Cần sử dụng tiết kiệm và lành mạnh
LSO-Hàng năm, cứ vào dịp tết nguyên đán, nhu cầu sử dụng tiền lẻ (tiền mệnh giá nhỏ) lại tăng lên gấp nhiều lần. Tuy nhiên, chỉ một phần lượng tiền này được dùng đúng nghĩa là phương tiện thanh toán, còn lại là sử dụng cho các hoạt động lễ hội, tín ngưỡng.
Điều này đã gây không ít lãng phí cho xã hội, mặt khác còn tạo nên những hình ảnh phản cảm. Chính vì vậy, năm 2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hạn chế phát hành tiền mới mệnh giá nhỏ ra thị trường trong dịp tết nguyên đán.
Trên thực tế, đồng tiền mệnh giá nhỏ 2 nghìn đồng, 1 nghìn đồng và 500 đồng được người dân sử dụng rất nhiều trong các hoạt động lễ hội, tín ngưỡng. Vào những ngày rằm, mùng một, nhất là tết nguyên đán, tại các khu di tích, đền chùa, lễ hội, tiền lẻ sử dụng chưa phù hợp. Chính điều này đã tạo nên hình ảnh phản cảm, ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan, sự tôn nghiêm tại các di tích, đền chùa linh thiêng; làm sai lệch giá trị bản sắc văn hóa trong đời sống tín ngưỡng, làm xấu đi hình ảnh đồng tiền Việt Nam.
Hoạt động kiểm đếm tiền lẻ tại Ngân hàng Đầu tư và phát triển |
Bà Hoàng Thị Hợp, thành viên Ban quản lý Đền Cửa Tây, phường Chi Lăng cho biết: “Người dân đến lễ ai cũng có tâm lý là đặt tiền ở hết các ban thờ để cầu nhiều may, nhiều lộc, thể hiện lòng thành tâm. Tuy nhiên, chúng tôi thấy điều đó không cần thiết, rất mất mỹ quan. Đền gồm có 17 ban thờ, thì người đến lễ chỉ cần đặt tiền ở 2 ban chính là đủ và thay vì rải tiền lẻ ở khắp các ban, người đến lễ nên ghi công đức tùy tâm… Có như vậy mới góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa tín ngưỡng”. Bên cạnh đó, từ nhu cầu sử dụng tiền lẻ tăng cao vào dịp tết nguyên đán còn sinh ra loại hình dịch vụ đổi tiền hưởng chênh lệnh nhằm trục lợi cá nhân.
Qua nhiều phản ánh của người dân hàng năm, dịch vụ đổi tiền lẻ này thường đổi 10 lấy 8 hoặc 9 tùy theo mệnh giá 500 đồng hay 2 nghìn đồng. Mặc dù giá khá đắt nhưng cả năm chỉ có một dịp tết nguyên đán, nên thường người dân cũng không phàn nàn… Việc dùng tiền lẻ không phù hợp như vậy không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan các chốn linh thiêng, tạo cơ hội cho một số cá nhân kinh doanh trục lợi mà còn ảnh hưởng đến việc lưu thông tiền lẻ. Bởi sau các ngày lễ, ngày tết, số tiền mệnh giá nhỏ này quay trở về ngân hàng, rất khó đưa trở lại lưu thông mặc dù còn lành lặn và khá mới. Chức năng của đồng tiền là phương tiện lưu thông, nhưng khi nó khó trở lại lưu thông đã gây lãng phí rất lớn, vì chi phí để in ra một đồng tiền mệnh giá nhỏ thường cao hơn so với mệnh giá của chính đồng tiền đó. Ngoài ra, công tác kiểm đếm, phân loại, vận chuyển, bảo quản loại tiền này cũng rất tốn kém, phải huy động nhiều nhân lực.
Bà Trương Thu Hòa, Trưởng phòng Nghiên cứu tổng hợp và kiểm soát nội bộ, Ngân hàng nhà nước tỉnh cho biết: Mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là cung ứng, điều hòa đủ tiền mặt về số lượng, cơ cấu, mệnh giá (không phân biệt tiền mới, tiền cũ) cho nền kinh tế. Hiện nay, theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước, số lượng tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông mệnh giá nhỏ từ 2 nghìn đồng trở xuống còn rất lớn, đáp ứng nhu cầu lưu thông, phục vụ tốt việc thanh toán của người dân. Ngân hàng Nhà nước đảm bảo cung ứng đầy đủ nhu cầu số lượng tiền mệnh giá nhỏ cho các tổ chức tín dụng, Kho bạc để chi cho các tổ chức, cá nhân.
Do vậy, năm 2014, Ngân hàng nhà nước đã hạn chế không in thêm loại tiền có mệnh giá từ 2 nghìn đồng trở xuống để tiết kiệm chi phí xã hội và hạn chế những tiêu cực trong việc sử dụng tiền mệnh giá nhỏ. Thực hiện chủ trương đó, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã có công văn gửi các ngân hàng, tăng cường thông tin, tuyên truyền để người dân sử dụng đồng tiền một cách hợp lý, đúng chức năng. Đồng thời, chi nhánh phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra và xử lý các cá nhân, tổ chức kinh doanh đổi tiền mệnh giá nhỏ hưởng chênh lệch trong hoạt động lễ hội, tín ngưỡng. Qua đó góp phần bảo vệ hình ảnh đồng tiền Việt Nam, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đón tết nguyên đán lành mạnh và tiết kiệm.
LÂM GIANG
Ý kiến ()