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ vào sâu nội địa không còn mới và nó vẫn đang diễn ra ở Lạng Sơn. Do đó, các lực lượng chức năng cần thực hiện có hiệu quả các biện pháp nhằm kiểm chế thấp nhất hành vi này.
Cán bộ Đội Kiểm soát hải quan (Cục hải quan tỉnh) kiểm tra lô hàng
hợp thức hóa sử dụng hóa đơn để vận chuyển hàng từ cửa khẩu Tân Thanh
vào sâu nội địa trong ngày 16/1/2019
Hợp thức hóa
Ngày 16/1/2019, Đội Kiểm soát hải quan (Cục Hải quan tỉnh) phát hiện và kiểm tra xe ô tô 24 chỗ chở số lượng lớn hàng hóa gồm đồ điện tử, gia dụng, quần áo, khăn, mũ… Trong quá trình kiểm tra, chủ hàng xuất trình đầy đủ hóa đơn và bảng kê chi tiết hàng hóa được xuất ra từ hộ kinh doanh tại khu vực biên giới Tân Thanh (Văn Lãng). Hóa đơn kê tới 40 chủng loại hàng với số lượng gần 3.200 chiếc nhưng tổng giá trị chỉ có gần 10,4 triệu đồng.
Ông Ngụy Văn Cầu, Đội phó Đội Kiểm soát hải quan cho biết: Chúng tôi tốn nhiều công sức, thời gian để theo dõi, kiểm tra, kiểm kê lô hàng này nhưng khi chủ hàng xuất trình hóa đơn thì toàn bộ số hàng sau kiểm kê đều khớp buộc phải trả lại cho chủ hàng.
Hơn nữa trong hóa đơn lô hàng này, chủ hàng kê khai giá trị hàng hóa thấp hơn 5 – 10 lần so với giá thực tế, như: chảo lẩu điện chỉ được khai với giá 25.000 đồng/cái, đầu kỹ thuật số giá 15 nghìn đồng/cái, khăn tắm 1.000 đồng/cái… Theo quy định, chúng tôi chỉ được tịch thu hàng và đề nghị truy thu thuế với số lượng hàng thực tế vượt số lượng ghi trong hóa đơn và ghi giá không đúng quy định.
Trong năm 2018, Tổ Kiểm tra liên ngành do Cục Thuế tỉnh chủ trì kiểm tra đột xuất việc sử dụng hóa đơn, chứng từ với hơn 40 kinh doanh tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh, cửa khẩu Cốc Nam, thị trấn Đồng Đăng. Qua kiểm tra, phần lớn các hộ đều có hành vi khai hàng hóa trong hóa đơn không có nguồn gốc, xuất xứ, ghi chung chung, không đúng tên thương phẩm; kê khai giá hàng trên hóa đơn thấp hơn giá thực tế trên thị trường.
Ông Hoàng Liên Sơn, Trưởng Phòng Kiểm tra thuế (Cục Thuế tỉnh) cho biết: Việc hàng hóa ghi trong hóa đơn không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ bởi đó là hàng không được nhập khẩu chính ngạch, mà chủ yếu được mang vác trái phép qua biên giới. Việc ghi giá hàng hóa thấp nhằm trốn thuế hoặc nộp thuế ít hơn vào ngân sách.
Giá trị những mặt hàng ghi thấp hơn giá trị thực tế trong 1 hóa đơn
được lực lượng hải quan tỉnh thu giữ, kiểm tra vào tháng 1/2019
Cần quyết liệt xử lý hiệu quả
Trước thực trạng đầu nậu, chủ hàng, hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn như “bùa hộ mệnh” cho việc nhập lậu, buôn bán, vận chuyển hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ diễn ra, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường quản lý việc lợi dụng sử dụng hóa đơn trong việc buôn lậu, gian lận thương mại nhất là đối với các hộ kinh doanh trong các khu vực chợ biên giới, cửa khẩu.
Ông Vy Công Tường, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn – thành viên BCĐ 389 tỉnh cho biết: Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp, nhưng chưa thể ngăn chặn triệt để tình trạng này. Bởi trên thực tế vẫn còn những hộ kinh doanh thu mua hàng hóa tại các khu vực có rủi ro cao như khu vực cửa khẩu Tân Thanh, cửa khẩu Cốc Nam, thị trấn Đồng Đăng… Ý thức tuân thủ pháp luật về thuế, hóa đơn, chứng từ cũng như tuân thủ các quy định về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa của hộ kinh doanh còn nhiều hạn chế, do vậy, vẫn tồn tại tình trạng “xuất” hóa đơn cho các đối tượng buôn lậu. Hơn nữa, công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng có lúc, có nơi chưa chặt chẽ…
Để tháo gỡ “nút thắt” này và thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại tại Lạng Sơn thiết nghĩ thời gian tới, các lực lượng chức năng trong tỉnh cần triển khai quyết liệt, đồng bộ hơn nữa các giải pháp.
Cụ thể là các lực lượng chức năng, trong đó chủ chốt là lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại của tỉnh, các huyện biên giới cần tăng cường phối hợp quản lý chặt địa bàn biên giới; ngăn chặn tình trạng xuất nhập cảnh, mang vác hàng lậu trái phép qua biên giới.
Trong nội địa, lực lượng công an, quản lý thị trường và các lực lượng chức năng khác phối hợp kiểm tra, kiểm soát địa bàn nhất là tại các tuyến quốc lộ, đường liên huyện, liên xã từ biên giới vào nội địa. Riêng đối với cơ quan thuế cần tăng cường quản lý chặt chẽ việc sử dụng hóa đơn, chứng từ nhất là đối với các tổ chức, cá nhân ở khu vực biên giới và thành phố Lạng Sơn.
Ông Lê Công Mai, Phó Cục trưởng Cục Thuế cho biết: Thời gian tới, Cục thuế tỉnh tập trung chỉ đạo chi cục thuế các huyện biên giới và thành phố Lạng Sơn không những quản lý, kiểm soát chặt mà còn phải kiên quyết xử lý và dừng cấp hóa đơn cho các tổ chức, cá nhân hóa đơn có dấu hiệu nhập lậu, gian lận thương mại.
Theo báo cáo của BCĐ 389 tỉnh, năm 2018, số tiền truy thu thuế của Cục Thuế được hơn 20,5 tỷ đồng, trong đó có khoảng 30% số thuế truy thu được từ các hộ kinh doanh tại khu vực biên giới, cửa khẩu do vi phạm ghi giá hàng hóa trong hóa đơn thấp hơn so với thực tế. |
MINH ĐỨC – TRÍ DŨNG
Ý kiến ()