Cần sự đồng hành của các ngân hàng
LSO-Cả năm 2016 và 3 tháng đầu năm 2017, các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã cho 85 doanh nghiệp vay vốn thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách tỉnh, tổng số vốn cho vay là 471 tỷ đồng. Tuy nhiên, số vốn được vay vẫn quá ít so với tổng mức các dự án đầu tư.
Dự án cầu Kỳ Cùng đang được triển khai thi công |
Ngày 9/12/2016, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 23 về kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (2016 – 2020). Theo nghị quyết, các dự án đầu tư công trung hạn 5 năm (2016 – 2020) thuộc nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương phải thực hiện là 321 dự án, với tổng vốn cân đối là gần 5.300 tỷ đồng. Để đối ứng vốn thực hiện các dự án, thời gian qua, UBND tỉnh đã vay tín dụng ưu đãi 400 tỷ đồng và tạm ứng Kho bạc Nhà nước 200 tỷ đồng. Nhưng hiện các doanh nghiệp thực hiện các dự án từ nguồn ngân sách địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn về vốn, đặc biệt là các dự án trọng điểm của tỉnh. Để tháo gỡ khó khăn, UBND tỉnh chủ trương hướng đến việc xây dựng chính sách chính quyền bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn tại các ngân hàng thương mại để thực hiện các dự án đầu tư phát triển của tỉnh.
Theo báo cáo của Sở Tài chính, trên địa bàn hiện có 11 ngân hàng thương mại đang hoạt động, nhưng mới chỉ có 1 ngân hàng đồng ý với chính sách chính quyền tham gia bảo lãnh cho doanh nghiệp đầu tư các dự án mà tỉnh muốn đẩy nhanh tiến độ. Hầu hết các ngân hàng đưa ra lý do là vẫn phải có tài sản đảm bảo. Ông Lê Hồng Tâm, Giám đốc Vietcombank chi nhánh Lạng Sơn cho biết: Hiện nay, ngân hàng thương mại mới chỉ cho vay bảo lãnh đối với các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách trung ương, còn địa phương thì chưa có quy định này. Ngoài ra, hiện nhiều doanh nghiệp thực hiện các dự án nhưng năng lực quản trị điều hành và cả tài chính kém, điều này dẫn đến rủi ro cho vay cao, vì vậy ngân hàng chỉ cho vay dựa trên bảo lãnh của chính quyền trong trường hợp doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện cấp tín dụng của Vietcombank và có tài sản đảm bảo phù hợp.
Ngoài Vietcombank, các ngân hàng thương mại khác đều cho rằng, các doanh nghiệp thực hiện dự án với tổng mức đầu tư lớn nhiều khi không đánh giá hết được nguồn lực tài chính của mình, do vậy việc doanh nghiệp lợi dụng vào cơ chế, chính sách cam kết bảo lãnh của chính quyền để tận dụng tối đa nguồn vốn vay là có thể diễn ra. Vì vậy, các ngân hàng vẫn sẽ cần tài sản đảm bảo.
Đồng chí Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Hiện tỉnh đã thành lập Quỹ Đầu tư và Phát triển, tuy vậy quỹ mới đi vào hoạt động, nguồn quỹ chưa có nhiều nên việc cho vay hỗ trợ doanh nghiệp vẫn chưa thể thực hiện. Chính vì vậy, càng cần sự vào cuộc hỗ trợ của các ngân hàng thương mại. Cái khó của các ngân hàng thương mại tỉnh cũng biết, và những dự án mà tỉnh bảo lãnh đều phải có đầy đủ các hồ sơ pháp lý. Đặc biệt, đối với các dự án trọng điểm của tỉnh sử dụng nguồn ngân sách địa phương, UBND tỉnh sẽ cam kết bảo lãnh và ngân hàng có thể được tự động thu nợ trên tài khoản của doanh nghiệp khi nguồn ngân sách được giải ngân.
Thực tế hiện nay, khi doanh nghiệp có dự án, sau đó đi vay vốn thực hiện, thời gian vay vốn và số tiền vay phụ thuộc rất nhiều vào quá trình thanh toán bằng nguồn vốn ngân sách của tỉnh. Ông Đoàn Bá Nhiên, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cho biết: Các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn chủ yếu do không đủ điều kiện, nhất là vướng về tài sản thế chấp. Vì vậy, ngân hàng nên mở rộng cho vay tín chấp đối với các doanh nghiệp có triển vọng, nhất là các doanh nghiệp đang thực hiện đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách. Điều này không chỉ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện tốt dự án, mà còn góp phần đẩy nhanh tiến độ của các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, phục vụ đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()