Cần sớm giải bài toán thừa - thiếu giáo viên
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), do phân bổ chỉ tiêu biên chế đối với ngành giáo dục chưa linh hoạt, chưa gắn với quy mô phát triển dân số, dẫn đến tình trạng thừa, thiếu cục bộ ở một số môn học, cấp học, địa phương.
Trong bối cảnh mới, việc giải bài toán thừa, thiếu giáo viên cần sớm có lời giải đáp thỏa đáng.
Nghịch lý thừa – thiếu
Hiện cả nước có 43.205 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, hơn 22 triệu học sinh mầm non, phổ thông. Tính đến tháng 5-2021, cả nước có gần 1,2 triệu giáo viên, trong đó số biên chế là 1.059.729 giáo viên. Như vậy, căn cứ quy định về định mức số giáo viên/lớp, số lượng giáo viên của các cấp học mầm non, phổ thông, ngành giáo dục thừa 10.178 giáo viên (trong đó thừa 5.175 giáo viên tiểu học, 4.688 giáo viên THCS, 315 giáo viên THPT), thiếu 94.714 giáo viên (trong đó thiếu 48.718 giáo viên mầm non, 20.210 giáo viên tiểu học, 14.653 giáo viên THCS, 11.133 giáo viên THPT). Tình trạng thừa, thiếu cục bộ xảy ra ở một số môn học, như thừa giáo viên các môn: Ngữ văn, Toán… thiếu giáo viên dạy các môn đặc thù, như: Tin học, Tiếng Anh, Nghệ thuật…
Thầy và trò Trường Tiểu học và THCS Sùng Đô, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. |
Nghịch lý thừa-thiếu này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Đó là sự điều chỉnh trong cơ cấu dân số, dịch chuyển lao động từ nông thôn sang thành thị. Ngoài ra, do tác động trong bối cảnh dịch Covid-19, hai năm qua, nhiều cơ sở giáo dục tư thục đóng cửa, đặc biệt là khối mầm non, một số giáo viên không thể chờ đợi để quay lại trường, buộc phải tìm nghề khác. Tại một số vùng, sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, nhiều giáo viên bị cắt giảm các khoản phụ cấp vùng đặc biệt, khó khăn khiến họ không thể theo nghề. Cùng với đó, Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 sẽ bổ sung những môn học mới vào chương trình tiểu học, hay quy định học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày.
Câu chuyện thừa-thiếu này hiện đang gặp nhiều vướng mắc. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: “Nhu cầu giáo viên ngày càng nhiều để thực hiện việc phổ cập, huy động trẻ đến trường, Chương trình GDPT 2018… Những năm qua, hầu hết các địa phương không giao bổ sung biên chế giáo viên trong khi vẫn phải thực hiện 10% tinh giản biên chế theo quy định trong bối cảnh quy mô học sinh tăng”.
Xoay quanh vấn đề biên chế giáo viên là vấn đề chính sách, đào tạo, bồi dưỡng; luân chuyển để giải quyết vấn đề giáo viên bảo đảm công bằng giữa các vùng, miền khác nhau. Bên cạnh đó, khi chuyển cơ chế quản lý giáo viên từ hình thức biên chế suốt đời sang phương thức hợp đồng đặt ra những vấn đề cần nghiên cứu, đánh giá lại. Chẳng hạn, trước đây, biên chế suốt đời thu hút được một số lượng lớn học sinh giỏi chọn nghề giáo, nhưng khi chuyển sang hợp đồng, họ lại có lựa chọn khác. Để giải bài toán về vấn đề thừa-thiếu giáo viên hiện nay, cần phải rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường học bởi công việc tinh giản biên chế không chỉ là nhiệm vụ phải làm mà còn là giải pháp để cải cách tiền lương cho giáo viên.
