Cần sự sẻ chia của cộng đồng đối với người khiếm thị
(LSO) – Toàn tỉnh hiện có trên 1.000 người khiếm thị. Không nhìn thấy ánh sáng là một thiệt thòi lớn nhưng bằng nghị lực bản thân và sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng, nhiều người khiếm thị đã vượt qua nỗi bất hạnh, thắp lên ánh sáng cho cuộc đời mình.
Những ngày trung tuần tháng 5/2020, chúng tôi có mặt tại cơ sở tẩm quất, mát xa tại số nhà 87, đường Lê Đại Hành, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn do anh Dương A Cồ (sinh năm 1983) khiếm thị cả hai mắt làm chủ cơ sở. Cơ sở tẩm quất của anh Cồ có 3 nhân viên nam bị khiếm thị hoàn toàn. Các nhân viên đều được anh Cồ nhận vào cơ sở đào tạo nghề, ăn ở miễn phí và tạo việc làm với thu nhập ổn định.
Anh Nguyễn Đình Nin (sinh năm 1979), xã Tràng Sơn, huyện Văn Quan chia sẻ: Tôi bị khiếm thị từ nhỏ. Điều kiện gia đình khó khăn nên không được đi học hay tìm được việc làm phù hợp. Cách đây hơn 6 năm, được người thân giới thiệu, tại thành phố Lạng Sơn có cơ sở đào tạo miễn phí tẩm quất, mát xa cho những người khiếm thị, tôi ra đây học nghề. Sau 3 tháng, tôi đã chính thức được cơ sở anh Cồ nhận vào làm với thu nhập từ 4 – 5 triệu đồng/tháng.
Chị Lương Thị Hiền, ngõ 8, đường Phai Vệ, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn tráng bánh cuốn bán tại nhà
Theo anh Cồ, cơ sở tẩm quất, mát xa của anh được thành lập từ năm 2008, đến nay, đã đào tạo cho 15 người khiếm thị, có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, có những học viên đã thành lập riêng được cơ sở tẩm quất, mát xa. Theo đó, hiện nay, trên địa bàn thành phố đã có 5 cơ sở tẩm quất, mát xa do người khiếm thị làm chủ, luôn tạo việc làm cho từ 20 người khiếm thị trở lên, thu nhập ổn định từ 4 – 5 triệu đồng/người/tháng.
Còn trường hợp vợ chồng chị Lương Thị Hiền (khiếm thị một mắt) và anh Mông A Dũng (khiếm thị hoàn toàn), ở ngõ 8, đường Phai Vệ, phường Vĩnh Trại. Anh chị lấy nhau từ năm 1998, cuộc sống chật vật, khó khăn. Mọi gánh nặng gia đình đều dồn lên đôi vai gầy của chị Hiền. Từ gánh hàng bán bún phở rong ngoài đường cộng với số tiền trợ cấp hằng tháng của Nhà nước dành cho người khuyết tật và những suất quà tặng của các tổ chức, nhà hảo tâm nhằm động viên, khuyến khích; sau hơn 10 năm tích góp, chị đã mở hàng bán bánh cuốn, bánh tráng tại nhà. Tuy khiếm thị nhưng với nghị lực phi thường vươn lên trong cuộc sống, vợ chồng chị Hiền đã nuôi dạy các con nên người. Con trai cả của chị học xong phổ thông đã đi làm có thu nhập phụ giúp bố mẹ. Còn con gái út đang học lớp 9, luôn đạt học sinh giỏi.
Trên đây chỉ là một số ít trường hợp khiếm thị trên địa bàn toàn tỉnh được các tổ chức, nhà hảo tâm hỗ trợ, sẻ chia cộng với nghị lực phi thường vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên hiện nay, toàn tỉnh có trên 1.000 người khiếm thị, đa số họ đều sống ở các xã vùng sâu, vùng xa, do đó, việc tiếp cận thông tin, đào tạo nghề hay tìm kiếm việc làm phù hợp còn hạn chế. Chính vì vậy, người khiếm thị chưa có việc làm vẫn còn chiếm tỷ lệ cao.
Đơn cử như trường hợp hai mẹ con bà Hoàng Thị Thoát, thôn Nà Mần, xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng bị khiếm thị. Mọi chi phí sinh hoạt hằng ngày đều dựa vào số tiền trợ cấp ít ỏi hằng tháng. Em Hoàng Thị Mến (sinh năm 1991 – con bà Thoát) cho biết: Em bị khiếm thị 8/10, nhìn gần vẫn thấy mờ mờ, có sức khỏe nên em muốn tìm công việc làm tại nhà để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, tìm việc rất gian nan, bởi nhà ở cách xa trung tâm xã, thị trấn. Em rất mong có tổ chức hoặc địa chỉ nào tin cậy có thể nhận những trường hợp như em để đào tạo việc làm, có nghề nghiệp có thu nhập ổn định.
Bà Lương Thị Mỹ An, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh, cho biết: Công tác vận động nguồn lực của hội cũng như phối hợp đào tạo nghề cho người khiến thị còn gặp nhiều khó khăn. Do vậy cơ hội được học nghề và tìm được việc làm phù hợp đối với người khiếm thị còn hạn chế.
Để tiếp thêm nghị lực, động viên người khiếm thị vượt lên hoàn cảnh, rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành và chung tay giúp đỡ của toàn xã hội nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các đối tượng này được đào tạo nghề và tìm kiếm việc làm phù hợp, vượt qua khó khăn, vươn lên hòa nhập cuộc sống.
ĐĂNG THÙY
Ý kiến ()