Cần tăng cường chính sách hỗ trợ nhằm củng cố, phát triển tổ chức hợp tác dùng nước
Thực tế cho thấy các tổ chức hợp tác dùng nước (HTDN) đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tưới, tiêu cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, hoạt động của các tổ chức này vẫn còn nhiều bất cập.
N hiều mô hình tổ chức HTDN hoạt động hiệu quả cao
Theo số liệu báo cáo của Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2012, cả nước có 16.238 tổ chức HTDN bao gồm 3 loại hình chủ yếu là: Hợp tác xã (HTX) làm dịch vụ thủy lợi (HTX dịch vụ nông nghiệp và HTX chuyên khâu thủy nông); tổ hợp tác (THT) gồm Hội sử dụng nước, tổ, đội thủy nông; Ban quản lý thủy nông. Trong đó, HTX và THT là hai loại hình chính chiếm tới 90% tổng số tổ chức hợp tác dùng nước. Cụ thể, loại hình HTX, hiện có 6.270 đơn vị, chiếm 39% tổng số tổ chức HTDN. Trong đó, HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp là loại hình phổ biến chiếm 95% số HTX; HTX chuyên khâu thủy nông chiếm khoảng 5%. Loại hình HTX làm dịch vụ thủy lợi phân bố hầu hết ở 7 vùng miền trong cả nước. Tuy nhiên, chủ yếu tập trung ở vùng Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và miền núi phía Bắc. Với THT, hiện có 8.341 đơn vị, chiếm 51%. Loại hình này phổ biến ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long. Ban Quản lý thủy nông có 1.627 đơn vị, chiếm 10%, tập trung phần lớn ở vùng miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ.
Theo số liệu báo cáo của các địa phương, đội ngũ cán bộ, nhân viên của các tổ chức HTDN trên toàn quốc có 81.655 người. Trong đó, nhân sự của loại hình HTX chiếm 45%, THT chiếm 47%, Ban Quản lý chiếm 8%. Đội ngũ cán bộ, nhân viên của các tổ chức HTDN nhìn chung có tâm huyết và làm việc vì lợi ích cộng đồng.
Hiện tại, trên cả nước đang có nhiều tổ chức HTDN hoạt động mang lại hiệu quả cao. Cụ thể, tổ chức HTDN ở vùng duyên hải Nam Trung bộ hoạt động tương đối hiệu quả, có thu nhập ròng bình quân cao (275 triệu đồng/năm. HTX nông nghiệp Hòa Quang Nam (Phú Yên), doanh thu bình quân lên tới 26 tỷ đồng, lãi ròng bình quân hàng năm khoảng 500 triệu đồng nhờ các hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp, xăng dầu, nước sạch, dịch vụ tín dụng nội bộ, tưới tiêu. Tương tự là HTX Nông nghiệp Hòa Phong (Phú Yên), thu nhập ròng bình quân khoảng 1 tỷ/năm từ các dịch vụ đầu tư tín dụng nội bộ, cung cấp vật tư nông nghiệp, quản lý chợ, kinh doanh xăng dầu và tưới tiêu.
Bên cạnh đó, một số tổ chức HTDN ở đồng bằng sông Hồng hoạt động cũng khá hiệu quả. Điển hình như HTX Dịch vụ nông nghiệp Song An (Thái Bình), HTX Dịch vụ nông nghiệp Đồng Hóa (Hà Nam),.. có mức thu nhập ròng bình quân từ 300-500 triệu đồng (từ năm 2010-2013), doanh thu bình quân hằng năm từ 3-4,5 tỷ đồng từ các dịch vụ tưới tiêu, cung ứng vật tư, phân bón, điện nông thôn, nước sinh hoạt, bảo vệ thực vật.
Những vấn đề còn tồn tại
Bên cạnh những mô hình tổ chức HTDN tiêu biểu, hoạt động có hiệu quả, nhiều tổ chức HTDN vẫn còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Trong đó, nguyên nhân do loại hình tổ chức HTDN rất đa dạng nên khó áp dụng một cách đồng loạt cơ chế, chính sách hiện hành trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi cho các loại hình tổ chức HTDN.
Trên thực tế, công tác củng cố và phát triển các tổ chức HTDN chưa được thực hiện tốt ở nhiều địa phương, phổ biến ở vùng miền núi, địa hình chia cắt, công trình thủy lợi hầu hết là nhỏ lẻ, phân tán, diện tích phục vụ chỉ vài héc-ta (Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Bắc Kạn,…). Nhiều tỉnh có mô hình hoạt động chưa hiệu quả như: Điện Biên, Bắc Ninh, Sơn La, Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế,…Việc hình thành và phát triển các tổ chức HTDN ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn hạn chế do tập quán sản xuất của địa phương, chủ yếu tận dụng tối đa nguồn nước mưa và lợi thế sông rạch tự nhiên. Tình trạng pháp lý của nhiều tổ chức HTDN chưa hoàn chỉnh dẫn đến hoạt động kém hiệu quả.
Thêm vào đó, mối quan hệ giữa các tổ chức HTDN với chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn (doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi) còn chưa chặt chẽ. Do đó, chưa phát huy được vai trò cũng như hiệu quả của các tổ chức này trong quản lý khai thác công trình thủy lợi.
