Cần sự vào cuộc từ gia đình
LSO-Quy định xử phạt đối với người điều khiển xe chạy điện có hiệu lực từ tháng 1/2014 nhưng đa số người điều khiển phương tiện này vẫn chưa tự giác chấp hành. Để nâng cao ý thức cho đối tượng này, bên cạnh những quy chế cần có sự vào cuộc từ gia đình trong công tác tuyên truyền, giáo dục.
Học sinh, người dân đi xe đạp điện chưa chấp hành đội mũ bảo hiểm theo quy định |
Thờ ơ với quy định xử phạt
Với ưu điểm là gọn nhẹ, dễ điều khiển phù hợp với các em học sinh phổ thông nên thời gian gần đây, các loại xe chạy điện đang rất được ưa chuộng. Mặc dù giá thành mỗi chiếc xe không phải là rẻ từ 7-11 triệu đồng/chiếc nhưng nhiều gia đình không tiếc tiền sắm cho con em làm phương tiện đến trường. Để đảm bảo an toàn cho người điều khiển phương tiện này, công tác tuyên truyền về việc đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn đã được triển khai rộng khắp. Đặc biệt trong các trường học, đây luôn là nội dung được nhắc đến trong mỗi giờ chào cờ, sinh hoạt chi đoàn… Đặc biệt, Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành các quy định mới về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Theo đó, từ ngày 1/1/2014, người đi xe đạp điện nếu vi phạm các lỗi như không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ sẽ bị xử phạt từ 100.000 – 200.000 đồng. Quy định này đã có hiệu lực gần 2 tháng, tuy nhiên người điều khiển phương tiện này vẫn chưa có ý thức chấp hành. Có mặt tại một số cổng trường trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, hầu hết học sinh đi xe đạp, xe máy điện đều không đội mũ bảo hiểm. Một số em có đội nhưng chủ yếu là những chiếc mũ thời trang, không đạt chuẩn lại quên mất cài quai nên chỉ có tác dụng trang trí hơn là để bảo vệ. Em Nguyễn Thị Cẩm Vân, học sinh trường THCS Đông Kinh cho biết, ở lớp không có bạn nào đội hơn nữa nhiều khi vội đi học cho kịp giờ vào lớp nên em cũng quên mất. Cùng với đó, xe chỉ chạy với tốc độ thấp khi va chạm hoặc tai nạn không gây hậu quả nghiêm trọng cũng là lý do khiến nhiều em không đội mũ bảo hiểm.
Chưa đủ sức răn đe
Quy định xử phạt đối với người điều khiển xe chạy điện có hiệu lực từ tháng 1/2014 nhưng đến nay, trên địa bàn thành phố mới chỉ xử phạt 7 trường hợp. Thiếu tá Nguyễn Cao Huy, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Công an thành phố Lạng Sơn cho biết: theo Nghị định 171, chỉ xử phạt đối với người điều khiển xe chạy điện trên 18 tuổi, đối với người từ 16 đến 18 tuổi thì số tiền người vi phạm phải nộp phạt bằng 50% mức quy định. Với người dưới 16 tuổi mà vi phạm thì cảnh sát giao thông chỉ nhắc nhở, thông tin về trường để trường giáo dục. Trong khi đó, trên địa bàn thành phố, đối tượng điều khiển phương tiện này chủ yếu là các em học sinh THCS, chưa nằm trong độ tuổi phải xử phạt, vì vậy, chưa có tính răn đe. Chính vì vậy, tình trạng vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn vẫn diễn ra hàng ngày.
Cần có sự vào cuộc từ gia đình
Nói về an toàn giao thông nhiều người vẫn nghĩ đó là trách nhiệm của lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông mà quên mất bản thân mỗi người đóng vai trò chính trong việc đảm bảo cho giao thông an toàn. Phải nói rằng, vẫn còn có những bậc phụ huynh nhắc nhở con em đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông là để đối phó với lực lượng chức năng. Bởi khi bị bị cảnh sát giao thông “thổi còi” là bố, mẹ phải mất tiền nộp phạt chứ chưa phân tích cho các em hiểu được tác dụng của việc đội mũ bảo hiểm. Thêm nữa, chính bản thân nhiều bậc phụ huynh cũng chưa nghiêm túc chấp hành quy định này nên các em phần nào bị ảnh hưởng từ bố, mẹ. Thiết nghĩ, các bậc phụ huynh có thể bỏ ra một số tiền không nhỏ để sắm xe chạy điện, tạo điều kiện tốt nhất cho các em học tập thì cũng cần trang bị chiếc mũ bảo hiểm đạt chuẩn và nhắc nhở các em nghiêm chỉnh chấp hành để bảo đảm an toàn cho bản thân mỗi khi tham gia giao thông.
HOÀNG VƯƠNG
Ý kiến ()