Cần sự quan tâm của cộng đồng
LSO-Rối nhiễu tâm trí là tình trạng chung biểu hiện lệch lạc về sức khỏe tâm trí trong một thời gian đủ dài không thể trở về trạng thái bình thường. Người được phát hiện sớm về rối nhiễu tâm trí, điều trị kịp thời có thể trở về sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, việc chăm sóc, tư vấn, điều trị cho người rối nhiễu tâm trí ở Lạng Sơn vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Bác sĩ Lê Bích Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống bệnh xã hội tỉnh tư vấn cho người nhà bệnh nhân bị rối nhiễu tâm trí |
Người bị rối nhiễu tâm trí không phải là do bẩm sinh mà chủ yếu do nguyên nhân xã hội như mệt mỏi, lo âu, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, gia đình có người chết, chia ly, bị ảo giác do dùng chất kích thích… trong một thời gian dài khiến người bệnh không thể tự điều chỉnh trở lại cân bằng theo cơ chế tự điều chỉnh của cơ thể. Dần dần rối nhiễu nặng dẫn đến các tổn thương khó có thể phục hồi. Chính vì vậy, nếu can thiệp sớm, đúng cách, có thể giúp đa số người bệnh trở lại hòa nhập với cuộc sống. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐTB&XH tỉnh, toàn tỉnh hiện có khoảng 2.000 đối tượng bị rối nhiễu tâm trí, trong đó đối tượng bị rối nhiễu nặng, có hồ sơ quản lý tại địa phương và thường xuyên được cấp thuốc là khoảng 800 người (tăng 200 người so với năm 2013). Tất cả 226 xã phường đều có bệnh nhân bị rối nhiễu tâm trí có hồ sơ quản lý. Các bệnh nhân này đa phần thuộc các hộ gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, cuộc sống hiện đại làm tăng áp lực cho các cá nhân, gia đình, cộng với những vấn đề xã hội khác khiến gia tăng tình trạng bệnh nhân mắc các chứng tâm thần. Rối nhiễu tâm trí ở trẻ em có những biểu hiện bất thường ngay từ những năm đầu đời như quấy khóc thường xuyên, biếng ăn, bám mẹ, chậm nói… Ở lứa tuổi học đường, rối nhiễu tâm trí là nguyên nhân chính làm sút giảm chất lượng đào tạo, tăng tỉ lệ bỏ học, bạo lực học đường và là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng tự tử trong học sinh… Đây là một vấn đề lớn gây khó khăn cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Bởi vậy, phòng, chống rối nhiễu tâm trí rất cần thiết. Ông Nguyễn Xuân Đài, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐTB&XH cho biết: Sở chủ động tuyên truyền với phương châm giúp cho cộng đồng hiểu rõ hơn nguyên nhân người rối nhiễu tâm trí không phải do bẩm sinh mà là do các yếu tố xã hội tác động, để tránh sự phân biệt, kỳ thị của cộng đồng, giúp bệnh nhân nhanh chóng trở về đời sống hằng ngày. Tuy nhiên, hiện nay người bị rối nhiễu tâm trí rất khó phân biệt giàu nghèo, thành thị hay nông thôn. Trong khi đội ngũ làm công tác xã hội ở Lạng Sơn mới áp dụng từ năm 2012, chưa đủ kỹ năng, kinh nghiệm; nhận thức của người dân chưa đúng về người bị rối nhiễu tâm trí. Thêm vào đó nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động chăm sóc chưa nhiều nên việc điều trị tập trung cho người bệnh khó khăn hơn. Vì vậy việc chăm sóc vẫn chủ yếu dựa vào cộng đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2014, Sở đã phối hợp với Sở Y tế mở được 2 lớp tập huấn kỹ năng chăm sóc người bị rối nhiễu tâm trí cho 100 người tham gia là gia đình có người bị rối nhiễu tâm trí, cán bộ quản lý cấp xã, cán bộ Trạm y tế xã ở huyện Cao Lộc và huyện Văn Quan. Qua lớp tập huấn, người tham gia có thêm kiến thức chăm sóc sức khỏe tâm thần như: tìm hiểu thêm nguyên nhân dẫn đến rối nhiễu tâm trí để có liệu pháp điều trị, giáo dục, chế độ dinh dưỡng, các bài tập hòa nhập cộng đồng…
Tìm hiểu thêm về thực trạng chăm sóc sức khỏe người bị rối nhiễu tâm trí ở Trung tâm Phòng, Chống bệnh xã hội tỉnh, bác sĩ Lê Bích Thủy, Phó Giám đốc trung tâm cho biết, từ đầu năm 2014 đến hết tháng 8/2014, toàn tỉnh có trên 1.300 lượt bệnh nhân đến khám và được tư vấn và cấp thuốc liên quan đến sức khỏe tâm thần. Đa số những người đến khám là người mới mắc bệnh. Đối với những bệnh nhân đến thăm khám, trường hợp cần phải có sự can thiệp của chuyên môn để tránh rối nhiễu nặng dần, Trung tâm lập hồ sơ quản lý, tư vấn người nhà bệnh nhân cách chăm sóc, cho bệnh nhân uống thuốc để duy trì trạng thái ổn định cho người bệnh. Đa số người bệnh bị rối nhiễu tâm trí do nguyên nhân nội sinh nên không tìm được căn nguyên của bệnh. Vì thế rất khó khăn trong công tác điều trị, buộc phải điều trị lâu dài nên trong các phương pháp điều trị, chăm sóc tâm lý tại gia đình là quan trọng nhất. Người nhà cảm thông, động viên, giúp bệnh nhân dần phục hồi chức năng lao động kết hợp với điều trị bằng chuyên môn sẽ giúp cho người bệnh nhanh chóng phục hồi.
Thực tế cho thấy, khó có thể kiểm soát được hành vi của người bị rối nhiễu tâm trí nếu không có sự quan tâm thường xuyên của gia đình và cộng đồng. Vì thế, bên cạnh những chính sách ưu tiên đối với đối tượng này (tư vấn, cấp phát thuốc miễn phí…), người thân của người bệnh và cộng đồng cần có cái nhìn đúng đắn về bệnh lý. Có như vậy mới giúp người bệnh sớm hòa nhập cộng đồng, góp phần cải thiện công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển kinh tế – xã hội nói chung.
THANH HÒA
Ý kiến ()