Cần sự phối hợp chặt chẽ trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em
Ngày 11/12, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) đã tổ chức Hội nghị Hướng dẫn triển khai thực hiện Quyết định số 55a/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chính sách hỗ trợ phẫu thuật tim cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh và Quyết định 2158/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em 2013 - 2015.
Ngày 11/12, Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) đã tổ chức Hội nghị Hướng dẫn triển khai thực hiện Quyết định số 55a/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chính sách hỗ trợ phẫu thuật tim cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh và Quyết định 2158/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em 2013 – 2015.
Hội nghị thu hút sự tham gia của nhiều đại biểu đến từ các Bộ, ngành |
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và toàn xã hội hết sức quan tâm. Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đã giảm, hơn 80% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc. Nhiều ngôi nhà an toàn phòng chống tai nạn thương tích trẻ em được xây dựng.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh, tai nạn thương tích vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em và để lại hậu quả nặng nề, là gánh nặng cho các gia đình cũng như xã hội. Tỷ suất tử vong do đuối nước ở trẻ em Việt Nam cao nhất trong khu vực, cao gấp 10 lần các nước phát triển. Bên cạnh đó, vẫn còn khoảng 17.000 trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh, mỗi năm ước tính khoảng gần 1.000 trẻ ra đời bị bệnh tim bẩm sinh, trong đó hơn 50% số trẻ thuộc các hộ gia đình nghèo, cận nghèo.
Nhằm đảm bảo quyền được bảo vệ, quyền sống còn của trẻ, đảm bảo trẻ có môi trường an toàn không bị tai nạn thương tích và trẻ bị bệnh tim bẩm sinh con hộ gia đình nghèo, cận nghèo, trẻ trong diện trợ cấp xã hội được hỗ trợ phẫu thuật tim kịp thời, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chính sách hỗ trợ phẫu thuật tim cho trẻ em” và “Chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em 2013 – 2015”.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho hay, chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em 2013 – 2015 được xây dựng với cách tiếp cận mang tính toàn diện, đa ngành, đã được triển khai thành công tại các nước phát triển trên thế giới. Các mục tiêu của chương trình nhằm hướng tới năm 2015 sẽ giảm tỷ lệ trẻ em bị tai nạn thương tích và tử vong do tai nạn thương tích, đặc biệt là tử vong do đuối nước; xây dựng môi trường an toàn tại gia đình, cộng đồng, trường học, bến tàu thuyền, khu vực chơi dưới nước và phát triển các kỹ năng an toàn dưới nước cho trẻ em, tăng số trẻ em tiểu học, trung học cơ sở biết bơi. Các hoạt động chủ yếu và giải pháp tập trung vào việc xây dựng văn bản luật pháp, chính sách, hành lang pháp lý cho các hoạt động phòng chống tai nạn thương tích trẻ em; tăng cường công tác truyền thông; xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, xã hội hóa công tác phòng chống tai nạn thương tích trẻ em.
Về chính sách phẫu thuật tim cho trẻ em bị tim bẩm sinh, đảm bảo việc hỗ trợ các chi phí phẫu thuật tim, chi phí ăn, đi lại cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh thuộc các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, trong diện bảo trợ của xã hội.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai công tác phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, việc hỗ trợ phẫu thuật tim cho trẻ em bị bệnh tim bệnh sinh của các địa phương, các tổ chức quốc tế, các đoàn thể và thống nhất các hoạt động chủ yếu cần triển khai để thực hiện chương trình.
Theo ông Lê Mạnh Hùng – Phó Vụ trưởng Vụ công tác Học sinh sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo), những năm qua, ngành Giáo dục đã tích cực tham gia, triển khai các hoạt động trong công tác phòng, chống tai nạn đuối nước. Mới đây, Bộ đã ủy quyền phát triển ý tưởng phát triển thương hiệu xanh, làm việc với các công ty, tổ chức kinh tế, xã hội để tạo nguồn triển khai đề án dạy bơi miễn phí cho trẻ em; dự kiến trong năm 2014, sẽ triển khai tại 5 tỉnh, thành phố.
Tuy nhiên, một trong những khó khăn lớn khi triển khai thực hiện là nhà trường không có bể bơi và địa điểm tổ chức dạy bơi cho trẻ em; các bể bơi của trung tâm văn hóa, thể thao quản lý, bể bơi do tư nhân xây dựng cũng chỉ có rải rác ở các thành phố, thị xã, thị trấn. Thêm vào đó, đội ngũ giáo viên biết dạy bơi còn thiếu, yếu.
Ông Lê Mạnh Hùng cũng cho hay, việc tổ chức dạy bơi theo mô hình dựng lồng bơi tại ao, hồ, sông, suối,… cũng đã được một số địa phương triển khai nhưng hiệu quả không cao. “Nguyên nhân là do nguồn nước ô nhiễm nên các cháu tập bơi thường phát sinh các loại bệnh tật khác. Vì vậy, mà gia đình rất ngại cho con em mình tập theo mô hình này” – ông Lê Mạnh Hùng nói.
Để triển khai có hiệu quả chương trình, ông Lê Mạnh Hùng đề xuất, cần có sự phân công nhiệm vụ cụ thể và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương. Ngành thể dục, thể thao cần quan tâm nhiều hơn, phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục để tổ chức nhiều hơn, rộng hơn các lớp tập huấn, tuyên truyền kỹ năng phòng, chống đuối nước ở trẻ em…
Còn ông Đặng Văn Diên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hưng Yên thừa nhận, kinh phí hạn hẹp và công tác truyền thông giáo dục chưa đủ mạnh.. đang là những khó khăn của tỉnh Hưng Yên trong việc thực hiện và hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.
Ông Đặng Văn Diên đề nghị Bộ LĐ-TB&XH hỗ trợ về kỹ thuật, nguồn lực, tăng cường công tác tập huấn kỹ năng phòng ngừa tai nạn, thương tích trẻ em cho cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp; trang bị tài liệu, ấn phẩm truyền thông rộng rãi tới các địa phương..
Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng cho rằng, để thực hiện các chương trình này có hiệu quả, các ngành cần nắm thực trạng tình hình tại địa phương để xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện phù hợp với thực tế. Đặc biệt, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, đoàn thể, sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước, sự hỗ trợ của cộng đồng, sự quan tâm chỉ đạo và bố trí kinh phí của các ngành, của UBND các tỉnh, thành phố và huy động nguồn lực từ cộng đồng.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()