Cần sự quan tâm đồng bộ
LSO-Trong những năm gần đây, hoạt động xúc tiến thương mại luôn được các cấp, ngành của tỉnh quan tâm, nhiều chương trình xúc tiến thương mại được tổ chức. Tuy nhiên, hiệu quả mà các chương trình mang lại vẫn còn nhiều hạn chế.
Lãnh đạo tỉnh tham quan gian hàng của doanh nghiệp Lạng Sơn tại Hội chợ Thương mại Lạng Sơn năm 2014 |
Có thể khẳng định, xúc tiến thương mại là một hoạt động không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường, nhất là trong thời kỳ nước ta đang hội nhập với kinh tế thế giới. Riêng với tỉnh Lạng Sơn, xúc tiến thương mại có vai trò rất quan trọng, bởi hoạt động sản xuất và kinh doanh hàng hóa còn nhỏ lẻ, cần có sự quảng bá, giới thiệu mạnh mẽ để mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Nhưng trong thời gian qua, hiệu quả của xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh còn mờ nhạt, dẫn đến nhiều sản phẩm hàng hóa đặc trưng của tỉnh có giá trị kinh tế cao chưa tạo được thương hiệu mạnh và có kênh tiêu thụ lớn trên thị trường trong và ngoài nước. Đơn cử như hoa hồi và các sản phẩm chế biến từ hồi là đặc sản của tỉnh. Với diện tích hơn 32.000ha rừng hồi, sản lượng hàng năm rất lớn, nhưng hiện nay việc kinh doanh hoa hồi chủ yếu là do các tiểu thương thu gom mùa vụ, thị trường xuất nhập khẩu không ổn định và đặc biệt là nhiều khi bị các tư thương nước ngoài ép giá. Cũng tương tự như hoa hồi, cây thạch đen là một sản phẩm có giá trị kinh tế cao, nhưng thời gian qua, giá cả xuất khẩu gần như phụ thuộc hoàn toàn vào các tư thương Trung Quốc, gây tâm lý không yên tâm của bà còn nông dân khi bắt đầu mùa vụ. Bên cạnh sự mờ nhạt thì các chương trình xúc tiến được tổ chức rời rạc, chưa có sự gắn kết hài hòa giữa nội dung, nên nhiều hoạt động đã không đạt được kết quả như mong muốn. Đơn cử như chương trình xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ khôi phục, gìn giữ nghề dệt vải thổ cẩm truyền thống của bà con người dân tộc Nùng xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc năm 2009. Khi thực hiện, Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh cũng tổ chức các chương trình đào tạo nghề, hỗ trợ máy khâu, tuyên truyền về giá trị văn hóa và kinh tế của nghề dệt truyền thống nhưng chỉ sau một thời gian ngắn chương trình đã bị quên lãng. Đến nay, nghề dệt vải thổ cẩm của người dân Hòa Cư gần như đã biến mất…
Xảy ra thực trạng như trên do nhiều nguyên nhân. Ông Từ Như Hiển, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Kế hoạch – Nghiệp vụ, Trung tâm Xúc tiến thương mại, Sở Công thương cho biết: hầu hết đội ngũ cán bộ Trung tâm Xúc tiến thương mại hiện nay đều chưa được tạo một cách bài bản và chuyên nghiệp về công tác xúc tiến thương mại, chưa một trường đại học nào trên cả nước có chuyên ngành đào tạo về xúc tiến thương mại. Do vậy, đội ngũ cán bộ của Trung tâm từ trước đến nay mới chỉ vừa làm vừa học hỏi, tự rút ra kinh nghiệm. Chính vì thế nên ngay từ khi xây dựng chương trình, kế hoạch xúc tiến thương mại hàng năm không mang tính chuyên nghiệp và bám sát nhu cầu thực tế của địa phương. Bên cạnh đó là nguồn kinh phí hỗ trợ cho hoạt động xúc tiến thương mại còn rất hạn chế. Như năm 2014, Trung tâm chỉ được hỗ trợ kinh phí là 800 triệu đồng để thực hiện gần 10 chương trình. Trong khi đó, để tổ chức một chương trình xúc tiến thương mại tầm cỡ cấp tỉnh trở lên là rất tốn kém, có chương trình lên đến hàng tỷ đồng.
Bên cạnh các vấn đề trên, bản thân các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế trên địa bàn tỉnh rất thờ ơ với việc đầu tư xúc tiến thương mại. Theo ông Đoàn Bá Nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, hầu hết các chủ doanh nghiệp chưa nhất thức đầy đủ tầm quan trọng và quan tâm đến việc đầu tư xúc tiến thương mại trong thời buổi kinh tế thị trường như hiện nay nên ngại bỏ vốn đầu tư. Đơn cử như khi tỉnh tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại lớn tầm cỡ quốc tế như Hội chợ Thương mại Việt – Trung vào cuối năm 2013, đó là một cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, tìm hiểu khách hàng và mở rộng thị trường. Thế nhưng số lượng doanh nghiệp trong tham gia chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ban chấp hành Hiệp hội có nhận được công văn của Trung tâm Xúc tiến thương mại là để khích lệ doanh nghiệp tham gia, Ban tổ chức hội chợ sẽ miễn phí tiền thuê gian hàng cho các doanh nghiệp chủ động đăng ký sớm và Hiệp hội đã vận động các hội viên nhưng cũng chỉ được vài doanh nghiệp tham gia.
Ông Nguyễn Quốc Hải, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: trong thời gian tới, Sở tập trung nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ quản lý cũng như các tổ chức xúc tiến thương mại. Đồng thời tăng cường tiếp cận với cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp còn hạn chế về nguồn lực tài chính và trình độ của nhân viên phát triển thị trường để phân tích, tư vấn cho doanh nghiệp trong việc lựa chọn phương hướng kinh doanh, đối tác, mặt hàng, xu hướng tiêu dùng phù hợp tại địa bàn. Cùng với đó, Sở cũng đang nghiên cứu để đưa ra mức hỗ trợ kinh phí hợp lý đối với các chương trình xúc tiến thương mại tới đây, đảm bảo hài hòa, vừa ổn định được nguồn tài chính vừa đáp ứng được một phần chi phí cơ bản cho sự kiện và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tham gia.
Khách hàng tham quan, mua bán tại hội chợ TMQT Việt – Trung năm 2013 |
Hy vọng rằng, sự quan tâm đồng bộ của các ban, ngành cũng như chính quyền các cấp trong việc nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ xúc tiến thương mại sẽ từng bước đưa hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại lên một tầm cao mới, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Qua đó, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội chung của tỉnh.
ANH DŨNG
Ý kiến ()