Cần sớm tìm ra nguyên nhân vụ cháy chợ Phố Hiến
Qua vụ cháy tại chợ Phố Hiến, tuy các ngành chức năng của tỉnh Hưng Yên đã chủ động, tích cực vào cuộc, song cũng đặt ra những vấn đề về công tác bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ, nhất là những công trình công cộng dân sinh.
Ước thiệt hại khoảng 50 tỷ đồng
Chị Bùi Thị Huyền, kinh doanh mũ, khăn, găng tay có hai ki-ốt liền nhau cho biết, mới mua 180 triệu đồng/1 ki-ốt trong vòng 25 năm. “Vụ cháy này bị thiệt hại khoảng 100 triệu đồng” – Chị nói trong tiếng nấc, cả nhà có ba chị em cùng kinh doanh ở chợ này, bây giờ bị cháy hết thì gia đình chị khốn khổ, thương đứa em gái kinh doanh vải đã bị mất sạch, đang bị ngất phải đi cấp cứu vì tiếc của.
Có ki-ốt quần áo bị cháy, quần áo vừa mới nhập về, chị Lĩnh than bây giờ bị cháy hết, thiệt hại mấy trăm triệu đồng. Trong khi có ki-ốt số 155, tầng 2, kinh doanh quần áo cũng mới nhập quần áo về, chị Đinh Thị Hồng cho biết, tất cả quần áo đã bị cháy hết, gồm cả quần áo mùa hè và mùa đông.
Bác Điền có ki-ốt số 63 ở chợ cho biết, gia đình chủ yếu kinh doanh mặt hàng vải vóc. Với vẻ mặt đầy lo âu, bác Điền nói: “Hàng hóa đã cháy hết, vốn liếng vay ngân hàng hàng trăm triệu đồng, giờ chưa biết tính thế nào? Trong khi cả gia đình hằng ngày trông mong vào cái ki-ốt bán quần áo này”.
Lo lắng cho những ngày sắp tới, bác Điền chỉ mong các cấp chính quyền sớm có chính sách để bà con có chợ tạm ổn định buôn bán.
Lập hai phương án chợ tạm
Trao đổi với phóng viên NDĐT, ông Nguyễn Tấn Cường, Chủ tịch UBND thành phố Hưng Yên cho biết, lãnh đạo thành phố đã lên hai phương án về việc lập chợ tạm cho các hộ kinh doanh. Theo đó, phương án 1 là dựng tạm ở khu chợ cũ, và phương án 2 sẽ làm chợ tạm ở khu đất cạnh chợ Phố Hiến.
Theo ông Cường, chậm nhất là thứ 7 (22-3), sẽ đưa hai phương án ra và ưu tiên cho bà con kinh doanh tại chợ Phố Hiến chọn lựa; sau đó sang đầu tuần sẽ chốt vị trị chợ tạm.
Toàn bộ kinh phí xây dựng chợ tạm cho bà con kinh doanh tại chợ Phố Hiến vừa bị cháy do nhà đầu tư là Công ty TNHH Hoàng Phát chịu toàn bộ – Ông Cường khẳng định.
Để lo cho bà con sớm có chợ tạm để kinh doanh, Chủ tịch tỉnh cũng yêu cầu Sở Xây dựng nghiên cứu ngay mặt bằng bố trí chợ tạm hợp lý. Ngoài ra phối hợp Sở Công thương, UBND thành phố và nhà đầu tư xem xét, đánh giá cụ thể và đề xuất phương án khôi phục chợ bị cháy.
Hai phương án gia hạn thuế
Trước đó, tại của họp chiều nay (20-3) tại Trụ sở UBND tỉnh Hưng Yên, theo phương châm nhanh nhất, sớm nhất, hiệu quả nhất, thiết thực nhất giải quyết hậu quả cháy ở chợ Phố Hiến, Chủ tịch UBND tỉnh Doãn Thế Cường yêu cầu các ban, ngành của tỉnh tập trung bắt tay vào làm ngay những việc để hỗ trợ và giúp các hộ kinh doanh ở chợ sớm ổn định nơi bán hàng.
