Cần tăng cường cán bộ thú y thủy sản
Thủy sản hiện là một trong những ngành kinh tế nông nghiệp quan trọng của cả nước, đem về kim ngạch xuất khẩu lên tới tám tỷ USD năm 2014.
Trong đó, nuôi trồng thủy sản chiếm vị trí đặc biệt, với con tôm nước lợ đạt kim ngạch bốn tỷ USD, cá tra đạt 1,8 tỷ USD, chiếm tới hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Nuôi trồng thủy sản hiện cũng là thế mạnh kinh tế của nhiều địa phương như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang…
Tuy nhiên, những năm gần đây, dịch bệnh trên thủy sản nuôi xuất hiện nhiều, thường xuyên hơn và khó phòng, chống. Nhất là tôm nước lợ, hầu như năm nào dịch bệnh cũng tàn phá, có những năm rất nặng nề, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế. Các loại bệnh chủ yếu là: bệnh đốm trắng, bệnh hoại tử gan, tủy cấp và các bệnh do ô nhiễm môi trường. Năm 2014, có tới 61,4% số diện tích tôm sú bị dịch bệnh, trên phạm vi rộng và mức độ nặng hơn so với năm 2013.
Nguyên nhân là do quá trình nuôi chưa tuân thủ quy định về vệ sinh môi trường, nuôi không theo quy hoạch và một phần do chất lượng con giống chưa bảo đảm. Đối với gia súc, gia cầm còn có thể chủ động tiêm phòng, còn các loại thủy sản dưới nước sẽ khó khăn hơn nhiều trong việc phòng chống. Trong khi đó, lực lượng cán bộ thú y dành cho lĩnh vực thủy sản vẫn còn thiếu và yếu ở tất cả các địa phương. Vì vậy, khi xảy ra dịch bệnh, không đủ lực lượng cán bộ thú y tư vấn, xử lý khiến người nuôi hoang mang, không biết cách chữa trị như thế nào. Do đó, thiệt hại kinh tế là điều không thể tránh khỏi, có những hộ, sau một vài vụ nuôi tôm đã phá sản vì dịch bệnh.
Mong muốn của những người nuôi trồng thủy sản là Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn củng cố hệ thống thú y thủy sản, tăng cường số lượng và chất lượng cán bộ phụ trách lĩnh vực này. Vì phòng, chống, ngăn ngừa tốt dịch bệnh là một trong những điều kiện quan trọng hàng đầu bảo đảm hiệu quả kinh tế của ngành nuôi trồng thủy sản.
Theo Nhandan
Ý kiến ()