Cần sự đột phá phát triển khoa học - công nghệ trong ngành than
Lò chợ cơ giới hóa đồng bộ bằng máy khấu com-bai và dàn tự hành Vinaalta áp dụng tại Công ty than Nam Mẫu. Trong những năm qua, sản lượng than khai thác của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) tăng trưởng với tốc độ cao, bình quân hơn 12%/năm (từ 27,5 triệu tấn năm 2004 lên 47,5 triệu tấn năm 2010). Những thành tựu đạt được là kết quả của quá trình triển khai áp dụng các giải pháp công nghệ, nhằm từng bước nâng cao mức độ cơ giới hóa các khâu trong quá trình sản xuất.Theo kế hoạch phát triển của Vinacomin, sản lượng khai thác giai đoạn 2011 - 2015 sẽ tăng nhanh, trung bình 6,4%/năm, đạt tổng sản lượng khai thác hơn 60 triệu tấn than vào năm 2015. Để đạt được mục tiêu trên, nhất thiết cần đổi mới công nghệ khai thác theo hướng áp dụng cơ giới hóa các khâu sản xuất, đáp ứng các tiêu chí cơ bản của mỏ hiện đại; lựa chọn các giải pháp kỹ thuật và công nghệ phù hợp, tạo cơ sở định hướng phát triển công nghệ cơ giới hóa...
|
Theo kế hoạch phát triển của Vinacomin, sản lượng khai thác giai đoạn 2011 – 2015 sẽ tăng nhanh, trung bình 6,4%/năm, đạt tổng sản lượng khai thác hơn 60 triệu tấn than vào năm 2015. Để đạt được mục tiêu trên, nhất thiết cần đổi mới công nghệ khai thác theo hướng áp dụng cơ giới hóa các khâu sản xuất, đáp ứng các tiêu chí cơ bản của mỏ hiện đại; lựa chọn các giải pháp kỹ thuật và công nghệ phù hợp, tạo cơ sở định hướng phát triển công nghệ cơ giới hóa và hiện đại hóa các mỏ than.
Vinacomin đã đề ra chủ trương và định hướng triển khai nhiệm vụ khoa học trọng điểm theo các công đoạn chính của quá trình sản xuất, gồm xây dựng cơ sở dữ liệu địa cơ mỏ phục vụ nhu cầu phát triển cơ giới hóa, hiện đại hóa các mỏ; nâng cao mức độ cơ giới hóa và hiện đại hóa trong quá trình sản xuất tại các mỏ than hầm lò vùng Quảng Ninh, đồng thời lựa chọn các giải pháp kỹ thuật theo hướng hiện đại tại các mỏ lộ thiên, nhằm tăng sản lượng khai thác, năng suất lao động, nâng cao an toàn, giảm tổn thất tài nguyên, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; hoàn thiện dây chuyền công nghệ tuyển, chế biến phù hợp để phát triển bền vững theo hướng hiện đại hóa, tự động hóa, tận thu tài nguyên và giảm ô nhiễm môi trường,…
Các đơn vị thành viên từng bước đổi mới và hiện đại hóa các khâu trong quá trình sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế to lớn, nâng cao mức độ an toàn và năng suất lao động, góp phần nâng cao trình độ công nghệ của ngành công nghiệp khai khoáng trong nước. Để lập kế hoạch triển khai áp dụng các sơ đồ công nghệ cơ giới hóa trong khai thác, các đơn vị đã đánh giá điều kiện địa chất kỹ thuật vỉa than có khả năng áp dụng công nghệ cơ giới hóa khai thác tại một số đơn vị như Mạo Khê, Nam Mẫu, Vàng Danh, Hà Lầm,… Theo đó, trữ lượng tài nguyên than có thể áp dụng công nghệ, kỹ thuật cơ giới hóa khai thác của các khoáng sản than vùng Quảng Ninh khá lớn, là cơ sở quan trọng xây dựng kế hoạch phát triển áp dụng cơ giới hóa, hiện đại hóa sản xuất than hầm lò. Tổng trữ lượng tính ở mức thăm dò âm 300 m có khả năng áp dụng công nghệ cơ giới hóa khai thác đạt hơn 655 triệu tấn, tập trung chủ yếu tại mỏ Hà Lầm, Nam Mẫu, Vàng Danh,… Để huy động thêm tài nguyên than bảo đảm đáp ứng yêu cầu tăng sản lượng, Tập đoàn chỉ đạo xây dựng các mỏ hầm lò mới hiện đại, trong đó bao gồm xây dựng hai mỏ hầm lò có công suất lớn là Khe Chàm II – IV (công suất 3,5 triệu tấn/năm) và Núi Béo (công suất 2 triệu tấn/năm). Tại mỏ Khe Chàm II- IV, khu mỏ được mở bằng hai giếng đứng kết hợp lò xuyên vỉa tầng mức âm 350 m và mức âm 500 m, chiều sâu mỗi giếng 585 m. Khai trường mỏ Núi Béo cũng mở vỉa bằng hai giếng đứng tương tự. Trên cơ sở thành công của chương trình nghiên cứu áp dụng thử nghiệm vì chống thủy lực (cột thủy lực đơn, giá thủy lực di động và giá khung di động), một số sơ đồ công nghệ cơ giới hóa khai thác đã được nghiên cứu triển khai áp dụng tại các điều kiện địa chất, kỹ thuật mỏ khác nhau. Năm 2006, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ (Vinacomin) phối hợp Công ty than Vàng Danh xây dựng dự án áp dụng công nghệ cơ giới hóa khai thác lò chợ hạ trần than nóc tại vỉa 8 – khu Giếng Vàng Danh; đồng bộ thiết bị cơ giới hóa khai thác bao gồm máy khấu than com-bai, dàn chống tự hành Vinaalta, máng cào và đồng bộ thiết bị phụ trợ, trong đó Vinaalta được thiết kế chế tạo tại các đơn vị cơ khí của Tập đoàn. Trên cơ sở kết quả tại Vàng Danh, công nghệ cơ giới hóa khai thác trên đã được mở rộng tại Nam Mẫu với sản lượng khai thác 22.500 tấn/tháng, năng suất lao động từ 9 đến 14,9 tấn/công-ca, trung bình 11,6 tấn/công-ca.