Theo đề nghị của thành phố, ngành thuế đã đưa ra ngay hai phương án gia hạn thuế, theo đó, nếu hộ kinh doanh bị thiệt hại là 50% thì được gia hạn không quá một năm, và thiệt hại hơn 50% thì sẽ gia hạn không quá hai năm.
Ngoài ra, đại diện ngành thuế cho biết theo luật hiện hành thì chỉ được miễn giảm thuế một năm, tuy nhiên ngành thuế sẽ thực hiện theo luật nhưng sẽ vận dụng tối đa chính sách làm sao có lợi cho dân mức cao nhất.
Khoanh, giãn nợ và giảm lãi suất cho vay mới
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hưng Yên cho biết hiện có chín ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã cho 29 khách hàng là các hộ đang kinh doanh tại chợ Phố Hiến với số tiền sáu tỷ 599 triệu đồng.
Cũng theo vị đại diện này, sau khi có kết luận điều tra nếu là thiên tai, hỏa hoạn có yếu tố bất khả kháng thì các khoản vay này sẽ được khoanh nợ. Ngoài ra, các hộ có thể được xem xét cho vay tín chấp hoặc thế chấp theo tỷ lệ, trên tinh thần vận dụng tối đa các chế độ hiện hành cho phép theo hướng có lợi nhất cho các hộ kinh doanh.
Đại diện ngân hàng cho biết, đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng nhân dân xem xét để các hộ kinh doanh tại chợ Phố Hiến bị thiệt hại được khoanh, giãn nợ, giảm lãi suất và tiếp tục được vay vốn thuận lợi nhất, kể cả vay tín chấp, hướng dẫn kịp thời các hộ kinh doanh bị thiệt hại theo quy định.
Cần rà soát chặt chẽ hệ thống PCCC
Cũng do huy động các lực lượng đông đảo và được bố trí kịp thời, chặt chẽ nên hiện trường vụ cháy được cô lập, tránh tình trạng người dân tự ý xông vào do xót của hoặc một số đối tượng hôi của và đã không xảy ra thương vong về người.
Tuy nhiên, khu chợ mới xây dựng đã được nhà đầu tư lắp đặt các thiết bị báo cháy tự động, nhưng theo ông Nguyễn Tấn Cường, Chủ tịch UBND thành phố Hưng Yên cho biết, ít có khả năng gây cháy do chập điện, bởi trước khi đóng cửa chợ thì bảo vệ có nhiệm vụ cắt điện toàn bộ.
Nếu đúng như vậy thì khả năng hệ thống báo cháy có bị “vô hiệu hoá”?
Theo trao đổi của chúng tôi với người dân và cả cảnh sát PCCC tại hiện trường, khu chợ được bố trí nhiều họng nước chữa cháy nhưng phần lớn số họng nước lại được thiết kế nằm bên trong chợ. Trong khi đó, bên ngoài khu chợ số họng nước được bố trí thưa thớt, thậm chí theo phản ảnh của người dân tại đó thì một số họng có ít nước hoặc không có nước.
Được biết, trước đó về việc xử lý tình huống tại hiện trường lúc xảy ra cháy, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo ngành nước điều tiết và tăng áp lực nước dồn về khu vực chợ Phố Hiến để phục vụ công tác chữa cháy kịp thời.
Ngay tại hiện trường, một số cảnh sát PCCC cho biết, thời điểm chữa cháy, do lượng xe cứu hoả tập trung về chợ Phố Hiến nhiều (18 xe – PV) trong khi số họng nước bên ngoài khu chợ không đủ đáp ứng nên các xe phải tiếp nước từ xa làm ảnh hưởng đến quá trình cứu cháy (một xe phun ba phút là hết nước – PV).
Vụ cháy chợ Phố Hiến tuy không có thiệt hại về người nhưng gây thiệt hại lớn về vật chất cho các hộ kinh doanh là lời cảnh báo đối với các công trình công cộng. Chính vì vậy, các cấp chính quyền và các ngành chức năng tỉnh Hưng Yên cần sớm làm rõ nguyên nhân gây cháy, rà soát lại các hệ thống PCCC trên địa bàn để tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra trong tương lai. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần sớm tổng kết, rút kinh nghiệm trong công tác PCCC.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()