Cần sớm nâng cấp tỉnh lộ 1 ở Ðác Nông
Hàng trăm "ổ voi", "ổ trâu" trên tỉnh lộ 1 khiến người tham gia giao thông luôn đối mặt với tai nạn rình rập. Tỉnh lộ 1 có chiều dài 30 km nối từ quốc lộ 14 thị trấn Kiến Đức, huyện Đác R'lấp đi qua địa bàn bốn xã đến trung tâm huyện biên giới Tuy Đức, tỉnh Đác Nông.Đây là tuyến đường huyết mạch và có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội cũng như bảo đảm quốc phòng-an ninh của huyện Tuy Đức. Tuy nhiên, những năm gần đây các con đường xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Nhiều đoạn hư hỏng nặng, mặt nhựa bong tróc hết để lại hàng trăm "ổ voi", "ổ trâu" khiến cho người và phương tiện lưu thông luôn đối mặt với nguy cơ tai nạn giao thông.Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức Trần Đình Mạnh cho biết: Tỉnh lộ 1 có chiều rộng khoảng 7 m, trong đó mặt đường nhựa rộng 4 m được đầu tư xây dựng trước năm 2000 từ ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, kể từ khi xây dựng đến nay, tỉnh lộ này ít được đầu tư sửa chữa,...
Hàng trăm “ổ voi”, “ổ trâu” trên tỉnh lộ 1 khiến người tham gia giao thông luôn đối mặt với tai nạn rình rập. |
Đây là tuyến đường huyết mạch và có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội cũng như bảo đảm quốc phòng-an ninh của huyện Tuy Đức. Tuy nhiên, những năm gần đây các con đường xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Nhiều đoạn hư hỏng nặng, mặt nhựa bong tróc hết để lại hàng trăm “ổ voi”, “ổ trâu” khiến cho người và phương tiện lưu thông luôn đối mặt với nguy cơ tai nạn giao thông.
Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức Trần Đình Mạnh cho biết: Tỉnh lộ 1 có chiều rộng khoảng 7 m, trong đó mặt đường nhựa rộng 4 m được đầu tư xây dựng trước năm 2000 từ ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, kể từ khi xây dựng đến nay, tỉnh lộ này ít được đầu tư sửa chữa, nâng cấp. Trong khi đó những năm gần đây, nhất là từ khi huyện Tuy Đức được thành lập vào năm 2007 đến nay, do nhu cầu xây dựng tăng cao nên các loại xe tải chở vật liệu xây dựng lưu thông ngày càng nhiều, làm con đường bị phá nát. Bên cạnh đó, tỉnh lộ 1 còn là tuyến đường chính dẫn ra cửa khẩu quốc gia Bu Prăng nối với Cam-pu-chia nên các loại xe tải chở gỗ, phân bón, hàng hóa, nông sản quá tải thường xuyên lưu thông trên tỉnh lộ. Hơn nữa, hai bên tỉnh lộ này có rất nhiều công ty, xí nghiệp, các mỏ khai thác đá xây dựng, nhà máy chế biến gỗ, mủ cao-su, các nông, lâm trường cần những xe có trọng tải lớn để vận chuyển, dẫn đến tình trạng đường bị phá tan hoang và để lại hàng trăm “ổ voi”, “ổ trâu” như những “cái bẫy” chết người. Người và phương tiện lưu thông vào ban đêm có thể gặp nạn bất cứ lúc nào. Trong khi đó, phần lớn cán bộ, công chức đang công tác tại các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của huyện Tuy Đức đều được điều động từ huyện Đác R’lấp vào, nên hằng ngày vẫn đi về trên con đường này, rất nguy hiểm.
