Cần sự nỗ lực của nhiều phía
Học sinh Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Văn Lãng trong giờ ra chơi |
Những “món nợ” khó trả
Trong 42 trường chưa được công nhận lại, có 9 trường đến thời điểm công nhận lại năm 2014, có 17 trường đến thời điểm công nhận lại năm 2015, có 14 trường đến thời điểm công nhận lại năm 2016 và 2 trường sẽ đến thời điểm công nhận lại vào năm 2017. Những trường này được phân bố tại các huyện, thành phố, ít nhất là Cao Lộc 1 trường, 2 trường do Sở GD&ĐT trực tiếp quản lý là Trường THPT chuyên Chu Văn An và Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh; cao nhất là thành phố Lạng Sơn có 13 trường.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các trường chưa được công nhận lại dù đã quá hạn 10 năm, hay mới đến hạn, nguyên nhân chính đều là do trước đây chưa được đầu tư đầy đủ về cơ sở vật chất (CSVC) theo quy định của trường chuẩn Quốc gia và được “nợ” về tiêu chí này; hoặc hiện quy mô học sinh đã vượt quy định mà chưa được bổ sung thêm hoặc CSVC đã xuống cấp, không đảm bảo tiêu chí quy định.
Được đầu tư năm 2003 và đến năm 2005, Trường Trung học cơ sở DTNT huyện Văn Lãng được công nhận chuẩn Quốc gia mức độ 1 với “món nợ” khu nhà đa năng và các phòng chức năng. Năm 2010 đã đến thời điểm công nhận lại, song sự thiếu thốn về CSVC vẫn chưa được khắc phục nên lại trì hoãn; và đến nay, năm 2015 đã qua, nhà trường vẫn trong tình trạng của 10 năm trước. Cô giáo Nguyễn Hồng Thắng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: cái khó của nhà trường chính là mở rộng khuôn viên và vốn để đầu tư bổ sung các hạng mục. Không chỉ Trường DTNT Văn Lãng, mà các trường như THCS thị trấn Cao Lộc được công nhận tháng 7/2005, trường DTNT huyện Tràng Định được công nhận chuẩn tháng 8/2007 đến nay vẫn chưa đủ điều kiện để được công nhận lại.
Nguyên nhân của sự chậm trễ
Nếu tháng 12/2009, toàn tỉnh có 73 trường học chuẩn Quốc gia, thì đến tháng 4/2016 có 144 trường chuẩn; tức là trong hơn 5 năm, số lượng trường học đạt chuẩn Quốc gia đã bằng cả quãng thời gian 10 năm trước đó. Song một câu hỏi đặt ra là, phải chăng chúng ta “mải” theo số lượng, chạy theo thành tích nên việc đầu tư đồng bộ theo tiêu chí trường chuẩn Quốc gia bị xem nhẹ. Cũng theo xu hướng ấy, những năm sau, do chương trình kiên cố hóa trường lớp học bị cắt, giảm; các nguồn vốn tập trung vào xây mới để có thêm nhiều trường được công nhận nên lãng quên những “món nợ” trước đó. Mặt khác, trong giai đoạn 2011-2015, trong điều kiện sự đầu tư của nhà nước ngày càng thấp dần và bị cắt giảm, toàn tỉnh lại phải tập trung cao độ các nguồn lực để phát triển giáo dục mầm non, xây dựng phòng học, thành lập mới các trường MN tại các xã nên thiếu nguồn lực đầu tư bổ sung cho các nhà trường.
Rất cần sự vào cuộc của cấp huyện
Trong điều kiện hạn hẹp về nguồn lực, các địa phương đã xác định trách nhiệm của mình. Trao đổi với chúng tôi về 5 trường đã quá hạn và đến hạn công nhận lại, đồng chí Lương Quốc Toản, Phó Chủ tịch UBND huyện Tràng Định cho biết: tuy huyện còn rất nghèo song cũng đã xác định những việc cần làm để bổ sung, sửa chữa CSVC cho một số trường. Ví dụ, cấp ủy, chính quyền huyện đã quyết định chi cho Trường Tiểu học Thất Khê 200 triệu đồng để sơn sửa lại các phòng học, làm thêm một số hạng mục như thư viện, thư viện công viên… để có thể nâng cấp lên trường chuẩn mức độ 2.
Huyện Bắc Sơn có 3 trường là Tiểu học 1 Vũ Lễ, mầm non Vũ Lễ và Tiểu học thị trấn Bắc Sơn đã đến thời điểm công nhận lại. Huyện đã rất tích cực như hỗ trợ cho Trường tiểu học Vũ Lễ, Tiểu học thị trấn tiến hành tu sửa mở rộng bếp ăn, các công trình phụ để đủ điều kiện công nhận lại và nâng cấp lên mức độ 2. Mặt khác, một số trường năng động bằng nguồn xã hội hóa như trường mầm non Vũ Lễ đã củng cố một số hạng mục mang tính cấp thiết để được công nhận lại. Đồng chí Lương Tiến Đức, Trưởng phòng GD&ĐT huyện nói rằng: phương châm địa phương và nhân dân cùng làm sẽ tháo gỡ được khó khăn về CSVC cho các nhà trường để được công nhận lại.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: ngành GD&ĐT đang “gặp khó” vì nguồn vốn xây dựng bị cắt giảm. Vì vậy, các địa phương cần phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong kiện toàn, bổ sung CSVC để đủ điều kiện công nhận lại theo quy định về tiêu chuẩn và thời gian.
Ý kiến ()