Trong công tác đào chống lò, nhiều giải pháp công nghệ cũng được triển khai áp dụng vào sản xuất như công nghệ chống lò bằng vì neo, neo chất dẻo cốt thép, bê-tông phun, bê-tông cốt liệu nhẹ… Hiện nay, nhiều đơn vị đã áp dụng công nghệ cơ giới hóa đào lò bằng máy com-bai AM-45 và AM-50Z để nâng cao tốc độ đào lò, phục vụ mở rộng diện sản xuất. Các dây chuyền cơ giới hóa đào lò đi vào sản xuất ổn định, cải thiện điều kiện lao động, giảm rủi ro, giảm chấn động do không phải sử dụng thuốc nổ, giảm tác động xấu đến môi trường. Nhằm cải thiện điều kiện làm việc nặng nhọc của công nhân khai thác hầm lò, rút ngắn thời gian di chuyển, hai công ty than Hà Lầm và Nam Mẫu đã đầu tư hệ thống cơ giới hóa vận chuyển người, vật tư, thiết bị trong hầm lò bằng mô-nô ray kết hợp đầu tàu đi-ê-den. Hệ thống này có thể lắp đặt trong các đường lò vận tải bằng băng tải, cơ động linh hoạt, phù hợp điều kiện mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh. Trong thời gian tới, Vinacomin sẽ chủ trương tiếp tục đẩy mạnh triển khai áp dụng công nghệ cơ giới hóa khai thác hầm lò trong các điều kiện địa chất mỏ khác nhau. Trong lĩnh vực khai thác lộ thiên, tiếp tục nghiên cứu lựa chọn đồng bộ thiết bị theo hướng cơ giới hóa, hiện đại hóa phù hợp điều kiện khai thác ngày càng xuống sâu, cung độ vận tải ngày càng xa. Về lĩnh vực tuyển than, từ kinh nghiệm sử dụng các phương pháp tuyển than trên thế giới tại các nước phát triển và nhu cầu sử dụng than, Tập đoàn sẽ xây mới một số nhà máy tuyển; đầu tư các hệ thống tuyển nhỏ để nâng cao chất lượng và tận thu than trong don xô bã sàng và bãi thải.
Vinacomin đã thành công trong việc nâng cao sản lượng, đổi mới và hiện đại hóa ở hầu hết các lĩnh vực như thăm dò địa chất, công nghệ khai thác hầm lò, lộ thiên, tuyển và chế biến than – khoáng sản, tự động hóa và kiểm soát an toàn mỏ. Kinh nghiệm thực tiễn đã chứng minh, phát triển bền vững của ngành than chỉ có thể thực hiện được bằng cách đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ – thuật trong sản xuất theo hướng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa, sản xuất sạch hơn, an toàn hơn, thân thiện với môi trường hơn ở hầu hết các công đoạn trong quá trình sản xuất. Để bảo đảm từng bước CNH, HĐH ngành than – khoáng sản theo chiến lược đã được xác định, cần thiết phải có những bước đột phá mới trong việc nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ, hoàn thiện mô hình quản lý, nhất là sự tác động sâu hơn nữa của các đơn vị tư vấn nghiên cứu đến phát triển sản xuất của doanh nghiệp. Để đạt được mục tiêu đó, cần tăng cường tiềm lực cơ sở vật chất và nguồn nhân lực tri thức cao, thông qua chuyển giao công nghệ hoặc liên doanh các đơn vị sản xuất, đầu tư các phòng thí nghiệm, liên kết các tổ chức nước ngoài để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, tạo hành lang pháp lý và cơ chế về tài chính cho các cơ sở nghiên cứu, tư vấn được hưởng hiệu quả làm lợi từ các công trình, đề tài nghiên cứu, tái đầu tư cho khoa học công nghệ.
Theo Nhandan
Ý kiến ()