Cần tăng cường bảo hộ tài sản trí tuệ
LSO - Cuối tháng 7/2013, Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra đột xuất một số cửa hàng kinh doanh, buôn bán hoa quả trên địa bàn thành phố Lạng Sơn
LSO – Cuối tháng 7/2013, Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra đột xuất một số cửa hàng kinh doanh, buôn bán hoa quả trên địa bàn thành phố Lạng Sơn. Qua kiểm tra đã phát hiện cơ sở kinh doanh hoa quả Cường Hồng tại quầy số 59, chợ Bờ Sông – TP Lạng Sơn có hành vi giả mạo nhãn hàng hóa của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN để gắn lên sản phẩm dưa vàng và nho không rõ nguồn gốc, gây nhầm lẫn sản phẩm thuộc đề tài của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Lạng Sơn với sản phẩm hàng hóa trôi nổi trên thị trường. Theo ông Nguyễn Công Đò, Chánh thanh tra Sở KH&CN, sở dĩ có chuyện giả mạo này là do trong những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới vào trồng, chăm sóc nên Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH-CN tỉnh Lạng Sơn đã thành công trong việc tạo ra các sản phẩm nông sản đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh, anh toàn thực phẩm có năng suất, chất lượng cao, được đông đảo người dân trên địa bàn biết đến thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Nắm bắt được tâm lý người tiêu dùng ưa chuộng những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng có chất lượng đảm bảo, tốt cho sức khỏe, trên thị trường tại thành phố Lạng Sơn thời gian qua đã xuất hiện hiện tượng tiểu thương buôn bán mặt hàng hoa quả tươi giả mạo nhãn hàng hóa đối với sản phẩm dưa vàng và nho Cự phong của Trung tâm với mục đích đánh lừa người tiêu dùng, nâng giá bán. “Việc giả mạo nhãn hiệu, tên và nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm dưa vàng và nho Cự Phong của cơ sở kinh doanh hoa quả chính là hành vi “ăn cắp” tài sản trí tuệ của các nhà khoa học…”.
Dưa vàng dán tem giả mang nhãn hiệu của TTƯDTBKH-CN
Trao đổi về câu chuyện “ăn cắp” sản phẩm trí tuệ của những nhà khoa học, tiến sỹ Lương Đăng Ninh, Giám đốc SởKH&CN Lạng Sơn cho biết, việc xâm phạm bản quyền không chỉ làm ảnh hưởng đến thương hiệu, nhãn hiệu của sản phẩm mà còn làm hạn chế các ý tưởng sáng tạo của nhà khoa học. Nghiên cứu của các nhà khoa học là tài sản của chính họ. Do vậy, việc có một chính sách bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ phù hợp sẽ góp phần tăng cường sức sáng tạo, nâng cao hàm lượng tri thức, từ đó tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cho xã hội. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại hàng hóa, từ hàng hóa tiêu dùng đến cả hàng công nghệ cao đều đã bị nhái tên, nhãn hiệu. Tuy nhiên, câu chuyện nhái thương hiệu – công sức nghiên cứu của nhà khoa học thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Tài sản trí tuệ là loại tài sản phải đầu tư tốn kém nhưng đồng thời cũng là loại tài sản quan trọng nhất, có giá trị nhất đối với cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp. Trên thế giới hiện nay có nhiều nhãn hiệu được định giá hàng chục tỷ đô la như Coca – Cola, Microsoft, IBM, Honda, Toyota, Sony… Tuy nhiên, vì đây là tài sản vô hình nên việc “định giá” tài sản trí tuệ hoàn toàn không đơn giản, chính việc chưa định giá được tài sản của mình nên một số nhà khoa học chưa để ý đến việc đăng ký bảo hộ sản phẩm trí tuệ của minh.
Tài sản trí tuệ đối với các nhà khoa học chính là công cụ để kinh doanh, để thu lại chi phí đã bỏ ra trong nghiên cứu. Để làm được điều đó, các nhà khoa học phải thương mại hóa sản phẩm. Tiến sỹ Lương Đăng Ninh khẳng định: lâu nay các nhà khoa học thường nói họ rất khó khăn trong việc đăng kí bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Cái đó là đúng. Nhưng hãy tưởng tượng bạn có một mảnh đất và muốn xây lên một cái nhà cấp 4 thì chẳng phải thuê nhà thiết kế làm gì. Nhưng khi bạn muốn xây biệt thự thì nhất định cần có kiến trúc sư. Thực tế, có nhiều tài sản trí tuệ kiểu như vậy hiện vẫn bị “ăn cắp” mẫu mã, nhưng để xử lý thì lại rất phức tạp và khó khăn. Nguyên nhân chính là do chế tài xử phạt việc này còn chưa mạnh nên tình trạng nhái sản phẩm nghiên cứu của các nhà khoa học vẫn xảy ra. Ví dụ như Chương trình Hành động về hợp tác phòng và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (CT168), mặc dù đã được ban hành từ lâu, nhưng mức xử phạt quy định vẫn còn rất thấp, không đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm.
Từ câu chuyện thực tế ở trên cho thấy, kết quả nghiên cứu khoa học sẽ dễ dàng bị sao chép, sử dụng, khai thác một cách rộng rãi. Vì vậy, khi quyết định nộp đơn, các tác giả cần kiên trì theo đuổi đến cùng để bảo vệ tài sản trí tuệ của mình. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng cần kiên quyết bảo vệ tài sản trí tuệ của mình khi bị sao chép, vi phạm. Điều này sẽ giúp cho các công trình nghiên cứu tránh được nguy cơ bị mất bản quyền. Mặt khác, những công trình được bảo hộ sẽ gặp nhiều thuận lợi vì các đối tác sẽ tin tưởng hơn trong quá trình đàm phán chuyển giao công nghệ. Đây cũng chính là một trong những biện pháp tiên quyết để bảo vệ thành quả nghiên cứu KH&CN, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và tạo sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Tuy vậy, nếu các cơ quan chức năng không thường xuyên tổ chức, thanh, kiểm tra thị trường, đồng thời các bộ, ngành liên quan không sớm ban hành chế tài xử phạt mạnh hơn nữa thì nhà khoa học vẫn sẽ “độc hành” trên con đường bảo vệ tài sản trí tuệ của mình.
Bài, ảnh: Trí Dũng
Ý kiến ()