Cần sự chung tay của cộng đồng
Đây là một trong những nguồn sử liệu vật chất trực tiếp cung cấp những thông tin quan trọng để khôi phục trang sử vẻ vang của dân tộc, góp phần giáo dục truyền thống thế hệ trẻ, đáp ứng nhu cầu về văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân. Đồng thời là nguồn tài nguyên vô giá cho việc khai thác du lịch, dịch vụ, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Trong những năm qua, các ban, ngành chức năng đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực để bảo tồn và tôn tạo các di tích. Tuy nhiên, trên thực tế, để các di tích phát huy được đúng giá trị của nó thì cần có sự quan tâm, chung tay góp sức của cộng đồng.
Múa rồng tại lễ hội chùa Tam Thanh |
Theo đó, công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh ở tỉnh ta đã được các cấp các ngành và toàn xã hội quan tâm, thực hiện. Từ năm 2007 đến nay, toàn tỉnh có 36 điểm di tích đã và đang được đầu tư, tôn tạo, chống xuống cấp với tổng số 51 lượt trùng tu, tôn tạo (9 di tích lịch sử cách mạng, kháng chiến và 27 di tích thuộc loại hình tôn giáo, tín ngưỡng) với tổng số vốn đầu tư hơn 104 tỷ 112 triệu đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước là 87 tỷ 713 triệu đồng (chiếm 84,25%) và vốn từ nguồn xã hội hóa là 16 tỷ 399 triệu đồng (chiếm 15,75%). Nhờ đó, các di tích ngày càng khang trang, sạch đẹp, trở thành những sản phẩm văn hóa hoàn chỉnh, thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân địa phương, thu hút khách tham quan trong và ngoài tỉnh. Ông Nguyễn Bá San, Trưởng Ban Quản lý Di tích tỉnh cho biết: quá trình phục hồi, tôn tạo chống xuống cấp di tích được thực hiện đúng quy trình, thủ tục quy định.
Tuy nhiên chỉ tập trung vào các di tích có tiềm năng phát triển du lịch và di tích lịch sử cách mạng như: di tích khởi nghĩa Bắc Sơn, di tích lưu niệm Bác Hồ, anh hùng Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri, di tích lịch sử Chi Lăng… Còn các loại hình di tích tín ngưỡng cơ bản được trùng tu tôn tạo bằng nguồn xã hội hóa, huy động sự đóng góp của nhân dân. Đơn cử như Chùa Trung Thiên (xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình) thờ Quận công Vi Đức Thắng, người có nhiều công lao đối với quê hương, đất nước. Nhằm đáp ứng nhu cầu của khách thập phương và nhân dân trong vùng, cấp ủy, chính quyền xã đã kêu gọi các nhà hảo tâm, đóng góp công sức tôn tạo, tu sửa. Trong năm 2011, ông Vi Non Nước (một người con của xã Tú Đoạn) đã cung tiến cho nhà chùa 8 pho tượng phật. Năm 2013, cán bộ, nhân dân trong xã đóng góp ngày công để làm 150 m đường bê tông vào chùa và lát 117 m2 sân gạch (trị giá khoảng 30 triệu đồng). Kết quả, cảnh quan ngôi chùa ngày càng đẹp hơn, khang trang hơn, đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của bà con nhân dân trong vùng và thu hút rất nhiều du khách đến trẩy hội. Điều này làm cho những người con của miền đất này cảm thấy tự hào hơn mỗi khi về thăm quê hương, vãn cảnh chùa.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác trùng tu, bảo vệ giá trị di tích vẫn còn nhiều khó khăn. Hầu hết các loại hình di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật (đình, đền, chùa) ở các huyện đều đã xuống cấp hoặc đang ở dạng phế tích, thậm chí không còn tồn tại. Trong khi đó, nguồn kinh phí cho công tác trùng tu còn hạn hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi của thực tế. Do đó, cùng với sự nỗ lực, cố gắng của các ngành chức năng rất cần có sự chung tay góp sức của cộng đồng để gìn giữ và bảo vệ thật tốt những tài sản vô giá mà cha ông ta đã để lại qua nhiều thế kỷ. Đồng thời cũng phải khai thác triệt để những thông tin trên nhiều lĩnh vực còn được lưu giữ ở các di tích này nhằm phục vụ cho cuộc sống của người dân hôm nay, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế địa phương trong giai đoạn hội nhập và phát triển.
Ý kiến ()