Cần tăng cường đảm bảo an toàn, an ninh trong lĩnh vực bưu chính
(LSO) – Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có không ít đối tượng lợi dụng bưu chính chuyển phát để vận chuyển hàng lậu, hàng cấm. Để chấn chỉnh hành vi này rất cần sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng.
Từ năm 2017 đến nay, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 3.002 bưu gửi, trong đó, 183 bưu phẩm, bưu kiện có tổng số 125 thanh kim loại dài 70 cm đến 80 cm dùng để chế tạo nòng súng; 34 bộ bơm hơi nén khí dùng cho súng hơi, súng bắn cồn; 93,6 kg đạn chì; hơn 200 công cụ hỗ trợ như côn, dao, lê, kiếm, đao cùng nhiều chi tiết tháo rời của vũ khí thô sơ như: ống ngắm, lò so, lẫy, cò, báng súng, ốc vít… Riêng từ đầu năm 2020 đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện 183 bưu kiện có chứa linh kiện vũ khí tháo rời, trong đó 170 bưu nhận. Qua kiểm tra cho thấy, người nhận là người thuộc địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Hàng được cung cấp chủ yếu từ các đối tượng ở các tỉnh phía Nam. Trong 9 tháng qua, cơ quan chức năng đã xử lý 6 vụ lợi dụng dịch vụ chuyển phát để vận chuyển hàng lậu. Đơn cử, ngày 9/10/2020, Đội Quản lý thị trường số 2 phối hợp với Đội 389 tỉnh phát hiện và xử lý vi phạm hành chính đối với Chương Thị Hương, kinh doanh tại cửa khẩu Tân Thanh (Văn Lãng) 20 triệu đồng và buộc nộp lại 39 triệu đồng số tiền thu lợi bất hợp pháp về hành vi mua gom hàng hóa nhập lậu, lập hóa đơn xuất bán cho người mua hàng gửi qua Bưu cục Viettel Tân Thanh về huyện Bắc Sơn.
Nhân viên Trung tâm Khai thác, Bưu điện tỉnh Lạng Sơn kiểm tra bưu kiện hàng hóa
Ngoài các doanh nghiệp bưu chính truyền thống như: Vn Post, Viettel Post, toàn tỉnh hiện có thêm 9 doanh nghiệp tư nhân tham gia hoạt động bưu chính chuyển phát. Năm 2018, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam mở đường thư bưu chính quốc tế đường bộ Việt Nam – Trung Quốc tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế – xã hội song cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, an ninh trong lĩnh vực bưu chính. Nguyên nhân dẫn đến còn xuất hiện nhiều trường hợp lợi dụng đường bưu chính để vận chuyển, giao dịch hàng lậu, hàng cấm đó là: doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bưu chính phát triển rất nhanh (toàn quốc có trên 500 doanh nghiệp); nhiều doanh nghiệp chỉ quan tâm đến doanh thu, lợi nhuận chứ chưa quan tâm đến các quy định của pháp luật; các doanh nghiệp thiếu phương tiện, nhân lực hoặc sử dụng lao động chưa qua đào tạo nên nhận thức về an toàn, an ninh bưu chính còn nhiều hạn chế…
Đại tá Hà Quảng Thành, Trưởng Phòng Nghiệp vụ an ninh, Công an tỉnh cho biết: Khi vận chuyển qua đường bưu chính, chuyển phát nhanh, các đối tượng tháo rời các chi tiết, sử dụng giấy bạc bọc nhiều lớp, đóng gói sẵn hàng hóa, không ghi địa chỉ, số điện thoại người gửi trên bưu gửi để qua mặt doanh nghiệp bưu chính. Nếu không nắm vững nghiệp vụ, không có kỹ năng phát hiện thì hàng cấm, hàng lậu rất dễ lọt qua mắt lực lượng chức năng.
Bà Phương Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng bao gồm Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường triển khai các biện pháp mạnh hơn, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện tốt Luật Bưu chính, đặc biệt là các điều khoản đảm bảo an toàn, an ninh về thông tin và chuyển phát bưu chính; quyết liệt vào cuộc kiểm tra, phát hiện, xử lý các đối lượng lợi dụng mạng bưu chính để vận chuyển hàng lậu, hàng cấm.
Ý kiến ()