Anh Bùi Tiến Dũng, công tác tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuy Đức cho biết: “Trước đây tôi công tác tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đác R’lấp. Sau khi huyện Tuy Đức được thành lập tôi được điều động vào đây công tác, nhưng nhà cửa và vợ, con vẫn ở tại thị trấn Kiến Đức, huyện Đác R’lấp. Do con cái còn nhỏ, nên hơn năm năm qua, tôi vẫn thường xuyên đi về trên tỉnh lộ 1 này. Những năm đầu còn đỡ, hai ba năm gần đây tuyến đường xuống cấp, hư hỏng nặng, nhiều hôm bận việc về khuya, xe máy rơi xuống các “ổ voi”, “ổ trâu” gây thương tích nhiều lần. Mong sao, tỉnh sớm sửa chữa, nâng cấp tuyến đường để mọi người đỡ khổ”. Phó Chủ tịch UBND xã Đác R’tíh Điểu Blế cho biết: “Xã nằm cách trung tâm huyện hơn 20 km, mỗi tháng tôi phải lên huyện họp vài lần. Do tuyến tỉnh lộ 1 xuống cấp, hư hỏng nặng nên trước đây đi khoảng nửa giờ là tới, còn bây giờ mất hết một giờ. Đã thế, việc đi lại hết sức vất vả, nguy hiểm lại tốn xăng xe. Trong nhiều lần tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND huyện, tỉnh, nhân dân và chính quyền xã đã nhiều lần phản ánh việc xuống cấp của tỉnh lộ này, nhưng đến nay vẫn chưa được ngành giao thông vận tải và UBND tỉnh quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp”.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, ở xã Quảng Tâm, nhà ở cạnh tỉnh lộ 1. Ngay trước mặt nhà ông là một “ổ voi” to tướng đọng nước đỏ quạch. Dẫn chúng tôi ra xem “ổ voi”, ông Hoàng bức xúc nói: “Nhiều năm nay, tôi đã chứng kiến nhiều chiếc xe tải chở nông sản rơi xuống hố sâu này lật nhào, người thì bị thương, còn khoai lang, sắn vung vãi khắp đường. Chuyện tai nạn trên tuyến đường này là bình thường, nhưng điều mà người dân chúng tôi thắc mắc là hằng ngày có đến hàng trăm lượt xe tải lớn chở quá tải, xe cày qua lại phá nát con đường này, nhưng không thấy cơ quan chức năng nào kiểm tra, xử lý? Hơn nữa, tuyến đường xuống cấp, hư hỏng đã lâu nhưng không thấy ngành chức năng nào của tỉnh, huyện sửa chữa, nâng cấp để người dân chúng tôi đi lại đỡ vất vả”.
Dọc hai bên tỉnh lộ 1 đoạn đi qua trung tâm các xã như xã Quảng Tân, Đác R’tih, Quảng Tâm, Đác Búc So có khá nhiều hộ kinh doanh, do đường bị hư hỏng nặng nên nhiều người thường xuyên đổ đất lên nhằm lấp các “ổ voi”, “ổ trâu”, nhưng do đặc thù là đất đỏ nên chỉ sau một trận mưa là đâu lại vào đấy.
Ông Trần Đình Mạnh cho biết thêm: Việc tỉnh lộ 1 xuống cấp, hư hỏng nặng trong nhiều năm qua đã ảnh hưởng lớn đến việc thu hút đầu tư vào huyện cũng như việc lưu thông, trao đổi hàng hóa, nông sản và việc đi lại của cán bộ, nhân dân trong huyện. Do chi phí vận chuyển tăng cao nên giá các loại thực phẩm bán tại trung tâm huyện đều cao hơn các nơi khác, trong khi đó giá bán nông sản của người dân lại bị tư thương ép giá khiến đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Trong những năm qua, mặc dù huyện đã nhiều lần có văn bản đề nghị UBND tỉnh và Sở Giao thông vận tải đầu tư sửa chữa, nâng cấp tuyến tỉnh lộ này, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa nông sản và nhu cầu đi lại của nhân dân, nhưng đến nay vẫn chưa thấy tỉnh và Sở Giao thông vận tải tiến hành sửa chữa, nâng cấp.
Mong các cấp, các ngành tỉnh Đác Nông quan tâm sửa chữa nâng cấp tuyến đường này, hạn chế tai nạn giao thông và giải tỏa bức xúc cho người dân.
Theo Nhandan
Ý kiến ()