Cần sớm xây dựng thương hiệu sản phẩm cho huyện Cần Giờ
Ngày 25/12, Đoàn công tác của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh do đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy dẫn đầu đã đến thăm các hộ nông dân, làm việc với ba xã: An Thới Đông, Lý Nhơn, Bình Khánh và lãnh đạo huyện Cần Giờ- huyện biển duy nhất của Thành phố Hồ Chí Minh.
Sau khi đi khảo sát thực tế và nghe những ý kiến các hộ nông dân, chính quyền các xã và huyện Cần Giờ, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho rằng, việc phối hợp hỗ trợ nông dân giữa huyện Cần Giờ và các sở, ngành chưa đồng bộ, một số chính sách, nhất là chính sách hỗ trợ vốn, chưa tới người nông dân. Việc làm thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là sản phẩm đặc sản của Cần Giờ như cá dứa, muối, xoài đến nay các sở ngành và huyện vẫn chưa làm được. Mặt khác, chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp còn chậm. Đồng chí Đinh La Thăng nhấn mạnh: Cần chuyển đổi cơ cấu kinh tế cho Cần Giờ một cách mạnh mẽ, cấp bách, là nhiệm vụ chính trị quan trọng của thành phố cũng như của Đảng bộ và chính quyền huyện phải hoàn thành .
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng yêu cầu các sở, ngành cần chung tay giúp đỡ nhân dân huyện Cần Giờ trong thời gian tới. Cụ thể, sớm xây dựng cơ sở dữ liệu về thủy văn, độ mặn để người dân có kế hoạch sản xuất; tổ chức lại sản xuất theo hướng “nông thôn mới hiện đại – nông thôn thuộc một đô thị dẫn đầu cả nước”; đánh giá lại thuận lợi, khó khăn của từng xã để có định hướng tốt; nghiên cứu đề án hỗ trợ người nông dân nuôi yến.
Theo đồng chí Đinh La Thăng, việc liên kết giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân cần được tăng cường. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, đưa các sản phẩm của Cần Giờ xuất hiện trong hệ thống phân phối của thành phố; đa dạng hóa sản phẩm nuôi trồng kết hợp với phát triển du lịch.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết, toàn huyện có 2.673 hộ nuôi trồng thủy sản, trong đó có 1.840 hộ nuôi tôm, diện tích đất và mặt nước nuôi trồng thủy sản là 7.939 ha. Trong 5 năm qua, nghề nuôi trồng thủy sản có sự chuyển đổi trong đối tượng sản xuất từ nuôi tôm sú sang nuôi tôm thẻ chân trắng; đồng thời, chuyển dịch sang mô hình sản xuất thâm canh, đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, góp phần tăng nhanh năng suất, sản lượng và nâng cao hiệu quả sản xuất, hiệu quả sử dụng đất. Tuy nhiên, sản xuất thủy sản chưa bền vững, dịch bệnh còn diễn ra nhưng chưa có biện pháp phòng trị hữu hiệu;chất lượng môi trường vùng nuôi giảm, chuyển giao khoa học công nghệ chậm, kinh doanh còn mang tính nhỏ lẻ và đặc biệt là đầu ra sản phẩm thủy sản, nông nghiệp không ổn định…
Về định hướng sắp tới, ông Lê Minh Dũng cho hay, việc nuôi trồng thủy sản trong thời gian tới cũng phải gắn với chế biến và phát triển du lịch; kiến nghị các sở ngành có đề án bài bản phát triển du lịch sinh thái và đẩy nhanh tiến độ các khu nông nghiệp công nghệ cao, các dự án giao thông trên địa bàn . Cũng tại buổi làm việc, đại diện nhiều hộ nông dân đã có những kiến nghị như cần phải đầu tư hạ tầng giao thông, hỗ trợ về kĩ thuật nuôi trồng, hệ thống lưới điện, đầu tư tuyến đường đê…Cụ thể, ông Trần Minh Hòa (xã Lý Nhơn) đề nghị lãnh đạo cần nghiên cứu làm đường giao thông thuận lợi để xe tới tận ao nuôi tôm của người dân, giúp người dân bán được giá cao hơn và giảm chi phí vận chuyển. Hệ thống thủy lợi cần được tách riêng biệt, một đường cấp nước, một đường thoát nước để nuôi tôm thuận lợi, hạn chế dịch bệnh.
Nhân dịp này, Đoàn công tác của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh do đồng chí Đinh La Thăng dẫn dầu đã đến thăm các gia đình chính sách và hộ nông dân nghèo trên địa bàn huyện. Đoàn đã tặng 2 tủ thờ cho gia đình liệt sỹ Đặng Văn Chuông (ấp Lý Thái Bửu, xã Lý Nhơn) và Lương Văn Bí (ấp Tân Điền, xã Lý Nhơn)./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()