Cần sớm quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động
(LSO) – Những năm gần đây, dịch vụ viễn thông trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh, mạnh mẽ, để đáp ứng yêu cầu, các doanh nghiệp đẩy mạnh xây dựng hạ tầng mạng. Điều này dẫn đến tình trạng trạm thu, phát sóng dày đặc, cáp thông tin treo chiếm tỷ lệ cao… ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 6 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, thuê kênh riêng, truyền số liệu hữu tuyến; 2 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện thoại cố định hữu tuyến; 4 nhà mạng cung cấp dịch vụ di động; 5 đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền.
Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, các đơn vị cung cấp dịch vụ đẩy mạnh phát triển hạ tầng viễn thông. Từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã phát triển thêm 600 vị trí cột ăng – ten thu, phát sóng thông tin di động, nâng tổng số vị trí cột ăng – ten lên 998 cột. Hệ thống mạng cáp cũng được phát triển rộng khắp, đáp ứng nhu cầu của khách hàng ở cả nông thôn và thành thị.
Hộp cáp, dây cáp của các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông không được gấp gọn, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị
Hạ tầng viễn thông phát triển dẫn đến tình trạng các cột thu phát sóng mọc lên ở khắp nơi, đặc biệt là khu vực thành phố, thị trấn, khu vực đông dân cư. Trên địa bàn thành phố Lạng Sơn chỉ riêng khu đô thị Phú Lộc IV và một số tuyến phố xung quanh đã có đến 4, 5 cột ăng – ten thu, phát sóng. Quan sát các tuyến phố không khó để phát hiện những hộp cáp viễn thông có ở khắp nơi cùng với hệ thống dây truyền tín hiệu chằng chịt. Không những vậy, một số nơi dây cáp bị đứt, treo lơ lửng giữa đường …
Bà Trình Thị Nga, cán bộ phụ trách Phòng Công nghệ thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Hiện nay, các doanh nghiệp chủ yếu dùng chung hạ tầng giữa các công nghệ khác nhau như 3G, 4G trên hạ tầng của 2G, tận dụng hạ tầng sẵn có để tiết kiệm chi phí đầu tư. Các doanh nghiệp bắt đầu có thỏa thuận dùng chung hạ tầng mạng di động. Hiện có khoảng 12,3% số cột ăng – ten được các doanh nghiệp sử dụng chung với số lượng 121 vị trí. Đối với hệ thống cáp, các doanh nghiệp viễn thông chủ yếu thuê lại hệ thống cột điện của Công ty Điện lực để treo cáp chứ chưa dùng chung.
Ông Trần Văn Chung, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Khắp thành phố, dây cáp, dây điện chăng như mạng nhện, nhiều khi rơi cả xuống đường gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Tôi thấy ở nhiều nơi, người ta đã ngầm hóa dây điện, cáp viễn thông khiến cho bộ mặt thành phố gọn gàng, thoáng đãng. Mong rằng, tỉnh sớm quan tấm vấn đề này.
Tỷ lệ dùng chung hạ tầng viễn thông hạn chế là do hệ thống văn bản pháp lý, cơ chế chính sách chưa đầy đủ từ trung ương đến địa phương; sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp; mức đầu tư cho cơ sở hạ tầng ở mỗi doanh nghiệp có sự khác nhau. Đó là những vấn đề chung. Còn với tỉnh Lạng Sơn, khó khăn hiện nay là tỉnh chưa ban hành quy hoạch chung, quy hoạch tổng thể về không gian ngầm đô thị, xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm đô thị nên doanh nghiệp chưa chủ động quan tâm đến vấn đề này.
Trong năm 2018, Sở Thông tin và Truyền thông đã xây dựng quy hoạch và trình cấp có thẩm quyền. Mục tiêu đề ra đến năm 2025 ngầm hóa 35 – 40% hạ tầng mạng cáp ngoại vi khu vực đô thị; dùng chung 20 – 25% cột ăng – ten trạm thu phát sóng thông tin di động; cải tạo, chuyển đổi 25 – 30% cột ăng – ten thu phát sóng thông tin di động cồng kềnh sang cột ăng – ten nhỏ gọn; dùng chung 85% cột cáp treo mới.
Ông Phạm Đức Vinh, Phó Giám đốc Viễn thông Lạng Sơn cho biết: Khó khăn đối với doanh nghiệp hiện nay là chưa có mức giá trần để thuê lại hạ tầng giữa các nhà mạng, chưa có quy định bắt buộc dùng chung tại những vị trí nhất định. Cùng với đó, hạ tầng các nhà mạng đang sử dụng hiện nay không thiết kế cho việc dùng chung nên sẽ tạo ra sự quá tải. Vừa qua, Viễn thông Lạng Sơn đã ký thỏa thận trao đổi hạ tầng với Viettel và cho Mobi Fone, Vietnammobile, FPT, HTC, CMC thuê lại một số hạng mục như: cốt treo cáp, cống ngầm, vị trí lắp thiết bị thông tin di động…
Dùng chung hạ tầng viễn thông không chỉ tránh lãng phí, mà còn góp phần đảm bảo mỹ quan đô thị. Chính vì vậy, tỉnh cần sớm ban hành quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động để các đơn vị kinh doanh dịch vụ viễn thông có định hướng khi phát triển hệ thống hạ tầng. Đây cũng là cơ sở để cơ quan chức năng quản lý, giám sát việc triển khai thực hiện của các doanh nghiệp.
Ý kiến ()