Cần sự quan tâm từ gia đình, trường học
LSO-Vị thành niên là lứa tuổi có những thay đổi về tâm lý. Để các em vượt qua trạng thái tâm lý tiêu cực trong giai đoạn này, tránh những sự việc đau lòng xảy ra cần có sự quan tâm, sẻ chia, định hướng đúng từ gia đình, nhà trường trong công tác giáo dục kỹ năng sống.
Đồng diễn Thanh niên khỏe của Trường THPT Na Dương, huyện Lộc Bình |
Thầy cô và học sinh Trường THPT chuyên Chu Văn An vẫn chưa hết bàng hoàng trước sự ra đi đột ngột của M.Q.T, lớp 12A2. Trong tháng 2/2017, em đã gieo mình xuống sông Kỳ Cùng tự vẫn. Tìm hiểu nguyên nhân, chúng tôi được biết: Những lời nhắc nhở của người thân trong gia đình khiến em hiểu nhầm, cảm thấy căng thẳng, áp lực, từ đó dẫn đến hành vi tự tước đi mạng sống của mình.
Cô giáo Lê Thị Mạnh Khương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Chu Văn An cho biết: T là học sinh ngoan, tích cực học tập, hòa nhã với bạn bè. Giáo viên chủ nhiệm cũng như các bạn trong lớp không phát hiện những biểu hiện bất thường trong thái độ ứng xử, hay lời nói hằng ngày. Ngay khi sự việc đáng tiếc xảy ra, Ban Giám hiệu đã tổ chức tuyên truyền, định hướng, giáo dục tư tưởng cho học sinh toàn trường. Trong đó, chú trọng phân tích những nguyên nhân khiến học sinh căng thẳng và cách giải tỏa, vượt qua tâm lý tiêu cực để tiếp tục vui sống, tích cực học tập, rèn luyện.
Thời gian qua, hầu như năm nào trên địa bàn tỉnh cũng có các vụ trẻ vị thành niên tự tử. Trong đó, nguyên nhân được xác định như: không đạt được thành tích mong muốn trong học tập (điểm kém, thi trượt); bị mất danh dự, bị sỉ nhục ở nơi đông người; bị người thân xúc phạm, vu oan, hiểu lầm; áp lực do gia đình, nhà trường kỳ vọng ở các em quá cao; những xung đột không thể giải quyết trong gia đình: cha mẹ cãi vã, ly hôn, phá sản, anh em hiềm khích… Hoặc các em bị ngăn cấm trong tình yêu, tình bạn; bị người thân ruồng bỏ, phải chịu những đợt khủng hoảng kéo dài, có cảm giác cô đơn, không có người chia sẻ, tâm sự; mặc cảm tội lỗi, sụp đổ thần tượng… Nhiều em tự tử chưa hẳn do bế tắc, không tìm thấy được ý nghĩa trong cuộc sống mà còn là một cách để trả thù, không dám đương đầu với những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Chị Đinh Bích Hợp, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn, có con là học sinh lớp 10 cho biết: Trước những vụ học sinh tự tử thời gian qua, các bậc phụ huynh cần phải nghiêm túc suy nghĩ cách giáo dục kỹ năng sống cho trẻ cũng như hành vi, thái độ ứng xử của bản thân với các em. Phải nói rằng có những lúc phụ huynh vội vàng trách mắng, dạy dỗ các em mà chưa tìm hiểu tại sao cháu lại như thế. Điều đó vô tình khiến các cháu bị tổn thương, có tâm sự mà không dám nói.
Chị Vy Thị Chuyên, bác sỹ tư vấn tâm lý và chăm sóc sức khỏe sinh sản (Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản) cho biết: Cuộc sống càng phát triển thì con người càng thường xuyên phải đối mặt với căng thẳng về tâm lý. Vấn đề này hiện nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Thực tế trong suốt 2 năm qua, hầu như chưa khách hàng nào yêu cầu chúng tôi tư vấn về tâm lý, nhất là với lứa tuổi vị thành niên. Đối với lứa tuổi vị thành niên, nếu được gia đình, nhà trường quan tâm động viên chia sẻ thì mọi vấn đề đều có thể giải quyết nhanh chóng. Sau khi có người tâm sự, định hướng đúng, các em sẽ lấy lại được thăng bằng. Vì vậy, để các em vượt qua được tâm lý căng thẳng, tiêu cực thì cần thiết phải có sự đồng hành của gia đình, nhà trường. Trong đó, quan trọng hơn cả là các thành viên trong gia đình phải quan tâm, gần gũi, thường xuyên tâm sự để biết được nguyên nhân khiến trẻ căng thẳng, từ đó giúp các em vượt qua bế tắc. Các trường học cần vào cuộc tuyên truyền, bồi dưỡng lý tưởng, đạo đức để các em thấy được những giá trị tốt đẹp của cuộc sống.
Thực tế, thời gian qua, công tác giáo dục kỹ năng sống nói chung, công tác tư vấn tâm lý nói riêng ít được các cấp, ngành liên quan quan tâm đúng mức. Việc tuyên truyền giáo dục vẫn còn dừng lại ở những kiến thức chung chung hoặc chỉ thiên về cách chăm sóc giáo dục thể chất. Chính vì vậy, để giúp trẻ vị thành niên có tâm lý vững vàng, biết vượt qua khó khăn, thử thách trong cuộc sống thì cần hơn nữa sự chung tay từ gia đình, nhà trường và xã hội.
THỤC QUYÊN
Ý kiến ()