Về nhận thức, cán bộ và người dân ở nhiều địa phương chưa nhận thức đúng và đầy đủ về tầm quan trọng của công tác quản lý khai thác công trình thủy lợi, đồng thời có xu hướng nặng về bao cấp, xem nhẹ sự tham gia của người dân. Điều này dẫn đến tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước của người dân và các tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi. Bên cạnh đó, sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền, cơ quan chuyên môn địa phương đối với việc thành lập, củng cố và tăng cường các tổ chức HTDN còn thiếu và chưa sát sao.
Về thể chế, chưa có chính sách hỗ trợ để củng cố, thành lập và phát triển các tổ chức HTDN, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ mở rộng, đa dạng hóa các loại hình kinh doanh dịch vụ, nâng cao thu nhập, giảm sự phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước. Việc thực thi chính sách miễn thủy lợi phí ở nhiều địa phương còn chưa nghiêm túc.
Về phân cấp quản lý công trình thủy lợi, đến nay đã có 49/63 tỉnh đã có quy định về phân cấp quản lý công trình thủy lợi, trong đó, 22 tỉnh triển khai thực hiện sau khi có Thông tư 65/2009/TT-BNNPTNT. Tuy nhiên, việc triển khai chính sách này ở các tỉnh còn lại vẫn chậm trễ. Theo báo cáo của các địa phương, hiện vẫn còn 14 tỉnh chưa có quy định phân cấp, tác động xấu đến hoạt động của các tổ chức HTDN, nhất là ở các tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước, Vĩnh Long, Bến Tre.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị của các tổ chức HTDN còn nghèo nàn, trình độ công nghệ thấp chưa phù hợp với yêu cầu công tác quản lý khai thác. Hoạt động cung cấp dịch vụ của các tổ chức HTDN phần lớn chỉ mang tính ngắn hạn, chưa xây dựng được phương hướng, kế hoạch dài hạn do đó hoạt động thiếu ổn định và chưa chủ động.
Cần có các chính sách hỗ trợ
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức HTDN, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh, trong thời gian tới cần triển khai các biện pháp đồng bộ và thiết thực. Trong đó, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý để hướng dẫn hoạt động của các tổ chức thủy nông cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới. Nâng cao tính tự nguyện, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong việc xây dựng, quản lý khai thác công trình thủy lợi. Củng cố, tăng cường hoạt động của các tổ chức HTDN phù hợp theo các vùng, miền.
Cụ thể, cần củng cố, phát huy mô hình hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp có làm dịch vụ thủy lợi đối với vùng đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ và những địa phương có mô hình HTX dịch vụ nông nghiệp đang hoạt động. Với vùng đồng bằng sông Cửu Long, cần đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác quản lý khai thác công trình thủy lợi, phát huy mô hình tổ chức hợp tác và tư nhân hoạt động theo cơ chế thị trường. Đồng thời, với vùng miền núi và Tây Nguyên, cần hỗ trợ mô hình tổ hợp tác có tham gia của cộng đồng gắn với trách nhiệm của chính quyền địa phương. Khuyến khích tư nhân, hộ gia đình có đủ năng lực nhận khoán quản lý khai thác công trình thủy lợi.
Về cơ chế, phương thức hoạt động của tổ chức HTDN, cần thực hiện phân cấp, chuyển giao quyền quản lý khai thác công trình thủy lợi cho các tổ chức HTDN theo quy định tại Thông tư số 65/2009/TT-BNNPTNT. Tổ chức HTDN được giao quyền tự chủ trong hoạt động quản lý, vận hành và tài chính dưới sự giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước và sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn ở địa phương. Sau khi phân cấp chuyển giao, chính quyền, cơ quan chuyên môn có hướng dẫn, trình tự hỗ trợ về cơ chế hoạt động và kỹ thuật chuyên môn. Công trình được giao quản lý có quy mô, tính chất và năng lực phù hợp với điều kiện và năng lực hoạt động của tổ chức HTDN.
Bên cạnh đó, nhằm củng cố, phát triển tổ chức HTDN, cần đề xuất, ban hành chính sách đặc thù, phù hợp với từng loại tổ chức ở các vùng, miền; hỗ trợ cho các loại hình tổ chức quản lý thủy nông cơ sở. Trong đó, gồm: chính sách hỗ trợ để thành lập, củng cố và ổn định tổ chức; hỗ trợ, đào tạo kiến thức cho cán bộ quản lý và thành viên tổ chức dùng nước. Hỗ trợ tổ chức thủy nông cơ sở có thể mở rộng khả năng cung cấp các dịch vụ khác ngoài dịch vụ tưới tiêu; hỗ trợ thiết bị, công nghệ để kiên cố hóa kênh mương.
Thêm vào đó, trong thời gian tới, các địa phương trên toàn quốc cần tiếp tục rà soát, đánh giá các mô hình tổ chức HTDN hoạt động có hiệu quả, kém hiệu quả, và mô hình được thành lập trong các dự án ODA. Trên cơ sở đó, thực hiện nhân rộng các mô hình điển hình và đúc kết bài học kinh nghiệm. Xây dựng chương trình đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho nhân lực của các tổ chức HTDN, bao gồm cả đối tượng là lãnh đạo chính quyền cấp xã, huyện để tăng cường nhận thức về công tác quản lý khai thác công trình thủy lợi.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()