Cần suy nghĩ đúng đắn khi cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1
– Ngày nay, nhiều bậc phụ huynh kỳ vọng con sẽ biết đọc hay biết viết ngay từ khi còn học mẫu giáo để có thể vững vàng, tự tin bước vào lớp 1. Nhưng việc cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1 có thể sẽ khiến trẻ mất hứng thú, thậm chí là chủ quan khi học.
Thời gian qua, trên các trang mạng xã hội có nhiều lời quảng cáo như: “Trẻ biết đọc khi mới lên 3”, “4 tuổi đọc viết thông thạo”, “Bé 2 tuổi có khả năng nhận biết mặt chữ”… tạo sự tò mò, kích thích cho các bậc phụ huynh. Qua đó, nhiều bậc phụ huynh cho con học chữ từ sớm, trước khi vào lớp 1. Thậm chí còn có nhiều phụ huynh cho con học chữ từ khi bé mới 2 hoặc 3 tuổi. Anh Trần Minh Hiếu, nhà số Pg2-11 Vinhomes, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Gia đình tôi rất lo lắng cho những năm đầu con đến trường, sợ con bỡ ngỡ không theo kịp các bạn nên vợ chồng tôi muốn con biết thành thạo các chữ cái từ khi còn học mầm non để khi lên lớp 1 có thể bắt nhịp được ngay các bài học. Vợ chồng tôi đã cho con đi học từ hè năm 2020, lúc đó, con tôi 5 tuổi.
Giờ tập đọc của học sinh lớp 1 Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học 1 xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng
Theo quan sát và tìm hiểu của phóng viên, vào các dịp nghỉ hè hằng năm, hầu hết các bậc phụ huynh có con sắp vào lớp 1 đều cho con tham gia các lớp luyện chữ với thời gian: 1 tháng, 36 buổi hoặc 2 đến 3 tháng. Tại thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có gần 15.200 trẻ 5 tuổi chuẩn bị vào lớp 1. Với mong muốn con biết cách viết thành thục các chữ cái, thậm chí biết cách ghép chữ, ghép câu, dịp hè năm này, nhiều phụ huynh có con sắp vào lớp 1 cũng cho con đi luyện chữ tại nhà cô giáo dạy thêm.
Mặc dù không có số liệu tổng hợp chính xác, đầy đủ, song qua thực tế cho thấy: do tâm lý lo ngại con sẽ bị chậm kiến thức, không theo kịp bạn bè khi vào học lớp 1 mà nhiều phụ huynh cho con đi học, luyện chữ trước khi vào lớp 1, thậm chí có phụ huynh còn cho con em mình học chữ từ những năm 3 hoặc 4 tuổi. Cô giáo Nông Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường Mầm non 10/10, thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định cho biết: Hiện nay, bậc học mầm non chúng tôi chỉ được dạy trẻ nhận biết mặt chữ và hướng dẫn trẻ tô theo nét chữ, bên cạnh đó trường cũng không nhận dạy hè cho trẻ 5 tuổi. Năm học 2020 – 2021, trường có 116 trẻ 5 tuổi. Theo chúng tôi được biết thì có đến 80% các bậc phụ huynh của trẻ 5 tuổi có nhu cầu cho con đi luyện chữ trong dịp hè với các cô giáo dạy kèm hoặc tự luyện chữ cho con ở nhà.
Bà Nguyễn Thị An, Phó Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học – Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết: Ở bậc học mầm non, trẻ đã bắt đầu học và nhận biết 29 chữ cái Tiếng Việt và chương trình giáo dục mầm non đã trang bị đủ hành trang cho trẻ bước vào lớp 1. Trẻ 6 tuổi vào lớp 1 mới học chữ cái, cách ghép chữ, ghép câu, đánh vần và đọc. Phụ huynh cho con học sớm cũng không tốt. Giả sử khi mới đang học mầm non mà trẻ đã học hết chương trình lớp 1 thì khi vào học chính thức, trẻ sẽ nhàm chán, lơ là việc học. Vì thế, các bậc phụ huynh không nên lo lắng về việc học chữ khi trẻ vào lớp 1. Thay vì cho trẻ học chữ sớm, các bậc phụ huynh nên tạo hứng thú cho trẻ khi bắt đầu vào lớp 1, cho con nắm bắt thông tin cơ bản khi chuyển từ môi trường mầm non vào tiểu học… Còn việc dạy kiến thức, phụ huynh nên tin tưởng giao cho giáo viên khi trẻ đến lớp. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu lãnh đạo sở chỉ đạo tăng cường kiểm tra việc dạy thêm, học thêm trái quy định trong đó có việc dạy thêm cho trẻ trước khi vào lớp 1.
Không phải ngẫu nhiên mà quy định tại Điều 40 Thông tư 41/2010/TT-BGDĐT ngày 30/12/2010 của Bộ GG&ĐT “Ban hành điều lệ trường học” quy định trẻ từ 6 tuổi trở lên mới chính thức bước vào lớp 1 và bắt đầu học chữ, tập đọc, tập viết. Vì thế, thay vì chạy theo xu thế cho con học sớm thì cha mẹ nên để trẻ được phát triển hài hòa trong môi trường vừa học, vừa chơi phù hợp với lứa tuổi.
Ý kiến ()