Cần sự quan tâm hơn của các cấp ủy, tổ chức đảng
LSO-Thực hiện Chỉ thị số 14, ngày 31/8/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ và lịch sử truyền thống giai đoạn 2011 – 2015; qua hơn 5 năm triển khai thực hiện, các cấp ủy, tổ chức đảng đã quan tâm triển khai thực hiện và đạt kết quả khả quan, góp phần tổng kết thực tiễn, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên cũng còn những hạn chế cần khắc phục.
![]() |
Cán bộ Ban Tuyên giáo Huyện ủy Chi Lăng nghiên cứu, biên soạn tài liệu lịch sử đảng bộ |
Đồng chí Bế Thị Thanh Huyền, Phó Trưởng phòng Lý luận chính trị và Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết: Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 14, toàn tỉnh xuất bản được 83 cuốn sách lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống. Có 5 huyện, thành phố xuất bản lịch sử đảng bộ thời kỳ 1986 – 2005, 1986 – 2010; các ngành trong tỉnh xuất bản 41 cuốn sách lịch sử truyền thống đến năm 2010 và 2015. Các huyện, thành phố nghiên cứu, biên soạn được 35 cuốn sách lịch sử đảng bộ xã, phường, thị trấn. Tiêu biểu như: huyện Hữu Lũng nghiên cứu, biên soạn 12 cuốn; huyện Văn Quan 7 cuốn; huyện Bắc Sơn 4 cuốn; thành phố Lạng Sơn 4 cuốn.
Theo đánh giá, về cơ bản, công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản, tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống của các sở, ban, ngành, mặt trận tổ quốc và đoàn thể chính trị – xã hội tỉnh được tiến hành theo tinh thần Chỉ thị 14. Có 12 ngành, đoàn thể chính trị – xã hội và lực lượng vũ trang nghiên cứu, biên soạn xong lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống phân kỳ đến năm 2005, 2015. Có 5 huyện, thành phố hoàn thành chỉ tiêu biên soạn xong từ 3 – 5 cuốn lịch sử đảng bộ xã, phường, thị trấn có những sự kiện lịch sử tiêu biểu gắn liền với lịch sử xây dựng và phát triển của Đảng bộ tỉnh.
Chất lượng các ấn phẩm lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống nhìn chung được nâng cao. Trước khi xuất bản, bản thảo các cuốn lịch sử đều được thông qua tổ chức toạ đàm, hội thảo góp ý kiến, thẩm định, đánh giá khách quan, có sự chỉ đạo và kết luận của thường trực cấp uỷ đảng. Nội dung bản thảo đảm bảo tính đảng, tính khoa học, kết cấu hợp lý, rút ra những bài học kinh nghiệm, góp phần quan trọng vào việc tổng kết thực tiễn, giáo dục truyền thống cách mạng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác nghiên cứu lịch sử Đảng của tỉnh còn một số hạn chế như: đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn chuyên trách công tác nghiên cứu lịch sử ở các cấp, sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị – xã hội còn thiếu. Có 6 huyện, thành phố chưa bố trí được cán bộ có chuyên môn chuyên ngành lịch sử… Nguyên nhân là do trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và nhận thức về tầm quan trọng đối với công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống ở một số cấp ủy đảng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị còn hạn chế, thiếu đồng bộ; chưa thường xuyên, liên tục trong việc triển khai quán triệt, thực hiện Chỉ thị số 14. Một số sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị – xã hội huyện, thành phố chưa quan tâm đúng mức việc cấp kinh phí, bố trí cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ làm công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống, nên ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn…
Đồng chí Nông Văn Thảm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết: Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở trong việc tổ chức triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 14 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Phấn đấu đến năm 2020, các sở, ban, ngành, mặt trận tổ quốc, đoàn thể chính trị – xã hội tỉnh, lực lượng vũ trang và huyện, thành phố nghiên cứu, biên soạn xong lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống thời kỳ đổi mới; các huyện, thành phố cơ bản nghiên cứu, biên soạn xong lịch sử đảng bộ xã, phường, thị trấn với những sự kiện lịch sử tiêu biểu gắn liền với quá trình xây dựng và phát triển của Đảng bộ tỉnh.
PHÙNG KHIÊM
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()