Cần sớm xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm lợn quay Lạng Sơn
– Lợn quay Lạng Sơn được nhiều người tiêu dùng trong nước biết đến nhưng đến nay, sản phẩm này vẫn chưa được xác lập quyền sở hữu trí tuệ, chưa có những chỉ tiêu về chất lượng cũng như dấu hiệu nhận biết. Do đó, xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm này là điều cấp thiết.
Lợn quay là món ăn truyền thống mang nhiều nét đặc trưng của tỉnh Lạng Sơn. Theo nghiên cứu, món ăn này đã có mặt tại Lạng Sơn từ hơn 100 năm trước. Đến nay, món ăn này được người dân trên địa bàn tỉnh sử dụng trong những bữa ăn ngày thường hoặc đãi khách, vào dịp lễ tết, cưới hỏi, ma chay… Ở bất kỳ lễ hội nào trên địa bàn tỉnh, người ta cũng có thể bắt gặp những hàng thịt lợn quay thơm nức, nóng hổi, vàng rộm ngay bên đường. Ai đi hội cũng bị hấp dẫn bởi món ăn này. Từ năm 2013, Hội Kỷ lục gia Việt Nam, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xếp hạng lợn quay nằm trong Top 50 món ăn đặc sản nổi tiếng của Việt Nam. Hiện toàn tỉnh có hơn 200 hộ đang sản xuất, kinh doanh sản phẩm lợn quay, mỗi hộ quay từ 1 đến 3 con/ngày.
Người dân xã Gia Cát, huyện Cao Lộc kinh doanh lợn quay tại chợ Bờ Sông, thành phố Lạng Sơn
Chị Nguyễn Thị Hạnh, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc tiểu thương kinh doanh tại chợ Bờ Sông, thành phố Lạng Sơn cho biết: Lợn được lựa chọn để quay phải khỏe mạnh, có cân nặng từ 25 kg đến 40 kg/con. Nguyên liệu tẩm ướp chính cho lợn quay gồm: mật ong, lá mác mật tươi, quả mác mật, đậu phụ nhự, tàu choong và một số loại gia vị khác. Lợn được quay nguyên con trên than củi. Trung bình gia đình tôi quay 2 con/ngày, bán tại huyện Cao Lộc và thành phố Lạng Sơn. Khi có khách đặt, tôi cũng gửi cả con đi Hà Nội, Quảng Ninh. Nhờ đó, vợ chồng tôi có việc làm và thu nhập ổn định.
Sự khác biệt của lợn quay Lạng Sơn đó là lớp da sau khi quay có màu vàng óng, rất giòn và mượt. Nước từ thịt và xương được giữ nguyên hòa với các loại gia vị cho ra miếng thịt quay mềm, ngọt. Mùi thơm tự nhiên của thịt lợn hòa quyện với mùi thơm của lá mác mật khiến món ăn rất đặc trưng, thơm ngon. Vì vậy, lợn quay Lạng Sơn đã được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước với giá từ 250.000 đồng đến 500.000 đồng/kg.
Ông Lưu Bá Mạc, Trưởng Phòng Quản lý công nghệ và Quản lý chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết: Thơm ngon, nức tiếng là như vậy nhưng đến nay, lợn quay Lạng Sơn chưa được bảo hộ. Đầu năm 2021, trong nhiệm vụ phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh, Sở KH&CN đã xác định nhiệm vụ xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm lợn quay Lạng Sơn trong năm 2021 – 2022. Vừa qua, sở đã tiến hành tuyển chọn đơn vị chủ trì dự án.
Việc chưa được xác lập quyền sở hữu trí tuệ dẫn đến công tác quản lý sản xuất, kinh doanh lợn quay chưa phát huy được hiệu quả. Hiện tại chưa có một cơ chế thống nhất trong việc quản lý, giám sát việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm. Sản phẩm tiêu thụ trên thị trường dễ bị lạm dụng, giả mạo. Thực tế đã có hiện tượng, một số điểm bán hàng ngoài tỉnh treo biển bán lợn quay Lạng Sơn nhưng chất lượng, mùi vị của sản phẩm lại không mang nét đặc trưng, gây mất lòng tin của người tiêu dùng…
Hiện nay, yêu cầu cấp thiết đặt ra cho sản phẩm lợn quay Lạng Sơn là phải xác định được tên tuổi và chỗ đứng trên thị trường. Từ đó xây dựng các công cụ quản lý, truyền thông, quảng bá cho sản phẩm nhằm tăng cường lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm, mang lại giá trị kinh tế, gắn với giá trị bản sắc văn hóa của địa phương. Để làm được điều đó, các đơn vị liên quan như: Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố cần tích cực vào cuộc tuyên truyền trong các tầng lớp Nhân dân về việc xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ; tăng cường công tác quản lý Nhà nước, quảng bá sản phẩm. Với người dân, cần nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình chế biến và cần có ý thức hơn nữa trong việc xây dựng và giữ vững thương hiệu cách quay lợn truyền thống của gia đình
HOÀNG VƯƠNG
Ý kiến ()