Cần sớm xây dựng Luật Thi hành án hành chính
Ngày 25/11/2015, Quốc hội đã thông qua Luật Luật Tố tụng hành chính (TTHC) năm 2015, thay thế Luật TTHC năm 2010, trong đó dành riêng một Chương quy định về trình tự, thủ tục thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính. Ngày 1/7/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2016/NĐ-CP quy định thời hạn, trình tự, thủ tục THAHC và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án.
Những văn bản pháp luật trên đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác THAHC ở nước ta trong những năm qua. Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện, công tác THAHC hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, vướng mắc, khó khăn, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả chưa cao, chưa tạo được niềm tin trong nhân dân về tính nghiêm minh của pháp luật đối với việc thi hành các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính.
Trong đó, phải kể đến số lượng các bản án, quyết định hành chính liên quan đến trách nhiệm của UBND các cấp chưa được thi hành vẫn còn lớn. Người dân còn gặp khó khăn trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ để chứng minh quyền khởi kiện và yêu cầu khởi kiện, đặc biệt là việc chứng minh hành vi hành chính trái pháp luật gây ra. Mặc dù Luật TTHC năm 2015 đã bổ sung quy định Tòa án có thẩm quyền ra quyết định buộc THAHC, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 71/2016/NĐ-CP về THAHC nhưng kết quả THAHC còn chậm, chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với các phán quyết của Tòa án…
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên là do chưa có đạo luật riêng về THAHC với những chế tài đủ mạnh giúp công tác này đạt hiệu quả như mong muốn.
Theo các chuyên gia pháp luật, trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam, việc xây dựng Luật THAHC là cần thiết.
Tại Hội thảo “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hành chính (THAHC) ở Việt Nam” được Bộ Tư pháp tổ chức mới đây, trên cơ sở nghiên cứu các quy định hiện hành và tình hình thực thi các quy định pháp luật về THAHC ở nước ta hiện nay, bà Nguyễn Thị Hoàng Giang, Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 3, Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) đề xuất, từ nay đến năm 2020 cần thiết xây dựng Luật THAHC trên cơ sở hệ thống hóa những quy định hiện hành về THAHC ở Việt Nam. Theo đó, Luật này sẽ có những nội dung cơ bản gồm: quy định chung; thời hạn, trình tự, thủ tục THAHC; xử lý trách nhiệm trong THAHC; nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức trong thi hành án.
Đồng thời, nội dung Luật THAHC cần có sự thay đổi cơ bản về cơ quan tổ chức THAHC là giữ nguyên quy định về thẩm quyền ra quyết định buộc THAHC của Tòa án, nghiên cứu quy định về cơ quan thứ ba có trách nhiệm tổ chức THAHC, tách khỏi cơ quan nhà nước phải thi hành án, nhằm khắc phục vướng mắc, khó khăn do đặc thù của cơ chế này gây ra.
Theo đại diện đến từ Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Tòa án nhân dân tối cao, trước mắt, cần hướng dẫn thống nhất một số quy định còn vướng mắc đồng thời tiếp tục đổi mới nhận thức nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ án hành chính và hoàn thiện pháp luật TTHC, pháp luật liên quan đến giải quyết các vụ án hành chính, ban hành; tăng cường năng lực xét xử của đội ngũ Thẩm phán hành chính thông qua tập huấn, hội thảo trao đổi nghiệp vụ chuyên đề, nâng cao hiệu quả của công tác THAHC…/.
Ý kiến ()