Không thể giải quyết bằng một vài giải pháp
Là tỉnh vùng cao, Yên Bái nhìn chung gặp khó khăn trong vấn đề biên chế giáo viên ở cả 3 nội dung số lượng, cơ cấu và chất lượng. Do đó, việc thừa-thiếu biên chế giáo viên là điều không tránh khỏi. Ông Vương Văn Bằng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái cho rằng, trong giai đoạn phổ cập tiểu học đòi hỏi phải tăng biên chế. Tuy nhiên, hết khóa học đó, học sinh chỉ 5 năm ra trường nhưng theo Luật Bảo hiểm xã hội quy định thầy cô phải hơn 30 năm mới nghỉ.
Sau 4 năm thực hiện, tỉnh Vĩnh Long đã giảm được 36 trường mầm non và phổ thông. Toàn ngành có 14.564 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên kể cả hợp đồng, giảm 349 biên chế so với cuối năm học 2017-2018. Với tỷ lệ giáo viên/lớp là 1,70, tỉnh đang thiếu giáo viên mầm non do tỷ lệ huy động trẻ ra lớp tăng hằng năm. Giáo viên tiểu học và THCS đã tiệm cận chuẩn; tỷ lệ giáo viên/lớp ở cấp THPT là 2,267, cao hơn quy định là 0,017, trong khi hệ giáo dục thường xuyên là 1,028 nên tỉnh đã tổ chức lớp thường xuyên trong trường THPT để giải quyết bài toán thiếu giáo viên.
Trước thực tiễn của địa phương, ông Trịnh Văn Ngoãn, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Long đề xuất: Khi Chương trình GDPT 2018 được áp dụng cho cấp THPT, các trường cần chủ động khảo sát nhu cầu học tập các môn lựa chọn và xây dựng các tổ hợp môn học, các chuyên đề học tập do Bộ GD&ĐT quy định. Việc này nếu không thực hiện tốt, chắc chắn tình trạng thừa giáo viên môn này nhưng thiếu giáo viên môn khác sẽ ngày càng trầm trọng hơn (do học sinh chọn môn học này bỏ môn học khác). Do đó, bộ và các sở GD&ĐT cần tổ chức hội thảo, tập huấn, hướng dẫn cho lãnh đạo các trường những yêu cầu cần thiết để thực hiện tốt các nội dung trên. Khi ấy, tình trạng thừa-thiếu cục bộ giáo viên sẽ phần nào được giảm nhiệt.
Mặt khác, các trường sư phạm cần tổ chức đào tạo lại, đào tạo văn bằng 2 cho giáo viên dôi dư cục bộ hoặc đào tạo liên thông để giáo viên chưa đủ chuẩn có điều kiện đạt chuẩn trình độ theo Luật Giáo dục năm 2019. Hướng chỉ đạo và chính sách về việc điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu hay cơ chế dạy tăng cường cho nơi thiếu cũng cần được thống nhất, tránh mỗi nơi làm một kiểu hoặc nơi làm, nơi không sẽ gây dư luận không tốt.
Về giải pháp cho vấn đề này, theo bà Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Luật Nhà giáo cần sớm được ban hành để có hành lang pháp lý, bảo đảm các điều kiện quản lý đội ngũ nhà giáo một cách căn cơ, bài bản, có chiến lược phù hợp với yêu cầu đặc thù và phát triển của sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Cùng với đó, Bộ GD&ĐT cần hoàn thiện xây dựng chiến lược tổng thể phát triển giáo dục mầm non, phổ thông theo tinh thần Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Từ đó, mới có thể hình dung về nhu cầu nhân lực, phát triển đội ngũ giáo viên để có lộ trình.
Được biết, Bộ Nội vụ đã phối hợp với Bộ GD&ĐT trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung 27.850 biên chế cho sự nghiệp giáo dục trong năm học 2021-2022 để giải quyết trước mắt tình trạng thiếu giáo viên tại một số cấp học và một số môn học. Tuy vậy, nếu chỉ có vài giải pháp nào đó thì khó có thể giải quyết căn cơ, bền vững. Rất cần sự chung tay của cả xã hội để tìm một nhóm giải pháp tổng thể, từ công tác dự báo, đánh giá đến chiến lược lâu dài, xem xét nhiều góc độ từ Trung ương đến địa phương và các bộ, ngành.
Ý kiến ()