"Cần sớm thoát khỏi mô hình tăng trưởng cũ"
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 24/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014; thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011 - 2015): Kết quả thực hiện từ năm 2011 đến nay và phương hướng, giải pháp thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội đến hết năm 2015.
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 24/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2013, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2014; thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2011 – 2015): Kết quả thực hiện từ năm 2011 đến nay và phương hướng, giải pháp thực hiện các mục tiêu kinh tế – xã hội đến hết năm 2015.
Đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ sáng ngày 24/10. Ảnh:ĐT |
Thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội từ năm 2011 đến nay, đa số đại biểu Quốc hội cho rằng, nhìn tổng thể kết quả 3 năm thì cơ bản đã đạt được mục tiêu tổng quát là: ”Tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tăng trưởng ở mức hợp lý”. Cân đối tiết kiệm – đầu tư có chuyển biến rõ rệt. Từ năm 2011 đến nay, tổng tiết kiệm luôn bằng hoặc cao hơn tổng đầu tư. Cung – cầu hàng hóa bảo đảm. Cân đối lương thực đã thực hiện mục tiêu an ninh lương thực, đồng thời xuất khẩu lương thực ngày càng tăng. Cân đối điện đủ nhu cầu sản xuất – tiêu dùng và có dự phòng. Cân đối lao động ổn định trong điều kiện kinh tế rất khó khăn. Hai năm 2012 – 2013, cán cân thương mại có sự cải thiện đáng kể, xuất khẩu giữ nhịp độ tăng trưởng cao, đặc biệt khu vực doanh nghiệp FDI và ngành nông nghiệp liên tục xuất siêu từ năm 2008 đến nay.
Đa số ý kiến đánh giá, đây là thành tựu chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế đúng hướng, có phần rất lớn là điều chỉnh mục tiêu phù hợp, tạo ra sự cân bằng các mục tiêu đối với nền kinh tế, nhưng cũng có ý kiến cho rằng, việc cán cân thương mại cải thiện là hệ quả của suy giảm kinh tế. Hệ số ICOR đã giảm từ mức 6,7 giai đoạn 2008 – 2010 xuống còn 5,53 giai đoạn 2011 – 2013 cho thấy, chất lượng đầu tư phát triển có xu hướng cải thiện; việc triển khai nguồn vốn đầu tư phát triển theo kế hoạch trung hạn đã bước đầu phân bổ vốn Nhà nước một cách tập trung, hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng, kinh tế nước ta vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, tiếp tục phải đối mặt với áp lực lớn trong ngắn hạn và chưa thể trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh trong 1 – 2 năm tới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 3 năm 2011 – 2013 dự kiến sẽ chỉ đạt 5,6%/năm, là mức thấp nhất trong 13 năm trở lại đây, thấp xa so với chỉ tiêu tăng trưởng bình quân theo kế hoạch (6,5 – 7%). Trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta chậm lại thì một số nước trong khu vực ASEAN đã có sự cải thiện rõ rệt.
Đại biểu Phạm Xuân Thắng (Hải Dương) băn khoăn về vấn đề này và cho rằng, nhìn chung, mảng xám về nền kinh tế vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Theo đại biểu, nếu so sánh về cùng địa chính trị, kinh tế thì chúng ta cũng có lợi thế không kém so với các nước ASEAN. Trong bối cảnh cùng bị tác động khủng hoảng kinh tế như chúng ta, nhưng tốc độ tăng trưởng của họ và sự cải thiện, dấu hiệu phục hồi của họ nhanh hơn, đặc biệt dòng vốn đầu tư nước ngoài vào những nước này rõ nét hơn. Từ đó, theo đại biểu, cần phân tích sâu hơn, nguyên nhân do đâu. Đại biểu Phạm Xuân Thắng cho rằng, nguyên nhân là do khả năng ứng phó, khả năng khắc phục các tác động tiêu cực của kinh tế thế giới vào nền kinh tế nước ta trong sự điều hành của Chính phủ, của các bộ, ngành là chưa hiệu quả, chưa nhạy bén, đặc biệt là đón bắt thời cơ thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Đề cập đến chỉ tiêu kế hoạch năm 2014, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, để tránh tình trạng đánh giá chung chung mà không tìm được điểm nào mạnh, điểm nào yếu, thì tới đây, trong Nghị quyết của Quốc hội phải có chỉ tiêu cụ thể cho từng năm. Ví dụ, trong lĩnh vực đất đai, phải đặt mục tiêu cụ thể trong năm 2014 thu hồi bao nhiêu dự án bỏ hoang…
Cho rằng, diễn biến kinh tế thế giới vừa qua cũng mang lại nhiều cơ hội cho kinh tế Việt Nam, tuy nhiên, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) cũng bày tỏ một số lo lắng, đó là: Ngân sách khó khăn, bội chi tăng cao, nợ công đã tới mức phải cảnh báo (năm 2013, nợ công lên mức 2,074 triệu tỷ đồng). Số lượng doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động vẫn lớn, đi kèm với đó là tình trạng mất việc làm của người lao động. Giải quyết nợ xấu chưa triệt để, thị trường bất động sản tiếp tục đóng băng, hiệu quả đầu tư công chưa cải thiện rõ nét…
Từ thực tế này, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị, bên cạnh việc tập trung tái cơ cấu 3 lĩnh vực đã xác định (đầu tư công, ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước), cần quan tâm hơn tới tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp dân doanh. Dự kiến, tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2014 sẽ phải huy động 1,5 triệu tỷ đồng, trong đó, doanh nghiệp dân doanh là 500.000 tỷ đồng.
Với khối doanh nghiệp dân doanh, điều quan trọng nhất hiện nay là phải tạo được niềm tin. Vì thế, Chính phủ cần có cam kết ổn định lạm phát, lãi suất trong thời gian dài thì doanh nghiệp mới dám vay vốn sản xuất kinh koanh trong trung hạn.
Ở khía cạnh khác, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) thì cho rằng, mục tiêu lớn nhất của tái cơ cấu hiện nay là cần thoát khỏi mô hình tăng trưởng cũ càng sớm càng tốt. Có như vậy mới sớm vượt qua bẫy thu nhập trung bình.
Thảo luận tại tổ về các chỉ tiêu chủ yếu, một số ý kiến đề nghị, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2014 chỉ nên ở khoảng 5,5% là mức hợp lý, tránh tạo áp lực lạm phát, bảo đảm giữ được việc làm; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng khoảng 6%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 30 – 31% GDP; tăng tín dụng ở mức 14 – 15%; đầu tư từ ngân sách tăng ít nhất 10%.
Một số ý kiến khác cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ tăng trưởng kinh tế khoảng 5,8%; nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 13 – 15% so với ước thực hiện năm 2013, nhập siêu tiếp tục duy trì ở mức hiện nay; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 30% GDP; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng khoảng 7%.
Về bội chi ngân sách nhà nước, đa số ý kiến tán thành đề nghị tăng bội chi ngân sách để bảo đảm tăng trưởng ở mức hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội, tuy nhiên nhấn mạnh, phần bội chi tăng thêm cần phải được tập trung cho chi đầu tư phát triển với danh mục công trình cụ thể và có sự giám sát chặt chẽ để bảo đảm hiệu quả cao nhất.
Một số ý kiến không tán thành mức bội chi ngân sách 5,3% GDP như Tờ trình, đề nghị cắt giảm triệt để chi thường xuyên, tiếp tục giữ dưới 5% GDP để bảo đảm an toàn nợ công và cân đối vĩ mô.
Một số ý kiến đề nghị làm rõ cơ sở của chỉ tiêu tạo việc làm mới 1,6 triệu người trong bối cảnh một số lượng không nhỏ doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản; bổ sung các chỉ tiêu: Tỷ lệ thất nghiệp chung của nền kinh tế; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế…
Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở tổ về 2 nội dung lớn nêu trên.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()